Điểm mặt 7 doanh nghiệp Fintech hàng đầu Việt Nam năm 2022: Có đến 3 kỳ lân sáng giá

(Tổ Quốc) - Theo Nextrans Việt Nam, năm 2021, hệ sinh thái startup Việt Nam đã huy động được tổng cộng 1,5 tỷ USD. Trong đó, Fintech dẫn đầu nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (VC), chiếm 26,6%.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia khởi nghiệp năng động nhất châu Á với hệ sinh thái startup đang trỗi dậy nhờ nền kinh tế số bùng nổ cùng với lực lượng dân số trẻ.

Theo Nextrans Việt Nam, năm 2021, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được tổng cộng 1,5 tỷ USD. Trong đó, Fintech (công nghệ tài chính) dẫn đầu nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (VC), chiếm 26,6% tổng số khoản đầu tư vào startup trong năm 2021 đã thể hiện rõ tiềm lực phát triển tài chính trong nước.

Cụ thể, Fintechnews vừa qua đã chỉ ra 7 startup fintech hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

VNLIFE

Điểm mặt 7 startup Fintech hàng đầu Việt Nam năm 2022 - Ảnh 1.

Được thành lập vào năm 2007, VNLIFE là công ty mẹ của công ty fintech VNPAY - công ty thanh toán kỹ thuật số hàng đầu Việt Nam. VNLIFE điều hành một hệ sinh thái bao gồm danh mục hệ thống và dịch vụ đa dạng, từ dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính, đến các trang web thương mại điện tử và dịch vụ đặt vé máy bay.

Về VNPay, đơn vị này vận hành mạng lưới gần 200.000 điểm trên toàn quốc, cho phép người dùng thanh toán qua VNPay-POS, VNPay-QR và cổng thanh toán VNPay-QR. VNPay-QR là giải pháp thanh toán bằng mã QR được tích hợp vào hơn 30 ứng dụng ngân hàng di động, ví VNPay và 8 ví điện tử khác. VNPay khẳng định VNPay-QR là mạng thanh toán không dùng tiền mặt có tương tác lớn nhất Việt Nam với 22 triệu người dùng.

Tháng 7/2021, VNLife đã huy động được 250 triệu USD trong một vòng gọi vốn do General Atlantic và Dragoneer Investment Group dẫn đầu. Trước đó, vòng gọi vốn tháng 7/2019 từ GIC và SoftBank đã đưa VNLIFE gia nhập nhóm kỳ lân - tức các startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

M_Service

Điểm mặt 7 startup Fintech hàng đầu Việt Nam năm 2022 - Ảnh 2.

Đồng thành lập năm 2007, M_Service là nhà điều hành của MoMo - ví di động cho phép người dùng thực hiện thanh toán kỹ thuật số, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn...

Là một trong những công ty fintech phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, đến tháng 6/2022, công ty đã có hơn 31 triệu người dùng, 50.000 đối tác trong nước và 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.

Theo CB Insights, M_Service là một trong những công ty tư nhân fintech có giá trị nhất tại Việt Nam và nhận được tài trợ tốt nhất, khi đạt giá trị  2,27 tỷ USD và đã huy động được tổng cộng 433,7 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Ngân hàng Mizuho và Warburg Pincus.

Sky Mavis

Điểm mặt 7 startup Fintech hàng đầu Việt Nam năm 2022 - Ảnh 3.

Sky Mavis thành lập vào năm 2018, theo Linkedin, đơn vị này có trụ sở chính tại Singapore. Đây là công ty chuyên phát triển các trò chơi và sản phẩm blockchain, đồng thời cũng là công ty chủ quản của Axie Infinity, một trong những ứng dụng phổ biến nhất của tiền điện tử với hơn 2 triệu người dùng mỗi ngày hiện nay trên thế giới.

Axie Infinity là một trò chơi điện tử trực tuyến cho phép người chơi kiếm tiền dưới dạng NFT. Theo CB Insights, Sky Mavis đã huy động được 311 triệu USD từ Andreessen Horowitz, Accel, Paradigm và Mark Cuban, đồng thời được định giá 3 tỷ USD.

Trusting Social

Điểm mặt 7 startup Fintech hàng đầu Việt Nam năm 2022 - Ảnh 4.

Thành lập năm 2013, Trusting Social là nhà cung cấp các giải pháp hỗ trợ tín dụng dựa trên dữ liệu cơ sở từ trí tuệ nhân tạo (AI). 

