(Tổ Quốc) - Trong 9 tháng đầu năm 2022, Hải Phòng lọt top 5 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước.
Cụ thể, theo Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng đầu năm 2022, top 5 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước gồm có: TP. HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hải Phòng.
Trong đó, Hải Phòng có tổng vốn đăng ký FDI đạt 1,21 tỷ USD với 58 dự án cấp mới, bằng 45,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 50% kế hoạch năm.
Theo Cục Thống kê TP. Hải Phòng, trong các dự án FDI tại tỉnh, nổi bật nhất là tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với 3 dự án đầu tư thuộc 20 dự án Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam.
Cụ thể, 3 dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG (lớn thứ 4 tại Hàn Quốc và hoạt động chủ yếu trong ngành điện tử, theo Reuters) tại Hải Phòng gồm có LG Display, LG Electronics, LG Innotek, với tổng vốn đăng ký 7,24 tỷ USD, đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ.
Trong đó, dự án LG Display với nhà máy H3 đang xây dựng và dự kiến hoàn thành trong quý I/2023. Ngoài ra, một số dự án FDI được đầu tư trong quý II/2022 và quý III/2022 tại Hải Phòng như: Dự án công ty TNHH LG Electronic Việt Nam Hải Phòng đầu tư thêm 700 tỷ đồng; dự án Công ty TNHH Dongdo Electronics Hải Phòng đầu tư thêm 500 tỷ đồng…
Tính lũy kế đến tháng 9/2022, Hải Phòng đứng thứ 6 toàn quốc về thu hút vốn FDI với 952 dự án có tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 24,51 tỷ USD. Trong đó, hơn 170 dự án đầu tư từ nhà đầu tư Hàn Quốc với số vốn đăng ký gần 10 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư đăng ký FDI vào Hải Phòng.
Trên thực tế, Hải Phòng đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ doanh nghiệp Hàn Quốc do có nhiều lợi thế.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2022 diễn ra trong quý II/2022, có 20 nhà đầu tư Hàn Quốc có nhu cầu về mặt bằng mà Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cùng các công ty đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đang tiếp cận. Tổng nhu cầu của các nhà đầu tư Hàn Quốc là khoảng 200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 - 4 tỷ USD, tạo thêm 10.000 - 12.000 việc làm.
Bên cạnh đó, tại Hội thảo xúc tiến đầu tư của Hải Phòng với các doanh nghiệp phụ trợ của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) trong quý III/2022, theo Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Hải Phòng có lợi thế nổi trội về giao thông với đủ 5 loại hình giao thông và có cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc. Đặc biệt, Hải Phòng đã có đường bay thẳng tới Sân bay Quốc tế Incheon, Hàn Quốc. Theo đó, khi các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Hải Phòng sẽ tận dụng được những lợi thế này.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư mới, TP. Hải Phòng cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng.
Đồng thời, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện phát triển các KCN mới; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hút nguồn lao động chất lượng cao, tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Hải Phòng sẽ có thêm 15 KCN mới với diện tích khoảng 6.200 ha dự kiến sẽ thu hút khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư.
Minh Tiến