(Tổ Quốc) - "Chi phí dịch vụ Last-Mile Delivery (giao hàng chặng cuối đến người dùng) hiện rất cao, có thể chiếm đến 53% tổng chi phí vận chuyển, nghĩa là tiền ship từ nước ngoài về đến kho ở Việt Nam có khi vẫn rẻ hơn tiền ship từ kho đến nhà người mua", ông Nguyễn Tuấn Anh – cựu Giám đốc Grab Việt Nam – cho biết. Ông vừa cùng cộng sự lập một startup phát triển robot giao hàng tự hành, ứng dụng trong lĩnh vực giao hàng và giao đồ ăn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – cựu Giám đốc Grab Việt Nam - lần đầu xuất hiện trước truyền thông sau một năm rưỡi rời vị trí Tổng Giám đốc VinID.
Ông Tuấn Anh góp mặt tại Hội thảo khoa học quốc gia "Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045" với cương vị đồng sáng lập và Tổng Giám đốc Alpha Asimov Robotics – một startup tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển robot giao hàng tự hành đầu tiên ở Việt Nam.
"Alpha Asimov lựa chọn nghiên cứu và phát triển robot tự hành, vì chúng tôi nhận thấy sản phẩm này đang là xu hướng phát triển công nghệ của tương lai và có thể giúp làm giảm giá đáng kể cho dịch vụ giao hàng. Hiện nay chi phí dịch vụ Last-Mile Delivery (giao hàng chặng cuối đến người dùng) rất cao, có thể chiếm đến 53% tổng chi phí vận chuyển, nghĩa là tiền ship từ nước ngoài về đến kho ở Việt Nam có khi vẫn rẻ hơn tiền ship từ kho đến nhà người mua", ông Tuấn Anh cho biết.
"Như vậy nếu chúng ta tự động hóa và tăng hiệu quả ở khâu này sẽ dẫn đến việc tiết kiệm chi phí rất lớn cho người dùng cuối, giúp kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Hiện nay trên thế giới đã có nhiều công ty công nghệ lớn như Amazon, Alibaba đang bắt đầu thử nghiệm việc giao hàng bằng robot tự hành này".
Theo giới thiệu, Alpha Asimov đang nghiên cứu và phát triển robot giao hàng có khả năng chạy tự hành. Robot có kích thước dài 1m, rộng 80 cm và cao 60 cm, di chuyển với tốc độ tương đương xe đạp, ở mức 15 – 25 km/h.
Robot có tải trọng 50kg, có thể chở 5 cái pizza hoặc 10 tô phở.
Ông Nguyễn Tuấn Anh (trái) - Tổng Giám đốc cùng ông Lê Anh Sơn (phải) - Giám đốc Công nghệ cùng robot giao hàng tự hành phiên bản đầu tiên.
Xe tự hành có 5 cấp độ: (1) có vài tính năng hỗ trợ; (2) phụ lái trong vài tình huống dễ; (3) xe chạy tự động nhưng vẫn cần người quan sát và phản ứng nhanh; (4) con người rất ít khi can thiệp và xe vẫn tự dừng tấp vào lề an toàn khi có sự cố; (5) không cần con người. Ông Tuấn Anh cho biết robot của Alpha Asimov đang tự hành ở cấp độ 3 và sắp chuyển sang cấp độ 4.
Theo ước tính của Statista, thị trường Last-Mile Delivery toàn cầu đến năm 2027 đạt 200 tỷ USD. Riêng thị trường giao hàng bằng robot tự hành đến năm 2027 đạt đến 41 tỷ USD.
Mong Nhà nước làm "bà đỡ" cho các phát minh khoa học
Chia sẻ tại hội thảo, ông Tuấn Anh cho biết: "Trên bình diện cạnh tranh quốc tế, công nghệ lõi chỉ là một nửa câu chuyện thành công. Chúng tôi tự hào nói rằng Việt Nam mình có thể phát minh ra công nghệ. Một nửa câu chuyện còn lại phụ thuộc vào môi trường thể chế".
"Để đào tạo trí tuệ nhân tạo cho một con robot tự hành ở cấp độ 4 thì doanh nghiệp cần được thử nghiệm trong môi trường thật để máy có thể biết tránh những tình huống thực tế mà phòng thí nghiệm không có được (tất nhiên vẫn phải đảm bảo an toàn và luôn có người trợ lái khi cần thiết). Nước nào có cơ chế cởi mở thì sẽ giúp đào tạo được trí tuệ nhân tạo nhanh hơn, từ đó, sản phẩm sẽ được đưa vào đời sống nhanh hơn".
Cựu Giám đốc Grab Việt Nam cho biết các nước như Mỹ và Singapore nắm bắt được xu thế này, đã khoanh vùng cho một số khu vực thí điểm. Tại Singapore chẳng hạn, có 3 khu vực được thử nghiệm xe tự hành (chở người lẫn chở hàng) là Punggol, Tengah và Khu Đổi mới Sáng tạo Jurong (JID).
Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng điều kiện tiên quyết để thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là Nhà nước có thể giúp làm "bà đỡ" cho các phát minh khoa học thông qua khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát.
"Doanh nghiệp như chúng tôi trước hết rất mong muốn có một địa phương đỡ đầu cho dự án thử nghiệm các công trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo như thế này", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Ông cũng bày tỏ mong muốn Thành phố Đà Nẵng có thể cho phép robot của Alpha Asimov chạy trong một khu vực có dân sinh sống, và đơn giản hoá thủ tục thử nghiệm. "Hy vọng chúng ta sẽ làm được như Singapore hay Mỹ. Thành phố sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học, thu hút các công ty nghiên cứu nhiều lĩnh vực như tự hành dịch chuyển bộ phận nghiên cứu về thành phố", ông Tuấn Anh nói thêm.
TS. Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương – nhìn nhận, một trong những vấn đề rất quan trọng là sớm thể chế hóa, đưa ra các sandbox, ứng dụng các công nghệ mới trong các đô thị hoặc khu đô thị.
"Câu chuyện này trong Nghị quyết 52 mà Ban Kinh tế Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành về Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh phải có các cơ chế thử nghiệm các sản phẩm công nghệ mới. Nhưng đúng là thực tiễn triển khai còn chậm thể chế hóa", TS. Hiển nói.
Dự thảo Luật Đường bộ sửa đổi 2022 có đưa vào một thuật ngữ mới – "Phương tiện giao thông công nghệ mới". Theo đó, phương tiện giao thông công nghệ mới là phương tiện giao thông cơ giới có hoạt động trên đường bộ, có các trang thiết bị để cho phép ghi nhận, tự động hóa các nhiệm vụ của người lái xe hoặc có nguyên lý hoạt động mới.
Dự thảo cũng yêu cầu phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng phải được thiết kế, kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe, phụ tùng khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu theo quy định tại dự thảo và các yêu cầu kỹ thuật khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khi có phát sinh.
Bảo Bảo