(Tổ Quốc) - Đợt vừa qua, KDC đã mua gần 9% của các cổ đông, các cổ đông còn lại thì KDC sẽ tiếp tục uỷ quyền cho Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mua trong khoảng 1-2 tháng. Như vậy, với đợt này, các cổ đông nhỏ muốn bán ra thì VDSC sẽ mua lại. Và để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ, HĐQT KDC quyết định tăng mức giá mua lại từ 60.000 đồng/cp lên 70.000 đồng/cp.
Ngày 28/6/2022, Dầu thực vật Tường An (TAC) đã tổ chức ĐHĐCĐ năm 2022, thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 6.890 tỷ đồng, tăng 9,5% và LNTT 215 tỷ đồng, giảm so với năm 2021.
Theo TAC, năm 2022 được đánh giá là năm có nhiều thay đổi khi tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin Covid-19 cao, chính sách mở cửa nền kinh tế cũng như kích thích đầu tư sẽ tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong bối cảnh "bình thường mới". Dù vậy, ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraina có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Nhận thức được những thách thức lớn, HĐQT TAC đề ra chỉ tiêu kinh doanh 2022 điều chỉnh so với năm ngoái.
Đồng thời, theo định hướng phát triển của Tập đoàn KIDO (KDC) thời gian tới là tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy quản lý, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, TAC theo đó sẽ tập trung sản xuất, Tập đoàn sẽ đảm nhận việc phân phối.
Công ty cũng đã hủy công ty đại chúng và hủy niêm yết. Để giải quyết quyền lợi cho cổ đông, KDC đã cam kết và thực hiện mua lại cổ phiếu TAC mà các cổ đông còn lại đang nắm giữ nếu cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng.
Công ty cũng lên phương án phát hành gần 17 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 50% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá bán dự kiến là 15.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3-4/2022, số tiền thu về vào mức 254 tỷ đồng, sẽ được dùng cân đối bổ sung vốn cho HĐKD.
Thảo luận tại Đại hội:
1. Tường An (TAC) đã huỷ niêm yết, không còn là công ty đại chúng, KDC dự kiến khi nào sẽ hoàn thành mua lại cổ phiếu từ cổ đông nhỏ lẻ?
Chủ tịch Trần Lệ Nguyên: Sau khi TAC huỷ niêm yết, như dự kiến nêu tại Đại hội trước đó, HĐQT và ban lãnh đạo có chủ trương vì quyền lợi cổ đông sẽ mua lại hết.
Đợt vừa qua, KDC đã mua gần 9% của các cổ đông, các cổ đông còn lại thì KDC sẽ tiếp tục uỷ quyền cho Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mua trong khoảng 1-2 tháng. Như vậy, với đợt này, các cổ đông nhỏ muốn bán ra thì VDSC sẽ mua lại. Và để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ, HĐQT KDC quyết định tăng mức giá mua lại từ 60.000 đồng/cp lên 70.000 đồng/cp.
Đây cũng là đợt mua cuối, nếu cổ đông không giao dịch thì sẽ giữ lại cổ phiếu, Công ty vẫn đảm bảo các quyền lợi như chia cổ tức...
2. Hiện nay TAC là nhà máy sản xuất cho KDC phân phối. Vậy, TAC có kế hoạch gì để tăng trưởng công suất thời gian tới?
CEO Bùi Thanh Tùng: Hiện TAC chỉ tập trung sản xuất, và Công ty đang có 2 nhà máy đặt ở Phú Mỹ và Vinh. TAC có thể nói rất giỏi về vấn đề kỹ thuật sản xuất, nên chủ trương Tập đoàn TAC theo đó sẽ tập trung phát huy thế mạnh này.
Còn về KDC sẽ chuyên vai trò phân phối, marketing thì như lúc nãy đã trình bày thì phương pháp này sẽ rất tốt cho cả hai bên. Khi mà hiện nay, biến động giá nguyên vật liệu đầu vào và giá xăng dầu cũng tăng mạnh, thì việc tích hợp bán chung kênh sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Chưa kể, kênh phân phối hiện hữu của KDC cũng đủ rộng và phủ khắp, có thể giúp đưa được sản phẩm TAC đến đông đảo người tiêu dùng. Nhìn chung, TAC chuyên sản xuất và kỹ thuật, KDC chuyên phân phối, marketing với 2 lợi thế bổ trợ nhau thì hai bên sẽ đi xa hơn.
Ông Nguyên nói thêm: Chiến lược năm nay tại nhà máy Vinh thì TAC có đầu tư thêm 300-400 tỷ, với công suất tăng thêm hơn 300 tấn/ngày.
Nhà máy tại Vinh cũng là đầu mối cho thị trường phía Bắc, nên việc nâng công suất đồng thời cũng giúp tiết giảm chi phí logistics, từ đó gia tăng thêm được giá trị cho Công ty cũng như cổ đông.
3. Công ty có kế hoạch đẩy mạnh thị trường phía Bắc thế nào?
Ông Nguyên: Như đã nói ở trên, TAC có kế hoạch đầu tư nâng công suất cũng như tăng thêm một số sản phẩm mới cho nhà máy tại Vinh.
Tri Túc