Có trụ sở chính tại Singapore và hoạt động trên khắp Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ, Trusting Social tuyên bố họ là nhà cung cấp hồ sơ rủi ro tín dụng lớn nhất ở châu Á, bao gồm hơn 1 tỷ người tiêu dùng thông qua quan hệ đối tác với hơn 130 tổ chức tài chính và nhà cung cấp dịch vụ bao gồm CIMB, Sacombank, UOB,  UnionBank và Grab.

Startup này từng được tài trợ bởi Sequoia Capital, 500 Startups, Kima Ventures và Genesis Alternative Ventures...

Tháng 4/2022, Masan đã chi 65 triệu USD để mua 25,1% vốn của Trusting Social, tương ứng với mức định giá startup này ở mức 260 triệu USD.

Timo

Điểm mặt 7 startup Fintech hàng đầu Việt Nam năm 2022 - Ảnh 5.

Timo được thành lập vào năm 2015 và là công ty đầu tiên tại Việt Nam cung cấp trải nghiệm ngân hàng số miễn phí, dễ dàng và thuận tiện.

Giải pháp ngân hàng kỹ thuật số của Timo cho phép người dùng mở tài khoản, tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn từ xa chỉ trong vài phút. Người dùng được cung cấp một thẻ ATM đi kèm miễn phí và cũng có thể sử dụng ứng dụng Timo dành cho thiết bị di động để thanh toán hóa đơn, thanh toán di động,...Các sản phẩm khác do công ty cung cấp bao gồm thẻ tín dụng Visa, tùy chọn mua ngay, trả sau (BNPL) và các khoản vay, cũng như các sản phẩm đầu tư và bảo hiểm do các đối tác cung cấp.

Timo không có giấy phép hoạt động ngân hàng, thay vào đó công ty hợp tác với Viet CapBank.  Được biết, Timo đã huy động được 20 triệu USD vào tháng 1/2022 từ Square Peg, FinAccel, Airwallex....

Finhay

Điểm mặt 7 startup Fintech hàng đầu Việt Nam năm 2022 - Ảnh 6.

Ra đời năm 2017, Finhay là công ty môi giới được cấp phép điều hành nền tảng quản lý tài sản để các nhà đầu tư cá nhân tiếp cận các sản phẩm tài chính kỹ thuật số. Công ty bắt đầu với chứng chỉ quỹ là sản phẩm duy nhất của mình trước khi mở rộng phạm vi sang giao dịch chứng khoán, sản phẩm tiết kiệm, kinh doanh vàng, sản phẩm bảo hiểm và chương trình hoàn tiền. Finhay cho biết hiện đã có hơn 2,7 triệu người dùng đăng ký.

Finhay chỉ tiết lộ về khoản đầu tư duy nhất trị giá 25 triệu USD trong vòng tài trợ Series B huy động được vào tháng 6. Đồng thời cho biết sẽ sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào chiến lược mở rộng kinh doanh, thu nhận nhân tài và phát triển công nghệ với sự ủng hộ từ các bên bao gồm Openspace Ventures và Vietnam Investments Group.

Cả Finhay và Momo mới đây đều đã mua lại 1 công ty chứng khoán để gia tăng phạm vi hoạt động của mình.

Nano Technologies

Điểm mặt 7 startup Fintech hàng đầu Việt Nam năm 2022 - Ảnh 7.

Thành lập năm 2020, Nano Technologies là nhà điều hành của Vui - ứng dụng di động cho phép người lao động tại Việt Nam tiếp cận mức lương kiếm được của họ và cung cấp cho người sử dụng lao động một nền tảng phúc lợi linh hoạt hiệu quả về chi phí. Công ty cho biết đã phục vụ hơn 100.000 người từ các tập đoàn hàng đầu như FPT Retail, Central Retail, GS25 và Family Mart.  

Vào tháng 8, công ty huy động được 6,4 triệu USD trong vòng Series A. Trước đó đã huy động được 3 triệu USD trong vòng tài trợ hạt giống từ các nhà đầu tư như Golden Gate Ventures và Venturra Discovery dẫn đầu.

Đáng chú ý, Nano Technologies từng được xướng tên trong danh sách 10 “người khổng lồ mới nổi” tại Việt Nam năm 2022 theo KPMG và HSBC.

Liễu Hoàn

Tin mới