(Tổ Quốc) - Địa phương có cầu rộng nhất Việt Nam nằm tại khu vực phía Bắc.
Cụ thể, cầu Đông Trù Hà Nội có chiều rộng đạt 55, đây là cây cầu rộng nhất cả nước. Cầu Đông Trù cách cầu Đuống và cầu Long Biên khoảng 4.5 đến 5km. Cầu được thiết kế với chiều dài 1.240m, đoạn cầu chính dài khoảng 500m, chiều rộng 55m với 8 làn xe chạy theo 2 chiều.
Cầu Đông Trù được xây dựng nhằm góp phần giảm áp lực cho các tuyến giao thông khác của Thủ đô. Đây là cây cầu trọng điểm khu vực phía Đông Bắc của Hà Nội nối liền Đông Anh và Long Biên. Khi cầu Đông Trù đi vào hoạt động đã giúp rút ngắn quãng đường đi từ các tỉnh phía Đông Hà Nội đến sân bay Nội Bài.
Hiện nay, cầu Đông Trù còn là trục giao thông chính phục vụ cho các khu công nghiệp, khu đô thị phía bắc sông Hồng.
Cầu Đông Trù đã giúp rút ngắn khoảng cách từ Đông Anh sang trung tâm Hà Nội. Điều này đã trở thành lực đẩy cho phát triển kinh tế của Đông Anh.
Hiện nay, Đông Anh có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông suốt với các tỉnh phía Bắc, vùng Đông Bắc và khu vực trung tâm Thủ đô như đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, Nhật Tân - Nội Bài, Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa, Quốc lộ 3, đường 23B, 23A,… được hoàn thiện.
Những năm gần đây, Đông Anh là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế bền vững, toàn diện. Đề án đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh thành quận đến năm 2025 được thành phố phê duyệt tạo thời cơ, vận hội mang tính lịch sử của huyện Đông Anh để trở thành đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội.
Trong thời gian tới, một số công trình giao thông trọng điểm, hệ thống đường sắt trên cao, đường vành đai đi qua địa phận Đông Anh sẽ được tiến hành triển khai. Từ đó, hệ thống giao thông sẽ tạo đà phát triển kinh tế cho Đông Anh.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Đông Anh sẽ trở thành đô thị trung tâm, một quận của Thủ đô - Thành phố thông minh bên bờ Bắc sông Hồng. Cùng với đó, Đông Anh được định hướng trở thành trung tâm thương mại, tài chính, du lịch, dịch vụ chất lượng cao của khu vực phía Bắc Thủ đô.
UBND huyện Đông Anh cho biết, huyện cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng sớm hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện, khai thác Khu công nghiệp Đông Anh với quy mô 600ha theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao. Cùng với đó, Đông Anh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cũng như kêu gọi, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp mới. Điều này sẽ tạo sức bật cho phát triển kinh tế của huyện.
Bên cạnh đó, UBND huyện Đông Anh nhấn mạnh, huyện ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch và doanh nghiệp công nghiệp có hàm lượng chất xám cao.
Xét về sự phát triển của TP. Hà Nội, không chỉ có cầu Đông Trù, Hà Nội còn có nhiều cây cầu khác được xây dựng để phát triển kinh tế. Cụ thể, cầu Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì cùng với cầu Đông Trù là 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống có vai trò trọng yếu trong kết nối giao thông cửa ngõ Hà Nội.
Theo lộ trình thực hiện quy hoạch giao thông năm 2023, Hà Nội chuẩn bị xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng là Trần Hưng Đạo, Tứ Liên và Vân Phúc.
Theo UBND Hà Nội, việc xây cầu Vân Phúc nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh thành lân cận trong vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc là 3 trong 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. 7 cầu còn lại gồm Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu Phú Xuyên. Hiện nay Hà Nội có 8 cầu qua sông Hồng: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.
Minh Tiến