Hệ thống lưới điện California rủi ro quá tải do nhiệt độ tăng cao kỷ lục

(Tổ Quốc) - California đang đối mặt với rủi ro quá tải hệ thống lưới điện cao nhất trong năm nay, trong bối cảnh nắng nóng kéo dài tiếp tục bao trùm toàn tiểu bang.

California đang đối mặt với rủi ro quá tải hệ thống lưới điện cao nhất trong năm nay, trong bối cảnh nắng nóng kéo dài tiếp tục bao trùm toàn tiểu bang. Theo Elliot Mainzer, chủ tịch Công ty Vận hành Hệ thống Độc lập California, đơn vị điều hành lưới điện của bang, nếu nhu cầu sử dụng quạt và điều hòa của người dân tăng quá cao, nguồn cung sẽ sớm quá tải và không thể đáp ứng.

Khi đó, California có thể thâm hụt 2.000 đến 4.000 megawatt điện trong tình trạng cạn năng lượng, tương đương 10% mức tiêu thụ thông thường. Ngoài ra, theo các quan chức năng lượng địa phương, nhu cầu điện năng có khả năng chạm mốc 51.000 megawatt, mức cao nhất từng thấy ở tiểu bang này.

Theo Anale Burlew, phó giám đốc Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California CAISO, tình trạng nắng nóng thiêu đốt và độ ẩm ngày càng thấp khiến các cánh rừng đối mặt với nguy cơ cao bốc cháy bất cứ lúc nào. Ước tính cho tới nay, khoảng 4.400 nhân viên cứu hỏa đã phải vật lộn xử lý 14 đám cháy lớn. Hai người xấu số thiệt mạng trong đám cháy Fairview gần thành phố Hemet, cách Los Angeles khoảng 80km về phía đông nam. Sở Cứu hỏa chỉ khống chế được 5%. Nhiều công trình đã bị thiêu rụi.

Tại hạt Siskiyou, phía Bắc bang California, đám cháy Mill trước đó cũng khiến hàng nghìn người phải sơ tán. Theo dữ liệu mới nhất được Cục Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy bang California, đám cháy này thiêu rụi một diện tích rộng hơn 16 km2, đồng thời khiến 2 người thiệt mạng. Tính đến sáng 4/9, lực lượng cứu hỏa đã khống chế được 25% đám cháy.

Hệ thống lưới điện California rủi ro quá tải do nhiệt độ tăng cao kỷ lục  - Ảnh 1.

California đang đối mặt với rủi ro quá tải hệ thống lưới điện cao nhất trong năm nay, trong bối cảnh nắng nóng kéo dài tiếp tục bao trùm toàn tiểu bang.

CAISO mới đây đã yêu cầu kích hoạt hệ thống máy phát điện khẩn cấp tạm thời. Bốn máy phát điện, được kích hoạt lần đầu tiên kể từ khi được lắp đặt vào năm ngoái, có thể cung cấp tới 120 megawatt điện, đủ để phục vụ 120.000 ngôi nhà. Dẫu vậy, người dân vẫn được khuyến khích nên duy trì điều hòa ở mức 25,5 độ C hoặc hơn, đồng thời tránh sử dụng lò nướng và máy rửa bát để giảm áp lực lên lưới điện. 

Vào ban ngày, lưới điện California hoạt động chủ yếu nhờ năng lượng mặt trời, khí đốt tự nhiên và một số nguồn điện nhập khẩu khác. Tuy nhiên, vào cuối buổi chiều và tối, thời điểm nóng nhất trong ngày tại một vài bang, mặt trời lặn khiến lưới điện không thể phụ thuộc vào nguồn năng lượng này. Trong khi đó, một số nhà máy khí đốt tự nhiên cũ tại California lại không đủ độ tin cậy trong thời tiết nắng nóng.

