Địa phương có quy mô GRDP top 10 cả nước đặt mục tiêu trở thành trung tâm hàng đầu Việt Nam về chế biến, chế tạo

(Tổ Quốc) - Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt mục tiêu trở thành trung tâm hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo chế tạo và dịch vụ công nghệ cao. Đến năm 2050, trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế trong khu vực Đông Nam Á.

Tỉnh Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh có vị trí nằm trên nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 17, quốc lộ 18, quốc lộ 38, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và các tuyến đường thủy như sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình; gần cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, các cảng biển quan trọng của vùng (Quảng Ninh và Hải Phòng), nằm trên các trục hành lang kinh tế.

Với vị trí cửa ngõ phía Bắc và hội tụ các tuyến giao thông chính lan tỏa từ Thủ đô Hà Nội liên kết khu vực Bắc - Đông Bắc, Bắc Ninh là một trong các cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô, là khu vực động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng có sức hút về các mặt kinh tế, xã hội, giá trị lịch sử văn hóa, đồng thời là nơi trung chuyển giao thương, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ với các địa phương trong cả nước cũng như quốc tế.

Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) của tỉnh tính đến năm 2020 đạt 209.227 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2011; đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 147,4 triệu đồng/người, tương đương 6.322 USD/người (gấp 3,4 lần so với năm 2010), gấp 1,8 lần mức trung bình chung của cả nước.

Tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2011-2020 của tỉnh đạt 12,44 %/năm, cao hơn mức 6%/năm bình quân cả nước. Cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh Bắc Ninh về cơ bản đang chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp song song với tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng. 

Địa phương có quy mô GRDP top 10 cả nước đặt mục tiêu trở thành trung tâm hàng đầu Việt Nam về chế biến, chế tạo - Ảnh 1.

Tăng trưởng GRDP Bắc Ninh giai đoạn 2015-2022. Nguồn: Cục Thống kê địa phương

Cụ thể, tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 62,1% năm 2011 lên 73,6% năm 2015 và đạt mức 76,5 % năm 2020; trong khi đó, tỷ trọng của ngành nông, lâm, thủy sản giảm dần, từ 8,4% năm 2011 xuống còn 4,1% năm 2015 và 2,7% vào năm 2020.

Theo số liệu của Cục Thống kê Bắc Ninh, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) của tỉnh năm 2022 tăng 7,39% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2019-2022. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2022 ước đạt 248.376 tỷ đồng; đứng thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 9 cả nước.

Trong đó, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 0,52%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,49%; các ngành dịch vụ tăng nhiều nhất 13,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,83%.

Năm 2022, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chủ đạo của tăng trưởng kinh tế. Tính chung cả năm, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 6,89%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,91%.

Bắc Ninh sẽ trở thành trung tâm sản xuất thông minh của Việt Nam và vùng Đông Nam Á

Tại Hội nghị Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, theo nội dung quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh trở thành trung tâm hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo chế tạo và dịch vụ công nghệ cao. Đến năm 2050, Bắc Ninh sẽ trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế trong khu vực Đông Nam Á.

Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt kế hoạch tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 7,5-8,0%/năm. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 7,5-8,0%/năm, dịch vụ tăng 10-10,5%/năm, thuế sản phẩm 7,5-8,0%/năm, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1-1,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt mức 347,9 triệu đồng/người (tương đương 13.001 USD/người) vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh xác định 5 khâu đột phá phát triển và 7 nhóm ngành ưu tiên của Tỉnh trong giai đoạn quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Cụ thể, 5 khâu đột phá phát triển được xác định gồm:

(1) Tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên phạm vi toàn Tỉnh theo quy hoạch, gia tăng hiệu quả tụ hội đô thị, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

(2) Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, liên kết vùng.

(3) Đẩy nhanh quá trình phát triển và hoàn thiện hạ tầng KCN, CCN, khu logistics, khu du lịch, đô thị và hạ tầng số phát triển đồng bộ.

(4) Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, có khát vọng vươn lên.

(5) Nâng cao chất lượng quản trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, say mê công việc; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Ninh. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

7 nhóm ngành được ưu tiên thu hút đầu tư và tập trung nguồn lực phát triển gồm: (1) Sản xuất thiết bị điện tử; (2) Sản xuất công nghệ cao; (3) Du lịch; (4) Logistics; (5) Thương mại; (6) Dịch vụ công nghệ thông tin và (7) Sản xuất dược phẩm.

Giang Anh

Tin mới