(Tổ Quốc) - Sốt đất đi qua, dịch bệnh ập tới đã làm xoay chuyển cục diện thị trường. Những người thắng cuộc là các nhóm tạo ra cơn sốt đất và may mắn lướt nhanh, còn lại đa số nhà đầu tư F0 phải chôn vốn tiến thoái lưỡng nan thậm chí cắt lỗ 10 - 20% cũng không có người mua.
Nhà đầu tư bắt đầu cắt lỗ
Sau hơn 3 tháng không thể chống chịu được với khoản lãi gốc 12 triệu đồng/tháng, chị Trần Thị V. đã quyết định rao bán cắt lỗ lô đất mua tại Vĩnh Phúc. "Dù biết dịch bệnh đang căng thẳng, khó bán nhưng tôi quyết định đăng tin rao bán dần. Hy vọng sẽ sớm có khách trả hàng", chị V. nói.
Đây là lô đất đầu tiên mà chị V. mua kể từ khi bắt đầu rẽ trái bằng nghề kinh doanh bất động sản. Có trong tay 600 triệu đồng gửi tiết kiệm, đã không ít lần chị V. phân vân có nên bỏ tiền vào bất động sản. 8 tháng trước, một người bạn rủ chị V. góp vốn chung đầu tư lô đất ở Bắc Giang. Thế nhưng, vì sợ mà chị từ chối. Chỉ hơn 2 tháng sau, người bạn của chị V. đã chốt bán lãi hơn 200 triệu đồng. Thấy bạn đầu tư kinh doanh lãi, chị V. có thêm động lực để quyết định một mình xuống tiền vào lô đất dự án ở Vĩnh Phúc với mức giá 1,5 tỷ. Số tiền mà chị vay lên tới 900 triệu đồng. Ban đầu, chị nghĩ sẽ lướt sóng khoảng 1 tháng nhưng do tình hình dịch bệnh, đến nay, mảnh đất đó trong tình trạng đóng băng.
"Tôi ở nhà hơn 1 tháng nay. Toàn bộ khoản tiền thu nhập ngoài vì dịch bệnh nên bị cắt giảm. Tiền lương thu nhập chính chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt gia đình. Mỗi tháng lại phải trả tới 12 triệu tiền gốc lãi khiến tôi thấy oải và mệt. Tôi sợ dịch bệnh còn kéo dài thêm 1-2 năm nữa, nên tôi nghĩ đẩy hàng sớm", chị V. kể.
Chị V. còn cho biết, không chỉ có bản thân chị mà người bạn từng mời góp vốn chung lô đất ở Bắc Giang cũng đang phải rao bán cắt lỗ lô đất ở Phú Thọ.
Covid-19 khiến nhiều nhà đầu tư phải thay đổi kế hoạch kinh doanh.
Covid-19 đã trở thành biến cố khó lường đối với thị trường địa ốc. Theo nhận định của DKRA Việt Nam mới đây, thị trường đã xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực về lãi vay, họ chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán hoặc giảm một phần lợi nhuận để thu hồi dòng vốn. Nguyên nhân là bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định về tình hình thị trường hiện tại.
"Cắt lỗ thì có nhiều, đó là nhà đầu tư tay ngang nhảy vào ôm đất với giá không tưởng, sau khi mua xong tìm cách bán để rút tiền. Do giá cao, ít người mua đành phải hạ giá để thu tiền về. Nhiều nhà đầu tư tay ngang còn mua những sản phẩm không phù hợp với quy định pháp luật", ông Đính cho hay.
Những người chôn vốn, cắt lỗ đa số là F0
Đánh giá về sự thiệt hại của thị trường, ông Phan Việt Hoàng - Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa thẳng thắn cho rằng, những người thua lỗ trên thị trường chủ yếu là những nhà đầu tư F0. Họ là những nhà đầu tư mới bén duyên với lĩnh vực này trong thời gian ngắn, hoặc bắt trend dịch chuyển dòng tiền từ các kênh khác nhau về bất động sản, trong đó chứng khoán và ngoại tệ chiếm số lượng lớn. Vì nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam bị thu hẹp hoạt động vì Covid-19 nên họ chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, bản chất chính là muốn đầu tư ngắn hạn, sinh lợi cao và nhanh khi hết dịch Covid-19 sẽ quay về thị trường cũ.
Vị lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hoà cho rằng, giai đoạn khoảng tháng 3/2021, cơn sốt đất ở nhiều địa phương đồng loạt diễn ra. Dữ liệu từ một số đơn vị cho thấy, chỉ số mức độ quan tâm bất động sản tăng cao nhất trong lịch sử hơn 10 năm qua. Số lượng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường bất động sản gia tăng đáng kể. Ông Hoàng nhận định, giai đoạn vừa qua, thị trường là sân chơi của nhóm nhà đầu tư F0.
Cũng theo ông Hoàng, những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường họ thường có ít kiến thức và thông tin về ngành nghề bất động sản. Cùng với đó, hành trang vào nghề gồm có ít vốn và xuống tiền đầu tư theo kiểu niềm tin, dễ bị tác động giữa đám đông và hay mắc lỗi tính thời điểm không phù hợp. Khi nhận ra nguy hiểm thì nhà đầu tư F0 thường tìm cách cắt lỗ, tháo chạy.
"Và tất nhiên người thắng cuộc là những nhóm tạo ra các cơn sốt đất và số ít người may mắn lướt nhanh, còn lại đa số nhà đầu tư F0 phải chôn vốn tiến thoái lưỡng nan thậm chí cắt lỗ 10 - 20% cũng không có người mua", ông Hoàng nói.
Vị lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hoà cũng nhận định: "Các đối tượng đứng đằng sau cơn sốt đất không phải bỏ ra quá nhiều tiền mà vẫn có thể tạo sóng thị trường để trục lợi. Còn tâm lý và hành vi của đa số nhà đầu tư F0 trong cơn sốt đất là chạy theo đám đông, chốt mua bằng niềm tin để rồi mắc cạn không biết nguyên nhân".
Hải Nam