Chàng trai 26 tuổi bước vào nhóm tỷ phú trẻ nhất Nhật Bản nhờ các ngôi sao ảo trên YouTube

Riku Tazumi thành lập công ty Anycolor khi anh vẫn còn là sinh viên đại học. Và công ty quản lý các YouTuber ảo này đã đưa anh thành tỷ phú ở tuổi 26.

Nhật Bản đã chuyển những ngôi sao YouTube đời thực thành những ngôi sao ảo. Một công ty quản lý những ngôi sao ảo này đã sản sinh ra một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất của Nhật Bản.

Đó chính là công ty Anycolor hiện đang quản lý khoảng 140 nhà sáng tạo nội dung. Mỗi người hoạt động trên YouTube bằng một nhân vật ảo khác nhau.

Cổ phiếu của Anycolor Inc. đã tăng gấp 8 lần kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo vào tháng 6. Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu hoạt động tốt nhất trên thị trường. Anycolor cũng được định giá khoảng 370 tỷ yên (tương đương 2,5 tỷ USD).

Người sáng lập công ty Riku Tazumi, 26 tuổi, sở hữu 45% cổ phần hiện có trị giá 1,1 tỷ USD, ngay cả khi tỷ giá đồng yên so với USD giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Anh Tazumi thành lập công ty có trụ sở tại Tokyo vào năm 2017, khi anh vẫn còn là sinh viên đại học. Công ty khi đó được đặt tên là Ichikara, nghĩa đen là "từ con số không". Anh muốn sử dụng anime làm cánh cổng mở ra cơ hội trở thành một công ty giải trí thế hệ tiếp theo không bị "ràng buộc bởi khuôn khổ truyền thống của ngành", Tazumi viết trên trang web của công ty.

Masahiro Hasegawa, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Humanmedia ở Tokyo, đánh giá: "Anycolor giống như Tesla, vì luôn có những lời bàn tán về việc cổ phiếu bị định giá quá cao. Nhưng các nhà đầu tư là những người muốn đặt cược vào tương lai và ở đây có một số người kỳ vọng cao".

Chàng trai 26 tuổi bước vào nhóm tỷ phú trẻ nhất Nhật Bản nhờ ngôi sao ảo YouTube - Ảnh 1.

Trang web của Anycolor. Ảnh: Takaaki Iwabu/Bloomberg.

Thành tích xuất sắc của Anycolor nổi bật hẳn so với các công ty khác, trong một năm mà các nhà đầu tư toàn cầu xa lánh những cái tên có tốc độ tăng trưởng cao. Màn ra mắt ấn tượng của công ty cho thấy sự tin tưởng của thị trường vào khả năng kiếm tiền từ văn hoá anime và idol nhạc pop của Nhật Bản, đồng thời biến những tài sản trí tuệ thành công cụ kiếm lợi nhuận đều đặn.

Chuyên gia Hasegawa cho biết: "Các công ty quản lý tài năng xưa nay là một ngành kinh doanh cực kỳ mạnh ở Nhật Bản. Mọi người đang đặt cược rằng đây là thế hệ tiếp theo của những doanh nghiệp tương tự".

Điểm thu hút chính trong mắt các nhà đầu tư là tiềm năng mở rộng ra nước ngoài của Anycolor, không giống các công ty quản lý tài năng trong nước như Johnny & Associates. Công ty Johnny & Associates quản lý các nhóm thần tượng nhạc pop, bao gồm Arashi và Snow Man với lượng người hâm mộ khổng lồ ở Nhật Bản. Nhưng họ ít khi xuất hiện ở các thị trường nước ngoài.

Trong báo cáo đầu tiên vào tháng trước, Anycolor công bố lợi nhuận hoạt động của họ tăng gần gấp 3 lần lên 2,1 tỷ yên trong 3 tháng tính đến tháng 7, tăng mạnh so với mức 842 triệu yên vào cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu từ dịch vụ toàn cầu bằng tiếng Anh được người xem trong và ngoài Nhật Bản sử dụng đã tăng gấp đôi lên khoảng 1,6 tỷ yên so với quý tước. Cổ phiếu của Anycolor tăng 46% trong 3 ngày sau đó.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Tomoichiro Kubota tại Matsui Securities cho biết: "Doanh số kinh doanh toàn cầu của công ty đã có một bước nhảy vọt".

Chàng trai 26 tuổi bước vào nhóm tỷ phú trẻ nhất Nhật Bản nhờ ngôi sao ảo YouTube - Ảnh 2.

Nhân vật anime trên ứng dụng Bilibili. Ảnh: Roy Liu/Bloomberg.

Sự nổi tiếng của công ty là nhờ các nhân vật ảo trên YouTube thúc đẩy dưới tên thương hiệu Nijisanji. Những YouTuber ảo này thường chơi trò chơi điện tử trực tuyến, đồng thời tương tác với những người đang xem họ phát trực tiếp. Hoạt động này tương tự như trò chơi phát trực tuyến trên Twitch của Amazon, nhưng trên một nền tảng khác với sự hấp dẫn từ anime.

Theo nhà phân tích Kubota, ít doanh nghiệp thành công trong việc kiếm tiền từ YouTube. Bilibili Inc. của Trung Quốc là nhà cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến bao gồm cả YouTuber ảo. Cổ phiếu của công ty đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch bùng phát, sau đó giảm mạnh hơn 90% khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm và thua lỗ. Công ty thậm chí có thể bị buộc phải hủy niêm yết trên sàn Nasdaq.

Nhưng những thần tượng ảo này đang giúp công ty Anycolor vượt xa những lời quảng cáo bằng cách bán các vật phẩm cho người hâm hộ. Đồng thời, các YouTuber ảo không tiêu tốn nhiều chi phí liên quan đến việc tổ chức các buổi gặp mặt trực tiếp hoặc biểu diễn trên các chương trình tuyền hình mà các ban nhạc thường làm.

Nhà phân tích Hasegawa cho biết: "Những người hâm mộ có xu hướng chi phần nhiều trong thu nhập của họ cho những ngôi sao này so với những người tiêu dùng bình thường. Và hiện chúng ta đang thấy văn hoá Nhật Bản này đang lan rộng ra nước ngoài".

Một số người đang đặt câu hỏi về chất lượng video của các YouTuber ảo. Họ cho rằng chất lượng không bằng những tác phẩm hoạt hình của các nhà sản xuất hàng đầu Nhật Bản hoặc các nhóm nhạc nổi tiếng khác. Nhưng việc cải thiện chất lượng sẽ rất tốn kém. Theo Kubota, các nhà đầu tư sẽ cần phải theo dõi mức tăng trưởng thu nhập duy trì trong những quý tới.

Theo Bloomberg

Thiên Di

Tin mới