(Tổ Quốc) - Những khó khăn của kinh tế thế giới đã tác động rõ rệt, hiện hữu và ảnh hưởng xấu đến kinh tế của tỉnh, đặc biệt là các ngành công nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2023. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng đây là nơi duy nhất trong số 5 tỉnh tăng trưởng âm phục hồi tăng trưởng trong 9 tháng 2023.
Vào tháng 11/2020, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan - một trong các hoạt động nổi bật trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Mạng lưới logistics thông minh ASEAN chính thức được bấm nút khởi động với dự án đầu tiên "Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc". Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án cho Liên danh T&T Group - YCH - YCH Holdings, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng.
Tại lễ khởi công vào cuối năm 2021, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ là điểm trung chuyển hàng hoá nội địa, hàng hoá xuất nhập khẩu và những mặt hàng khác tuyến Hàng lang kinh tế Hà Nội – Lào Cai và từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Việc thực hiện và phát triển Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của khu vực nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Là một phần trong quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn và trung tâm logistics Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng tới năm 2030, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là "siêu cảng" đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland Container Depot - ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.
Tình hình kinh tế Vĩnh Phúc thay đổi ra sao trong 9 tháng đầu năm?
Theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn, nhiều quốc gia đối mặt với suy giảm tăng trưởng. Theo đó, những khó khăn của kinh tế thế giới đã tác động rõ rệt, hiện hữu và ảnh hưởng xấu đến kinh tế của tỉnh, đặc biệt là các ngành công nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2023. Tăng trưởng với xu hướng giảm từ quý 4/2022, tiếp đà giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Sang quý 3/2023, các chỉ tiêu kinh tế dù đã có sự khởi sắc và phục hồi nhưng tốc độ phục hồi chậm.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ mới đây, thông tin về kết quả phát triển kinh tế 9 tháng năm 2023, ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong quý 1/2023 nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn do là địa phương có độ mở kinh tế cao, quy mô công nghiệp lớn.
"Tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc có dấu hiệu phục hồi trong quý 2/2023 và 3/2023. Từ tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 giảm 0,5% thuộc nhóm 5 tỉnh có mức tăng trưởng âm; và 6 tháng đầu năm tốc độ tăng GRDP đạt 1,69% sang 9 tháng đầu năm tăng lên đạt 2,1%; đến thời điểm hiện tại tốc độ tăng trưởng GRDP của Vĩnh Phúc theo giá hiện hành tăng 3,1%.
"Vĩnh Phúc cũng là tỉnh duy nhất trong số 5 tỉnh tăng trưởng âm phục hồi tăng trưởng", ông Nguyễn Văn Độ cho hay.
Về thu chi Ngân sách nhà nước, báo cáo của Cục Thống kê địa phương cho biết tính đến 15/9/2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 18.167 tỷ đồng, giảm 27,40% so với cùng kỳ, bằng 56,19% dự toán giao đầu năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước đến ngày 15/9/2023 đạt 18.058 tỷ đồng, tăng 14,81% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 3, 9 tháng đầu năm 2023 có nhiều tích cực, vốn đầu tư khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước duy trì được đà tăng trưởng tốt, cho thấy sự hiệu quả của sự chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng, qua đó làm giảm nguồn vốn đầu tư từ khu vực này.
Quý 3/2023, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 13.785 tỷ đồng, tăng 12,37% so với quý trước và tăng 7,39% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 35.084 tỷ đồng tăng 5,42% so với cùng kỳ.
Thu hút đầu tư FDI (doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Vĩnh Phúc) tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Số vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra và số vốn DDI (vốn đầu tư trong nước) tăng gấp đôi năm trước và vượt gấp 4 lần so với kế hoạch năm.
Cụ thể, 9 tháng năm 2023 tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút đầu tư đạt gần 500 triệu USD vốn đầu tư FDI, so với cùng kỳ năm 2022 tăng gần 70% và đạt gần 123 % kế hoạch. Đồng thời, đã thu hút đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng vốn DDI, đạt gần 207 % so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,05 lần so với kế hoạch năm 2023.
Một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như: Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BHFLEX VINA 1 với tổng mức đầu tư 816 tỷ đồng; Dự án công nghiệp TYC Việt Nam với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng; AEON MOTOR VIETNAM CO., LTD với tổng mức đầu tư 564 tỷ đồng; Dự án gia công khay, hộp phục vụ ngành công nghiệp, thương mại điện tử với tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng…
Hoàng Nguyễn