CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó

Thị trường F&B không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của những biến động kinh tế - chính trị toàn cầu và trong nước. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, doanh nghiệp F&B cũng đang đứng trước cơ hội chuyển mình, mở rộng với chi phí thấp hơn bình thường.
CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 1.

Năm 2022, thị trường F&B như được hồi sinh sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Báo cáo của iPOS.vn cho thấy, quy mô doanh thu ngành F&B năm 2022 đạt gần 610 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021. Riêng thị trường ăn ngoài cũng ghi nhận doanh thu 333,69 nghìn tỷ đồng, hồi phục sát với mốc trước khi đại dịch bùng phát.

Tuy nhiên, thách thức chưa dừng lại với các doanh nghiệp F&B khi từ Quý 4/2022 đến đầu năm 2023, nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam gặp không ít thách thức, đe doạ “túi tiền” và hành vi của người tiêu dùng. 

Vậy thị trường F&B đã diễn biến ra sao trong những tháng đầu năm 2023? Điều gì sẽ chờ đợi các doanh nghiệp vào nửa cuối năm nay? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Thanh Hùng - CEO iPOS.vn để có những góc nhìn sâu sắc hơn về thị trường.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 2.

Năm 2022, thị trường F&B đã lấy lại được mức tăng trưởng và thậm chí vượt bậc so với giai đoạn trước Covid-19. Vậy diễn biến của thị trường trong bốn tháng đầu năm 2023 ra sao, thưa ông? 

Trong hơn 12 năm cung cấp giải pháp công nghệ cho ngành F&B, chúng tôi đã đồng hành với doanh nghiệp, cùng trải qua nhiều chu kỳ và sự biến động khác nhau. Tuy nhiên, 2023 là một năm khá đặc biệt. Cũng tương tự như những năm khác, chúng tôi nhận thấy nhu cầu của thực khách tăng cao vào tháng Một do kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ba tháng sau đó, thị trường F&B diễn biến trầm lắng hơn, mức chi tiêu của người dùng cuối đã giảm đáng kể. Những khó khăn của nền kinh tế tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, dẫn đến tâm lý thắt chặt chi tiêu. Điều này đã được phản ánh rõ nét ở cả thị trường bán lẻ, tiêu dùng nói chung và ngành kinh doanh dịch vụ F&B nói riêng. 

Tuy nhiên, bức tranh thị trường không chỉ toàn sắc xám. Các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, nguồn lực lớn đang tận dụng cơ hội này để mở rộng quy mô. Điển hình, thời gian gần đây, các thương hiệu lớn như Katinat Saigon Café, Phê La, Mixue,… đang liên tục mở rộng điểm bán trên phạm vi toàn quốc.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 3.

Cụ thể hơn, ông nhận thấy hành vi của người tiêu dùng và của doanh nghiệp ngành F&B đã có gì thay đổi trong những tháng đầu năm?

Mức tiêu dùng của thực khách chắc chắn là giảm sút. Theo quan sát của chúng tôi, mức chi tiêu cho dịch vụ F&B giảm khoảng 5% hằng tháng trong ba tháng gần đây. Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ trở lại của kênh bán hàng trực tuyến, có thể do tâm lý e ngại của một số thực khách khi số ca mắc Covid-19 bất ngờ tăng.

Dù mức tiêu dùng có giảm đôi chút do ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, song nhu cầu của người tiêu dùng vẫn còn đó. Trong bối cảnh ấy, phân khúc có mức giá phải chăng sẽ lên ngôi. Đó là lý do, chuỗi trà sữa Mixue đã gây sốt trong thời gian vừa qua. Theo tôi, các sản phẩm trà sữa đồng giá 25.000 đồng/ly, kem 10.000 đồng/chiếc sẽ tiếp tục gây sốt trong ít nhất ba tháng hè sắp tới. Ngoài ra, một số đồ uống thời gian gần đây cũng có định giá thấp hơn khá nhiều, như trà mãng cầu trung bình chỉ từ 20.000 đồng/ly, cá biệt như món cà phê muối chỉ từ 15.000 đồng/ly.

Đối với các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy ngoài nguyên vật liệu thì nhân sự và mặt bằng là hai loại chi phí cao nhất. Thấu hiểu điều đó, trong vòng hơn một năm vừa qua, chúng tôi đã đẩy mạnh cung cấp giải pháp menu điện tử (iPOS O2O) miễn phí, giúp thực khách tự quét QR để gọi món ngay tại bàn. Điều này giúp các nhà hàng, quán ăn “bắn một mũi tên trúng hai đích", vừa tăng tính trải nghiệm cho thực khách, vừa giảm áp lực cho nhân viên trong thời gian cao điểm. Thực tế cho thấy, chúng tôi ghi nhận số lượng đơn đáng kể xuất phát từ các mã QR code.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 4.

