(Tổ Quốc) - "Chức vô địch sẽ đoàn kết người dân lại. Nếu đội tuyển của chúng tôi chiến thắng, mọi người đều vui mừng và chẳng lạm phát hay giá xăng nào có thể dập tắt niềm vui đó", Federico Mansilia tại Argentina nói với hãng tin CNN.
Giải cứu nhờ World Cup
Theo hãng tin CNN, các nước Châu Mỹ Latin hiện đang gặp nhiều bất ổn do giá dầu tăng cao, khiến hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra trên diện rộng.
Tại Argentina, Ecuador và Panama, người dân đã biểu tình hàng loạt trong bối cảnh giá dầu leo thang khiến chi phí sinh hoạt phi mã. Hãng tin CNN cảnh báo nhiều nước Châu Mỹ Latin cũng sẽ theo gót thời gian tới nếu giá dầu không được bình ổn.
Tháng 4/2022, Ngân hàng thế giới World Bank đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Châu Mỹ Latin xuống còn 2,3% trong năm nay do ảnh hưởng từ giá xăng dầu và cuộc xung đột tại Ukraine.
Biểu tình tại Ecuador tháng 6/2022 vì giá xăng
Tồi tệ hơn, World Bank ước tính nền kinh tế khu vực này đã mất khoảng 1,7% GDP do thay đổi khí hậu trong suốt 20 năm qua. Ngành nông nghiệp, hải sản của khu vực này, vốn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ ô nhiễm môi trường, khí hậu nóng lên cùng những yếu tố khác.
"Với chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao, sự tức giận của người dân cũng đi lên. Câu hỏi hiện nay không còn là ‘nếu’ nữa mà là ‘khi nào’ sự bất ổn này sẽ bộc phát", chuyên gia Sergio Guzman của Risk Analysis tại Bogota-Colombia cảnh báo.
Theo ông Guzman, các chính sách của những nền kinh tế Châu Mỹ Latin hiện không theo kịp được đà tăng lạm phát và rất dễ tạo nên bất ổn xã hội.
"Khi túi tiền của người dân vơi dần thì sự kiên nhẫn của họ cũng hết", chuyên gia Guzman cho biết.
Ví dụ tại Ecuador, hàng loạt cuộc biểu tình đã buộc Tổng thống Guillermo Lasso áp giá trần 2,4 USD/gallon cho xăng dầu. Theo Bộ trưởng tài chính Simon Cueva, động thái này sẽ khiến ngân sách tốn thêm 3 tỷ USD năm tài khóa này.
Tại Argentina, tình hình còn tồi tệ hơn khi Bộ trưởng tài chính bị buộc từ chức trong bối cảnh lạm phát phi mã. Hãng tin CNN cho biết tình hình hiện nay tại Argentina còn phức tạp hơn cả thời điểm đầu đại dịch khi mọi thứ đều tăng giá còn người dân thì vô cùng bức xúc.
"Mọi người đều than vãn. Những người nhận được trợ cấp thì cho biết khoản hỗ trợ không theo kịp lạm phát, còn người không được nhận trợ cấp thì cũng than vãn. Ít nhất trong đại dịch, chính phủ và người dân còn đồng tâm hiệp lực. Giờ đây thì sự tức giận trong dân chúng đang ngày một leo thang", anh Federico Mansilia, một nhân viên giao hàng và là cha của 2 đứa trẻ tại Argentina nói với CNN.
Điều trớ trêu là theo anh Mansilia, việc đội tuyển quốc gia của họ giành chiến thắng World Cup tại Qatar cuối năm nay có thể là một lối thoát.
Biểu tình tại Ecuador tháng 6/2022 vì giá xăng
"Chức vô địch sẽ đoàn kết người dân lại. Nếu đội tuyển của chúng tôi chiến thắng, mọi người đều vui mừng và chẳng lạm phát hay giá xăng nào có thể dập tắt niềm vui đó. Thế nhưng hiện tại thì tình hình khá là tồi tệ", anh Mansilia trần tình.
Phụ thuộc giá xăng
Trái với Bắc Mỹ và Châu Âu, người dân Châu Mỹ Latin thiếu thốn các phương tiện thay thế như tàu hỏa hay tàu thủy, vốn tiết kiệm xăng dầu hơn để di chuyển nên giá năng lượng ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sinh hoạt.
"Giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Nếu giá xăng tăng thì mọi mặt hàng lập tức cũng tăng theo", chuyên gia Guzman của Risk Analysis nhận định.
Tại Ecuador, ngành chuối là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu nước này cần dầu diesel để bơm nước tưới cây và giá nhiên liệu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người nông dân.
Theo hãng tư vấn Pulso Bananero, sản lượng chuối của Ecuador đã giảm 7% so với cùng kỳ năm trước do chi phí xăng dầu tăng cao, đồng thời nhiều lao động trong ngành cũng bị sa thải để cắt giảm chi phí.
Tại Colombia, ngư dân nước này được hưởng giá xăng thuộc hàng thấp nhất thế giới trong nhiều năm. Thế nhưng khi Bộ năng lượng Colombia công bố nâng mức giá xăng từ tháng 7/2022, một cuộc khủng hoảng toàn diễn đã diễn ra.
Anh Jimmy Murillo, một ngư dân tại Buenaventura cho biết mình sẽ phải tốn 2-3 ngày mỗi lần ra khơi, thậm chí lâu hơn để đánh bắt cá do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường lẫn thay đổi khí hậu. Hải sản giờ đây khó đánh bắt hơn do các con sông thải nhiều đất cát ra biển hơn vì thay đổi khí hậu, khiến động vật biển ra xa bờ nơi có nước trong hơn.
Thế nhưng chính điều này lại khiến những ngư dân như anh Murillo phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu.
"Vào tháng 1/2022, giá xăng chỉ vào khoảng 8.000 Peso (1,96 USD) mỗi gallon thì nay đã vượt 9.800 Peso (2,7 USD). Giá xăng tăng đều mỗi tuần và chính phủ chưa có biện pháp hỗ trợ nào cả", anh Murillo lo lắng.
Tương tự, chị Nicole Munox tại Albacora chuyên trở cá lên thành phố bán cũng than thở vì giá xăng tăng cao.
"Chúng tôi phụ thuộc vào xăng dầu cho các tàu cá, rồi vận tải chúng đến sân bay, rồi cả những chiếc máy bay nữa. Toàn bộ chuỗi cung ứng của chúng tôi chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá xăng", chị Munoz than thở.
Mặc dù hải sản chưa tăng giá bằng thịt bò và lợn ở Colombia nhưng chị Munoz cho biết cuối cùng mọi thứ cũng phải đi lên do ảnh hưởng từ giá nhiên liệu.
*Nguồn: CNN
Băng Băng