(Tổ Quốc) - Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), dân số Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 99,5 triệu dân. Với mức dân số này, Việt Nam đứng thứ mấy trong khu vực Đông Nam Á?
Cụ thể, năm 2022, Indonesia là nước có dân số đông nhất khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 281,17 triệu người. Xếp ngay sau Indonesia là Philippines, dân số đạt khoảng 113,46 triệu dân. Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay, dân số Việt Nam đang xếp trên Thái Lan (70,25 triệu dân), Myanmar (54 triệu dân), Malaysia (34 triệu dân), Campuchia (17 triệu dân), Lào (8 triệu dân), Singapore (5,5 triệu dân), Đông Timor (1,4 triệu dân) và Brunei (0,45 triệu dân).
Như vậy, dân số Việt Nam hiện đang gấp 221 lần Brunei; 75,35 lần Đông Timor; 18,25 lần Singapore; 13,4 lần Lào; 6 lần Campuchia; 3 lần Malaysia; 2 lần Myanmar và 1,4 lần Thái Lan.
Cùng với đó, theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, Tổng cục Thống kê đã công bố dân số Việt Nam tương tự với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc. Cụ thể, dân số trung bình năm 2022 của Việt Nam ước tính 99,46 triệu người, tăng 955,5 nghìn người, tương đương tăng 0,97% so với năm 2021.
Trong đó, dân số thành thị 37,09 triệu người, chiếm 37,3%; dân số nông thôn 62,37 triệu người, chiếm 62,7%; nam 49,61 triệu người, chiếm 49,9%; nữ 49,85 triệu người, chiếm 50,1%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2022 là 99,5 nam/100 nữ. Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2022 là 73,6 tuổi, trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,4 tuổi.
Năm 2022, chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây, Tổng cục Thống kê cho biết.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm năm 2022 phục hồi tích cực nhưng có xu hướng tăng chậm lại trong quý IV năm 2022. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động quý IV năm 2022 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng so với quý trước do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các đơn hàng bị cắt giảm vào dịp cuối năm.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2022 là 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm trước; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 46 triệu người, tăng 1,4 triệu người; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,6 triệu người.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước năm 2022 là 2,32%, trong đó khu vực thành thị là 2,79%; khu vực nông thôn là 2,03%.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,7%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,51%.
Ngoài ra, theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, ước tính thu nhập bình quân đầu người đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021.
Khái quát lại, thị trường lao động quý IV năm 2022 tiếp tục phục hồi nhưng chậm dần. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV năm 2022 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo, trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II năm 2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.
Minh Tiến