Vậy trong bối cảnh có cả thách thức và cơ hội, mô hình nào đang ghi nhận tăng trưởng tốt nhất trong bốn tháng đầu năm 2023?

Theo quan sát của tôi, mô hình đồ uống nói chung và cà phê nói riêng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và tiềm năng cao nhất. Đặc biệt là khi thời tiết bắt đầu vào hè, nhiệt độ năm nay được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn so với các năm trước, dẫn đến nhu cầu đối với đồ uống tăng. 

Nhìn chung tại Việt Nam, khi kinh doanh và khởi nghiệp, quán cà phê vẫn là sự lựa chọn được nhiều người ưa thích. Đây là mô hình kinh doanh dễ tiếp cận về vốn và mặt bằng, cũng khá thân thuộc và phản ánh rõ ràng tính cách của người sáng lập. Nhưng cũng chính vì vậy, thị trường này ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Các nhà đầu tư cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng, xây dựng và phát triển mô hình một cách có chiến lược và không nên chạy theo “trend”.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 5.

Tháng Ba vừa qua, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2023 sẽ đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 650.000 tỷ đồng. Vậy theo ông, ngành F&B sẽ thừa hưởng những lợi ích gì từ việc phát triển du lịch trong thời gian tới?

Đón 102 triệu khách nội địa và 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 là một mục tiêu thách thức với du lịch Việt Nam, nhưng không phải là điều không thể. Chỉ trong bốn tháng đầu năm, chúng ta đã đón 38 triệu lượt khách nội địa và 3,7 triệu lượt khách quốc tế, đạt gần một nửa mục tiêu cả năm. Những tháng tới, du lịch hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu nghỉ dưỡng mùa hè. Trong đó, điểm du lịch biển sẽ có nhiều lợi thế hơn. Đặc biệt, các khu vực có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân, có tuyến đường cao tốc, gần với Hà Nội (như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, TP Vinh.. ) và TP.HCM (như Phan Thiết, Vũng Tàu) sẽ dễ dàng thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa. 

Và khi du lịch đang tiếp tục đà hồi phục, tôi cho rằng ngành F&B không chỉ được hưởng lợi mà còn giữ vai trò quan trọng, đóng góp vào trải nghiệm du lịch tại mỗi địa phương. Để thực sự thuyết phục khách du lịch ở lại lưu trú cần có các dịch vụ và trải nghiệm tốt, mà ở đây phần lớn thuộc về khối kinh doanh ẩm thực - đồ uống. Các quán ăn, nhà hàng cần có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn để thu hút thực khách lưu trú dài ngày.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 6.

Doanh nghiệp có thể chuyển mình bằng những cách nào, thưa ông?

Bối cảnh hiện nay tôi thấy có những điểm giống và khác thời kỳ đại dịch. Về mặt tích cực, chúng ta được tự do di chuyển, đi du lịch, ăn uống trực tiếp tại cửa hàng, dòng doanh thu vì thế cũng cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên về mặt tiêu cực, nhu cầu ăn uống của người dân chứng kiến dấu hiệu suy giảm thấy rõ trong khi lãi suất cao và chi phí gia tăng khiến nguồn tiền duy trì hoạt động của nhiều hàng quán bị bào mòn. Nếu coi ngành dịch vụ năm 2021 như một cơ thể bị Covid thì hiện nay chúng ta đang bị hội chứng “hậu Covid” – vẫn sống nhưng mệt mỏi, suy yếu, phải gắng gượng để phát triển.

Như đề cập phía trên, xu hướng du lịch tăng trưởng trở lại ít nhiều mang tới một “luồng oxy” quý giá cho nhiều doanh nghiệp F&B trên khắp cả nước, mặc dù không phải tất cả đều hưởng lợi. Doanh thu ngành tuy có suy giảm nhưng chắc chắn vẫn tốt hơn nhiều so với thời kỳ đại dịch. Vậy nên tôi cho rằng, trong khi những doanh nghiệp lớn đang tranh thủ mở rộng kinh doanh với nguồn lực tích lũy từ trước, nhóm các cửa hàng F&B vừa và nhỏ sẽ phải giải bài toán khá tương tự với thời đại dịch.

