(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng có xu hướng tăng giá do lực đẩy của giá xăng trong nước đã vượt mốc 30.000/lít, thì giá sắt thép trong nước lại đồng loạt hạ nhiệt.
Giá thép liên tục giảm sau những tháng đầu năm tăng nóng
Nhiều doanh nghiệp thép trong nước thông báo tiếp tục hạ giá sản phẩm từ chiều 6/6. Tính từ ngày 11/5, đây là lần giảm thứ năm liên tiếp của giá thép trong nước với tổng mức giảm hơn 2 triệu đồng/tấn.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và D10 CB300, xuống còn 16,95 triệu đồng/tấn và 17,51 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, giá hai loại thép CB240 và D10 CB300 cũng giảm 300.000 đồng/tấn, xuống còn 16,95 triệu đồng/tấn và 17,41 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn với 2 loại thép CB240 và D10 CB300 xuống còn 16,92 triệu đồng/tấn và 17,42 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm giá bán dòng thép cuộn CB240 giảm 300.000 đồng/tấn xuống mức 16,82 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn có giá bán 17,47 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Nhật điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 ở mức 16,87 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm còn 17,07 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Sing tiến hành giảm 310.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống mức 17 triệu đồng/tấn; dòng thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn, có giá 17,2 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam cũng giảm mức ứng đối với hai loại thép trên, kéo giá CB240 và CB300 còn 17,36 triệu đồng/tấn và 17,76 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina tiến hành giảm 300.000 đồng/tấn đối với cả 2 loại thép CB240 và CB300, giá bán còn 17,76 triệu đồng/tấn và 17,96 triệu đồng/tấn.
Nguyên nhân đà giảm
Nguyên nhân khiến giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống trong thời gian gần đây. Giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường thép chững lại.
Cụ thể, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 9/5 giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc) giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4; Hay giá thép phế liệu loại HMS 1/2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn CFR Đông Á ngày 9/5 giảm 94 USD/tấn so với hồi đầu tháng 4.
Trong khi đó, sản lượng bán hàng thép các loại chỉ đạt hơn 2,4 triệu tấn, giảm 22,52% so với tháng 3 và giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Và lượng xuất khẩu cũng sụt mạnh tới 44% so với tháng 3 và chỉ tăng nhẹ gần 5% so với năm 2021.
Báo cáo của VSA cho thấy, sản xuất thép thành phẩm 4 tháng đầu năm đạt 11,43 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 10,55 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung quý I, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giảm 18,04% về lượng nhưng tăng 18,84% về giá trị. Thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn, đưa sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh, nhiều khả năng tác động lên giá thép.
Trước đó lý giải việc tăng giá thép, Bộ Công Thương cho rằng, việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên việc tăng giá bán các sản phẩm thép là không thể tránh khỏi.
Thị trường thép được kỳ vọng sẽ phục hồi nhờ những tín hiệu tích cực từ Trung Quốc
Nhu cầu tiêu thụ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới xu hướng giá thép. Và Trung Quốc với quy mô ngành thép lớn hơn cả phần còn lại của thế giới, sự tăng trưởng kinh tế của nước này có sự tương quan thuận rất cao tới nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu. Chính vì vậy, khi các sự kiện bất ổn diễn ra tại Trung Quốc kể từ quý III-2021 đến nay, như chính sách Zero Covid, đã làm dấy lên những lo ngại về sự sụt giảm GDP của kinh tế nước này và gây áp lực lên đà giảm của giá thép.
Mới đây, một loạt các biện pháp đã được Bắc Kinh công bố để kích thích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn bị đình trệ những tháng gần đây. Việc này giúp giá kim loại như sắt, thép được hỗ trợ tích cực.
Theo Reuters, tồn kho quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc cũng đang tiếp tục giảm xuống 132 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 2/6, tuần giảm thứ năm liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Tồn kho thép thanh cũng có xu hướng giảm, kết thúc ở mức 7,73 triệu tấn vào ngày 2/6, giảm tuần thứ tám và thấp hơn khoảng 16% so với mức 9,22 triệu tấn vào đầu tháng 3 - mức cao nhất cho đến nay vào năm 2022.
Nếu các biện pháp kích thích thực sự dẫn đến việc các nhà sản xuất thép Trung Quốc tăng công suất sử dụng, nhiều khả năng giá quặng sắt sẽ vẫn được hỗ trợ tốt, đặc biệt là do một số lo ngại về nguồn cung.
Bên cạnh đó, giá các loại nguyên liệu như than cốc, thép phế liệu là những chi phí đầu vào quan trọng ảnh hưởng tới giá thành sản xuất thép. Đối với những nhà máy thép sử dụng công nghệ BOF, chi phí quặng sắt chiếm khoảng 36,3% giá vốn sản xuất, chi phí than cốc chiếm khoảng 33,3%, và thép phế liệu chiếm khoảng 12,4%. Còn đối với các nhà máy theo công nghệ EAF, chi phí thép phế liệu chiếm tới 82%.
Giá than cốc tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đà tăng kể từ cuối năm 2021 đến nay, dự kiến đà tăng còn tiếp diễn hoặc ít nhất giá được neo cao trong thời gian dài, do Trung Quốc định hướng giảm khí thải CO2 theo cam kết quốc tế. Giá quặng sắt đầu tháng 6 vừa qua đã chạm mức 900 NDT/tấn lần đầu tiên trong gần 6 tuần, do Thượng Hải được dỡ bỏ phong tỏa. Với các chi phí đầu vào sản xuất tiếp tục neo ở mức cao, cán cân cung - cầu ước tính thiếu hụt, giá thép được kỳ vọng hồi phục khi nền kinh tế Trung Quốc quay trở lại hoạt động bình thường.
Khánh Vy