Đến lượt Thái Lan rơi vào suy thoái, Đông Nam Á có nền kinh tế thứ 4 trở thành nạn nhân của Covid-19

(Tổ Quốc) - Triển vọng kinh tế năm 2020 của Thái Lan là u ám nhất châu Á do đây là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và du lịch – 2 ngành bị ảnh hưởng rất nặng bởi đại dịch.

Nền kinh tế Thái Lan đã suy giảm mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ, trong bối cảnh những động lực chủ chốt là thương mại và du lịch đều vẫn đang chìm trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên.

Theo báo cáo vừa được Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan công bố, GDP Thái Lan sụt giảm 12,2% so với 1 năm trước – mức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á 1998. Con số này thấp hơn một chút so với mức giảm 13% được các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó.

Triển vọng kinh tế năm 2020 của Thái Lan là u ám nhất châu Á do đây là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và du lịch – 2 ngành bị ảnh hưởng rất nặng bởi đại dịch. Ngoài ra kinh tế Thái Lan còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đồng baht mạnh. Đồng baht Thái đã tăng hơn 6% trong quý II vừa qua, là đồng tiền tăng mạnh thứ hai ở châu Á.

Ông Thosaporn Sirisumphand, người đứng đầu hội đồng kinh tế, cho biết: "Chúng tôi rất lo ngại về nền kinh tế, đặc biệt là việc làm, nợ xấu" và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Chi tiêu công sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm nay, trong bối cảnh các động lực khác đều yếu".

Hội đồng kinh tế quốc gia cũng hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2020 xuống mức suy giảm 7,3-7,8%, so với mức dự báo sụt giảm 5-6% trước đó. Dự báo này được đưa ra trên giả định Thái Lan có thể kiểm soát dịch bệnh trong quý IV và làn sóng lây nhiễm lớn thứ hai không ập đến. Trong khi đó NHTW Thái Lan dự báo GDP sụt giảm 8,1% và Bộ Tài chính nước này đưa ra con số giảm 8,5%.

Đến lượt Thái Lan rơi vào suy thoái, Đông Nam Á có nền kinh tế thứ 4 trở thành nạn nhân của Covid-19 - Ảnh 1.

Xuất khẩu giảm 10%. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý II là 1,95%, cao nhất kể từ năm 2009 và gấp đôi so với mức bình thường. 1,8 triệu lao động khác đang đứng trước nguy cơ mất việc.

Trong quý II vừa qua nhiều phần của kinh tế Thái Lan đã phải đóng cửa và biên giới cũng đóng cửa với hầu hết người nước ngoài. Kể từ tháng 5 hoạt động đi lại trong nước đã dần được khôi phục trở lại và đến thời điểm hiện tại gần như tất cả các ngành kinh doanh đều đã mở cửa trở lại.

Chính phủ Thái Lan mới đây đã thông báo gói kích thích trị giá 60 tỷ USD. Trong đó chính phủ Thái Lan đã phát 300 tỷ baht (tương đương 9,6 tỷ USD) cho người dân để thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên nội các Thái Lan cũng đang trải qua quá trình thay đổi đội ngũ lãnh đạo kinh tế. Tân Bộ trưởng Tài chính Predee Daochai vừa mới được bổ nhiệm, trong khi Thống đốc NHTW sẽ được thay thế vào ngày 1/10 tới.

Ở Thái Lan đang nổ ra một số cuộc biểu tình chống chính phủ. Hôm Chủ nhật vừa qua hơn 10.000 người đã tụ tập ở Bangkok, mà phần lớn là người trẻ. Giới phân tích nhận định trong bối cảnh nền kinh tế đang bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh như hiện nay, các cuộc biểu tình sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trong khi thị trường tiêu dùng của Thái Lan vốn đang rất mong manh.

Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và ngành xuất khẩu trong những tháng tới.

Tham khảo Bloomberg

An Nguyên

Tin mới