Thứ nhất, duy trì dòng doanh thu đủ để trang trải chi phí hoạt động, chấp nhận biên lãi mỏng hoặc thậm chí không có lãi, chờ tương lai kinh tế sáng sủa hơn. Trong bối cảnh hiện tại, khi thu nhập của người tiêu dùng giảm, dù họ không bỏ thói quen ăn uống nhưng tần suất và mức chi tiêu ít đi là xu thế tất yếu. Vì vậy, làm sao để giúp thực khách chi tiêu ít hơn nhưng vẫn nhận được giá trị vượt trên số tiền bỏ ra là yếu tố quan trọng để níu chân khách hàng. Giá của món ăn trên menu có thể không đổi nhưng hãy kích thích thực khách bằng những combo, khuyến mại đơn giản và thông minh. Ngoài ra, việc hợp tác với một số thương hiệu xung quanh, tạo khuyến mại chéo cũng là một hình thức cộng sinh hữu hiệu. Lợi nhuận trên mỗi đơn hàng có thể giảm nhưng quan trọng là dòng tiền quý giá đó chảy về quán của mình chứ không phải quán khác.

Thứ hai, tối ưu chi phí và quy trình để hạn chế tối đa các thất thoát. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp sống khỏe hơn ở thời điểm hiện tại mà còn tạo tiền đề mở rộng khi thời cơ phù hợp. Một đồng doanh thu tăng thêm chưa chắc đã giúp tăng thêm một đồng lợi nhuận, nhưng một đồng chi phí được cắt bỏ chắc chắn sẽ giúp lợi nhuận tăng thêm một đồng. Nếu các hàng quán đã thực hiện việc này trong thời kỳ 2020 – 2021, hãy tiếp tục làm tiếp trong năm 2023. Tối ưu luôn là một quá trình liên tục. 

Các kẽ hở có thể gây thất thoát trong quá trình vận hành, dưới cả dạng tài chính, thời gian, thậm chí là cả tinh thần. Tuy nhiên, việc tối ưu chi phí tuyệt đối không được làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm lõi - chính là các món ăn. Kế tiếp là dịch vụ khách hàng. Nếu cho rằng đã khuyến mại rồi thì có thể ngó lơ chất lượng sản phẩm và dịch vụ thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ bỏ rơi thương hiệu không thương tiếc.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 7.

Một báo cáo gần đây cho thấy, chi tiêu của thực khách ở phân khúc cao cấp vẫn tăng trưởng bất chấp kinh tế chung khó khăn. Đây liệu có phải phân khúc tiềm năng trong giai đoạn này?

Chính xác là vậy. Nhóm khách hàng này ít bị ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô. Theo báo cáo của HSBC, dự báo tầng lớp trung lưu cao (nhóm người dân có thu nhập từ 50-110 USD/ngày) tại Việt Nam sẽ tăng trung bình 17%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu với mức chi tiêu cao, đòi hỏi chất lượng dịch vụ tương xứng sẽ thúc đẩy mô hình nhà hàng ở phân khúc cao cấp tăng trưởng trong thời gian tới. 

Trong suốt thời gian vừa qua, hình thức Premium F&B đã xuất hiện ở nhiều hơn tại thị trường F&B Việt Nam, đặc biệt là khối Nhà hàng. Mô hình này không những phục vụ cho nhóm khách hàng cao cấp, mà còn phục vụ cho những khách hàng cận cao cấp vào các dịp đặc biệt. Tháng 6/2023, Michelin Guide - cẩm nang xếp hạng các nhà hàng thông qua hệ thống đánh giá sao Michelin, cũng sẽ công bố một số nhà hàng ở Việt Nam được “ghi danh” vào cẩm nang danh giá nhất thế giới này. Đây là minh chứng giúp chúng ta có thêm niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng của phân khúc cao cấp.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 8.

Những khảo sát gần đây của chúng tôi tại Báo cáo ngành Kinh doanh ẩm thực năm 2022 cũng cho thấy, 44% thực khách sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 – 70.000 đồng và 14% sẵn sàng chi tiêu trên 70.000 đồng cho một lần “đi cà phê”. Với dịp đặc biệt, 13% khách Việt sẵn sàng chi tới 500.000 VND/người cho một bữa ăn. Mức chi phí này nằm trong dải giá của các mô hình Premium F&B. Số liệu này một lần nữa cho thấy, dù kinh tế vĩ mô đang gặp nhiều trở ngại, xu hướng trải nghiệm ăn uống cao cấp vẫn có dấu hiệu tăng trưởng tốt.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 9.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 10.

