(Tổ Quốc) - Khi nước Mỹ bước vào tuần cao điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh, chứng khoán Mỹ đồng loạt chìm trong sắc đỏ do các nhà đầu tư lo ngại kết quả của doanh nghiệp không khả quan.
Kết thúc phiên giao dịch 26/4, không có dấu hiệu khởi sắc nào trên thị trường chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 809,28 điểm, tương đương 2,38% xuống còn 33.240,18 điểm. S&P 500 giảm 120,92 điểm, tương đương 2,81% xuống còn 4.175,2 điểm. Nasdaq, với chủ yếu là cổ phiếu công nghệ, rơi mạnh nhất với 514,11 điểm, tương đương 3,95%, bị thổi bay. Nó còn 12.490,74 điểm.
Riêng S&P 500 VIX, chỉ số vẫn được dùng để đo "nỗi sợ hãi" của các nhà đầu tư đã tăng 6,5 điểm, tương đương 22%.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm có cái nhìn sâu sắc về tác động của lạm phát và chi tiêu của người tiêu dùng khi FED thắt chặt chính sách lãi suất.
Tính tới 22h11 theo giờ Hà Nội, Dow Jones giảm 478,14 điểm, tương đương 1,4%. S&P 500 cũng giảm 76,72 điểm, tương đương 1,79% trong khi Nasdaq mất mát nhiều nhất với 319,43 điểm, tương đương 3,01%.
Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Mỹ xảy ra trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại cùng với lạm phát dai dẳng tạo tâm lý hoang mang trên toàn thị trường. Cùng với đó, rủi ro từ đại dịch, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, FED thắt chặt chính sách lãi suất và xung đột chưa có hồi kết giữa Nga và Ukraine tiếp tục là những bài toán chưa tìm ra lời giải.
Lauren Goodwin, chuyên gia kinh tế tại New York Life Investments, cho biết: "Không còn nghi ngờ gì về việc tăng trưởng kinh tế đang gặp khó khăn. Trong khi đó, chính sách tiền tệ của FED đang ngày càng đối đầu nhiều áp lực khi lạm phát tăng cao hơn".
Hiện tại, Mỹ đang bước vào tuần báo cáo bận rộn nhất cho kết quả kinh doanh quý đầu tiên. Nó sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin để lựa chọn đầu tư. Chính sách lãi suất của FED, việc Trung Quốc phong tỏa các trung tâm kinh tế do đại dịch hay nhưng bất ổn do tình hình Ukraine là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bây giờ là chiếc phao cuối cùng cho các khoản đầu tư. Họ sẽ dựa vào đó để định giá doanh nghiệp, qua đó đưa ra những quyết định mua – bán cổ phiếu.
Trái ngược với sự khởi sắc trước giờ giao dịch, chứng khoán châu Âu hiện cũng đã chìm trong sắc đỏ. DAX của Đức giảm 140 điểm, tương đương khoảng 1%. CAC 40 của Pháp, IBEX 35 của Tây Ban Nha… cũng đều đang giảm điểm. Euro Stoxx 50 thì giảm 0,78%.... Trước đó, việc Trung Quốc đưa ra cam kết hỗ trợ thị trường đã giúp tâm lý lạc quan xuất hiện.
Hiện tại, Trung Quốc đang tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với 20 triệu dân của Bắc Kinh, làm dấy lên lo ngại thủ đô của Trung Quốc cũng sẽ bị phong tỏa như những gì diễn ra ở Thượng Hải. Tuy nhiên, cam kết của Bắc Kinh giúp chứng khoán châu Á có phiên tăng điểm đầu tiên sau nhiều ngày chìm trong sắc đỏ.
Giảm 5% hôm 25/4, chứng khoán Trung Quốc đã quay đầu tăng điểm trong đầu phiên 26/4 sau khi Ngân hàng Trung ương nước này tuyên bố hỗ trợ thị trường. Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đại lục ở Hồng Kông tăng tới 3%. Dù sắc xanh không thể duy trì tới cuối ngày trên tất cả các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc nhưng không có cú giảm tồi tệ như những gì diễn ra một ngày trước đó.
Một số sự kiện nổi bật sẽ diễn ra trong tuần này:
Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ bao gồm Alphabet, Meta Platforms, Amazon, Apple sẽ công bố kết quả kinh doanh vào ngày 27/4.
Ngày 28/4, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đưa ra quyết sách với chính sách tiền tệ nước này. Cùng ngày, Mỹ đưa ra các thông tin về kinh tế trong quý 1.
Tham khảo: Bloomberg
Linh Anh