(Tổ Quốc) - Không phải tài chính, cũng không hẳn là quỹ đất, thị trường BĐS dường như đang rơi vào “vòng kim cô” khi mà loạt dự án đứng hình vì chuyện pháp lý kéo dài. Đó vẫn đang là nút thắt lớn nhất của thị trường địa ốc tính đến thời điểm này.
Pháp lý kéo dài đang trở thành gánh nặng đối với hàng loạt doanh nghiệp BĐS hiện nay. Trong tình thế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản.
Tại ĐHCĐ của Quốc Cường Gia Lai mới đây, Chủ tịch công ty là bà Nguyễn Thị Như Loan tiếp tục chia sẻ với các cổ đông về tình trạng "đóng băng" của dự án Bắc Phước Kiển, bà Loan cho rằng bà đã khóc hết nước mắt, gõ cửa hàng loạt cơ quan chức năng nhưng dự án Bắc Phước Kiển (Nhà Bè, Tp.HCM) quy mô hơn 90 ha vẫn giậm chân tại chỗ, khiến doanh nghiệp điêu đứng.
Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, dù đã được duyệt quy hoạch 1/500 và chấp thuận đầu tư cách đây gần 4 năm nhưng do vướng quy trình mà dự án không thể triển khai. Đáng nói, dù nhiều lần nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên và môi trường để xin giao đất làm trước bước xây dựng hạ tầng, nhưng hầu hết các chuyên viên đều lúng túng, thậm chí họ không biết giải quyết như thế nào.
"Công ty bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh. Công ty không biết xoay sở vào đâu, dòng tiền thu - chi không chủ động được. Tất cả ách tắc này chỉ vì sự bất cập của các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp", bà Loan than vãn.
Cũng tại buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp BĐS với chính quyền TP trước đó diễn ra tại Tp.HCM, đại diện Đại Phúc Land thẳng thắn chia sẻ khi cho rằng doanh nghiệp phải mất 15 năm để xin thủ tục làm dự án.
"Khoảng 20 năm về trước, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng khi đầu tư nhận được rất nhiều sự hậu thuẫn từ phía chính quyền để hoàn thiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi Đại Phúc Land đầu tư các dự án quy mô lớn tới gần 200 ha, doanh nghiệp này đã phải mất 15 năm rất vất vả triển khai thủ tục hành chính.
Thời gian từ khi xin thủ tục đến khi triển khai dự án quá lâu, dẫn đến độ "vênh" giữa thiết kế ban đầu của dự án đối với nhu cầu thị trường. Thế nên, sau khi đã hoàn thành tất cả thủ tục về mặt pháp lý quy hoạch, nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp cần điều chỉnh cục bộ về mặt sản phẩm cho phù hợp yêu cầu thực tế thị trường nhưng rất e ngại vì phải làm lại các thủ tục từ đầu", đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp địa ốc tại Tp.HCM gặp vướng mắc pháp lý khiến dự án không thể triển khai. Khó khăn về pháp lý đang khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, hàng trăm dự án đứng hình và hàng ngàn tỉ đồng vốn bị chôn lại. Chính áp lực pháp lý đã kéo theo áp lực tài chính đè nặng doanh nghiệp địa ốc. Thậm chí, có những doanh nghiệp sở hữu hàng trăm héc-ta đất
Theo ông Nguyễn Anh Đào, Tổng giám đốc Công ty Viethome cho rằng, điều kiên quyết nhất hiện nay đối với thị trường BĐS vẫn là pháp lý. Còn nguồn vốn hay quỹ đất triển khai của doanh nghiệp địa ốc không phải là vấn đề lớn. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp dồi dào nguồn vốn để triển khai dự án nhưng họ lại bị động vào câu chuyện pháp lý.
Nêu ra một số giải pháp nguồn cung cho thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Đào cho rằng. Pháp lý cần được quyết liệt tháo gỡ trên diện rộng chứ không phải là một phần nhỏ lẻ trên thị trường.
Tiếp đến là cần chính sách hỗ trợ người mua nhà. Theo ông Đào, những quy định liên quan đến việc bảo lãnh, đối tượng hưởng chính sách nhà ở… cần được rõ ràng và tháo gỡ tốt hơn. Chẳng hạn, chủ trương của nhà nước là phát triển nhà giá thấp, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu số đông nhưng các gói đi kèm chưa có, điều này cần được quan tâm giải quyết mạnh hơn. Các phân khúc khác trên thị trường cũng tương tự.
Song song đó, ông Đào cho rằng cần có chính sách cho CĐT làm dự án thì mới đảm bảo được nguồn cung ra thị trường ổn định. Cụ thể, nhà nước nên hoạch định một chính sách vốn cho BĐS. Thực tế hiện nay cách thức điều tiết thị trường BĐS chưa có chiến lược mà chỉ đưa ra việc hạn chế cho vay BĐS.
"Cần có lộ trình phát triển BĐS sát thực tế. Nếu cứ đà hạn chế cái này, cái kia sẽ khiến CĐT không có dự định phát triển BĐS. Hoặc hạn chế nguồn vốn khiến doanh nghiệp đang làm dự án bị gãy nửa chừng vì thiếu vốn…", ông Đào nhấn mạnh.
Vị CEO này cũng bày tỏ nỗi lòng khi cho rằng, đang làm một dự án mà 9 tháng nay chưa xong 1/500.
Cùng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cáo Savills Việt Nam cho rằng, nút thắt lớn nhất của doanh nghiệp địa ốc hiện nay là pháp lý. Việc nguồn cung trên thị trường thời gian qua khan hiếm xuất phát từ câu chuyện ách tắc, vướng mắc thủ tục pháp lý, cũng như đình trệ bởi các hoạt động rà soát, thanh tra, kiểm tra nhiều năm nay.
Vì thế, theo ông Khương, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp BĐS về tài chính, thuế để vượt qua khó khăn ở thời điểm này thì cần hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục pháp lý để cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính và đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư.
Hạ Vy