Làm việc với rất nhiều doanh nghiệp F&B, ông nhận thấy tâm lý của các chủ quán ăn, nhà hàng hiện ra sao? Họ lạc quan hay lo ngại về tình hình tài chính, sức tiêu thụ của thị trường?

Hiện tại iPOS.vn vẫn ghi nhận số lượng cửa hàng F&B mở mới tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2022. Mặc dù đối diện với khá nhiều thông tin tiêu cực từ quốc tế như khủng hoảng tài chính, bất ổn chính trị, xung đột kéo dài.. và từ trong nước như người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cắt giảm lao động… nhưng tâm lý của doanh nghiệp nhìn chung khá lạc quan. Các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung cũng như ngành F&B nói riêng vẫn tin tưởng vào sức bật của nền kinh tế Việt Nam, những động thái hỗ trợ của Chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế sẽ có hiệu quả rõ ràng vào nửa cuối 2023.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 11.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 12.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 13.

Ông có thể chia sẻ một case-study khách hàng của iPOS.vn đã chuyển mình thành công, như bài học dành cho các doanh nghiệp khác?

iPOS.vn rất tự hào vì có thể cung cấp một hệ sinh thái toàn diện cho bất kỳ doanh nghiệp F&B nào tại Việt Nam, từ nhỏ tới lớn. Chúng tôi coi công nghệ là công cụ để giúp doanh nghiệp quản trị dễ dàng, tối ưu và đạt hiệu quả về mặt lâu dài. Đó mới chính là mục tiêu của chuyển đổi số. 

Chúng tôi đã chứng kiến và đồng hành cùng nhiều thương hiệu chuyển đổi số thành công, trong đó Phở cuốn Hương Mai là chuỗi nhà hàng truyền thống mà tôi cảm thấy vô cùng ấn tượng. Đặc trưng của mô hình này là có lượng khách hàng lớn trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, do nằm ở các vị trí đắc địa nên các cửa hàng có diện tích không quá lớn, có từ 2 tầng ngồi trở lên. Nhận thấy khó khăn khi vận hành, doanh nghiệp này đã bền bỉ theo đuổi giải pháp Menu điện tử để gọi món tại bàn. Nhờ đó, khách hàng có nhiều thời gian để lựa chọn món ăn ưa thích, đồng thời việc quản lý bếp, bàn và phục vụ món trở nên vô cùng tối ưu, đặc biệt là nhân sự phục vụ. Tôi đã từng thưởng thức đồ ăn tại Phở cuốn Hương Mai vào lúc 19h, với chỉ ba nhân sự phục vụ bàn và một nhân sự phục vụ tại quầy thanh toán.

Bên cạnh Menu điện tử, chúng tôi đang xúc tiến và đề đạt kế hoạch triển khai thêm giải pháp quản trị nhân sự - iPOS HRM cho Phở cuốn Hương Mai, giúp thương hiệu tối ưu hơn nữa công tác quản lý. Sản phẩm này sẽ giúp các hàng quán quản lý chấm công dễ dàng, sắp xếp nhân sự phù hợp cũng như tự động hóa tính lương thưởng theo ca kíp. Đây là giải pháp mới được ra mắt năm 2022 của chúng tôi được thiết kế riêng cho ngành kinh doanh F&B tại Việt Nam.

CEO iPOS.vn: Doanh nghiệp F&B đang rất nỗ lực để vượt khó - Ảnh 14.

Cùng với đó, doanh nghiệp F&B nên có sự chuẩn bị như thế nào trong bối cảnh kinh tế biến động, thách thức này, thưa ông?

Chúng ta không thể dự đoán được những biến động có thể xảy ra. Do đó, tối ưu chi phí và luôn chủ động, sẵn sàng thích nghi với những kênh, hình thức bán hàng mới vẫn là ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện tại. Các chủ doanh nghiệp cần quan sát và phân tính các con số thực tế thay vì phán đoán theo cảm tính.

Tuy nhiên, cũng không nên quá thận trọng trong việc phát triển trong kinh doanh. Trong nguy có cơ, đây là thời điểm tốt để mở mới hoặc cải tạo với mức chi phí thấp hơn. Tôi tin rằng sẽ khó có thêm một cú sốc kinh tế như đại dịch Covid-19 trong ít nhất là một vài năm tới. Chí ít, chúng ta vẫn được ra đường để mua hàng, chi tiêu và trải nghiệm, cho dù mức chi tiêu có giảm đôi chút so với trước.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin mới