CAISO sau đó buộc phải ban hành Cảnh báo Khẩn cấp năng lượng Giai đoạn 2 từ 6:30 chiều đến 8 giờ tối. Theo trang web của CAISO, trong giai đoạn này, người dân nên thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng khẩn cấp, chẳng hạn như sử dụng máy phát điện dự phòng hay mua thêm điện từ các bang khác. 

Nếu giới chức địa phương không thể khắc phục vấn đề, đợt nắng nóng kéo dài này sẽ tăng nguy cơ tử vong của người dân. Theo Phòng thí nghiệm Công lý Năng lượng của Đại học Indiana, 41 bang trước đây đã triển khai một số biện pháp đối phó với tình trạng ngắt điện trong mùa đông, song chỉ có 19 bang áp dụng các quy định ngăn việc ngắt điện trong thời tiết oi bức. Trung bình có 188 ca tử vong liên quan đến nắng nóng mỗi năm ở Mỹ, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2021, tăng từ mức trung bình 81 người năm năm trước đó.

Theo Bloomberg, trước đó, hàng trăm nghìn người dân California đã phải chịu cảnh mất điện hồi tháng 8/2020 do thời tiết nắng nóng. Thống đốc Gavin Newsom mới đây đã ký dự luật cho phép nhà máy hạt nhân cuối cùng của bang tiếp tục hoạt động thay vì đóng cửa theo kế hoạch vào năm 2025 để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho lưới điện.

Hệ thống lưới điện California rủi ro quá tải do nhiệt độ tăng cao kỷ lục  - Ảnh 2.

Giá điện trung bình mà người Mỹ phải trả trong tháng 7 này đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ năm 2006.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia dự đoán nhiệt độ cao nhất được ghi nhận có thể sẽ rơi vào khoảng từ 100 đến 115 độ F, tương đương 37,7 đến 46,1 độ C trong các khu vực nội bang. Điều kiện thời tiết bất ổn khiến khắp Nam California và Sierra Nevada đối mặt với rủi ro giông bão khắc nghiệt. Bão lớn có thể tạo ra sét - một trong những nguyên nhân gây cháy rừng. 

Ngoài nắng nóng và điều kiện thời tiết cực đoan, người dân California nói riêng và toàn nước Mỹ nói chung còn phải đối mặt với bài toán giá điện tăng vọt do cung cầu chênh lệch. Theo Bloomberg, giá điện trung bình mà người Mỹ phải trả trong tháng 7 này đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ năm 2006. Các chuyên gia dự báo đà tăng sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới. Các biện pháp kiểm soát giá điện của chính phủ khiến các nhà cung cấp khó có thể ngay lập tức thích nghi, do vậy các đợt tăng gần đây có thể chỉ là sự khởi đầu.

Được biết 20 triệu hộ gia đình tại Mỹ đang trễ hạn thanh toán hóa đơn tiện ích, từ điện, nước đến phí vệ sinh,... Đây được cho là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từng được Hiệp hội Giám đốc Hỗ trợ Năng lượng Quốc gia Mỹ (NEADA) ghi nhận, với nguyên nhân chủ yếu đến từ đà tăng phi mã của khí đốt tự nhiên.

Theo công ty điện lực và khí đốt PG&E ở California, kể từ tháng 2/2020, số khách hàng trễ hạn thanh toán đã tăng hơn 40%. Trong khi đó, công ty điện Public Service Enterprise Group ở New Jersey thì cho biết số khách hàng trễ hạn từ 90 ngày trở lên đã tăng hơn 30% tính từ tháng 3 năm nay.

“Tôi đoán là chúng ta sắp chứng kiến làn sóng cắt điện khổng lồ”, bà Jean Su, chuyên gia pháp lý cấp cao tại Trung tâm Đa dạng Sinh học cho biết.

Theo: Bloomberg 

Còn chưa ra mắt, xe điện của Apple đã được ưa chuộng còn hơn cả Tesla

Vũ Anh

Tin mới