Hết Indonesia 'cắt' nguồn cung dầu cọ đến Ấn Độ dừng xuất khẩu lúa mì - làn sóng 'bảo hộ lương thực' lan rộng khắp thế giới

(Tổ Quốc) - Nguồn cung lương thực toàn cầu đang không ngừng chao đảo và dần eo hẹp sau cuộc chiến ở Ukraine. Chính vì vậy, quyết định mới nhất của Ấn Độ có nguy cơ gây ra cú sốc mới, khiến cuộc khủng hoảng trên thế giới trở nên tồi tệ hơn.

Giá lúa mì có thể tăng cao kỷ lục sau quyết định gây tranh cãi

Theo một thông báo ngày 13/5, Chính phủ Ấn Độ sẽ đình chỉ việc xuất khẩu lúa mì ra nước ngoài, trừ khi có sự cho phép đặc biệt của chính phủ, nhằm quản lý an ninh lương thực của mình. Quyết định này đã nhận sự chỉ trích từ các bộ trưởng nông nghiệp của nhóm G7, những người cho rằng động thái của Ấn Độ làm cho cuộc khủng hoảng trên thế giới trở nên tồi tệ hơn.

Lúa mì tăng vượt giới hạn trao đổi sau động thái hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, cho thấy nguồn cung toàn cầu eo hẹp như thế nào sau cuộc chiến ở Ukraine và đe dọa đẩy giá lương thực lên cao hơn nữa. Lệnh cấm của Ấn Độ có thể đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức đỉnh mới và ảnh hưởng đến người tiêu dùng có thu nhập thấp ở châu Á và châu Phi.

Hết Indonesia cắt nguồn cung dầu cọ đến Ấn Độ dừng xuất khẩu lúa mì - làn sóng bảo hộ lương thực lan rộng khắp thế giới - Ảnh 1.

Giá lúa mì tăng dựng đứng kể từ sau xung đột Nga-Ukraine.

"Lệnh cấm này gây ra cú sốc", một đại lý có trụ sở tại Mumbai của một công ty thương mại toàn cầu cho biết. "Chúng tôi đã kỳ vọng hạn chế xuất khẩu sẽ được công bố sau hai đến ba tháng tới, nhưng (dường như) tình trạng lạm phát đã khiến Chính phủ thay đổi ý định sớm hơn".

Giá thực phẩm và năng lượng tăng đã đẩy lạm phát bán lẻ hàng năm của Ấn Độ vào tháng 4 lên mức cao nhất trong 8 năm qua, củng cố quan điểm của các nhà kinh tế rằng Ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất mạnh hơn để kiềm chế giá cả.

Giá lúa mì ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục, tại một số thị trường giao ngay giá lên tới 25.000 Rupee/tấn (465 USD/tấn), trong khi Chính phủ Ấn Độ cố định mức giá hỗ trợ tối thiểu là 20.150 Rupee.

Mặc dù là nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, nhưng Ấn Độ lại tiêu thụ hầu hết lượng lúa mì mà nước này sản xuất.

Điều đáng ngạc nhiên là Ấn Độ thậm chí không phải là một nước xuất khẩu nổi bật trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, triển vọng ảm đạm của đối với nguồn cung lúa mì khiến mọi động thái của Ấn Độ cũng có thể tạo ra tác động lớn. Xung đột đã làm tê liệt hoạt động xuất khẩu của Ukraine, và hiện nay hạn hán, lũ lụt cùng các đợt nắng nóng đe dọa mùa màng ở hầu hết các nhà sản xuất lớn.

Hết Indonesia cắt nguồn cung dầu cọ đến Ấn Độ dừng xuất khẩu lúa mì - làn sóng bảo hộ lương thực lan rộng khắp thế giới - Ảnh 2.

Ấn Độ đứng thứ tám trong số các nước xuất khẩu lúa mì trong giai đoạn 2021-2022.

Andrew Whitelaw, một nhà phân tích ngũ cốc tại Thomas Elder Markets có trụ sở tại Melbourne, cho biết: “Nếu lệnh cấm này xảy ra trong một năm bình thường, tác động sẽ ở mức tối thiểu, nhưng việc mất khối lượng lớn từ Ukraine đã làm trầm trọng thêm vấn đề”.

Làn sóng bảo hộ lương thực ngày càng lan rộng khắp thế giới

Quyết định ngừng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh đợt nắng nóng kỷ lục làm khô héo vụ mùa trong thời kỳ quan trọng. Nhiệt độ tăng mạnh và đột ngột vào giữa tháng 3 khiến quy mô cây trồng có thể thấp hơn dự kiến ​​khoảng 100 triệu tấn hoặc thậm chí thấp hơn so với ước tính của Chính phủ, với mức cao nhất thời điểm là 111,32 triệu tấn.

Rủi ro đầu ra đã tạo nên tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Ấn Độ, quốc gia đã cố gắng lấp đầy khoảng trống khi xuất khẩu của Ukraine thiếu hụt đẩy người mua sang các nước thay thế.

Ấn Độ đang ưu tiên cho thị trường nội địa, ngay cả khi động thái này có nguy cơ làm lu mờ hình ảnh quốc tế như một nhà cung cấp đáng tin cậy. Thủ tướng Narendra Modi đối mặt với sự thất vọng ngay trên sân nhà về việc lạm phát gia tăng, một vấn đề đã khiến chính phủ tiền nhiệm thất vọng và mở đường cho việc ông lên nắm quyền.

Chính phủ Ấn Độ xác nhận họ vẫn sẽ cho phép xuất khẩu lúa mì đối với hợp đồng mua bán đã được ký kết từ trước đó và theo yêu cầu từ các quốc gia đang cố gắng "đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của họ".

"Việc chỉ đạo xuất khẩu lúa mì thông qua các kênh của chính phủ sẽ không chỉ đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực sự của các nước láng giềng và các nước thâm hụt lương thực mà còn kiểm soát kỳ vọng lạm phát", Bộ Lương thực Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.

Theo tập đoàn Citigroup, việc thu mua lúa mì của chính phủ đã giảm một nửa và có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu của các chương trình lương thực được trợ cấp. Các nhà chức trách cũng đã cắt giảm phân bổ lúa mì và tăng lượng gạo theo chương trình lương thực miễn phí.

Các nhà phân tích của Citi cho biết: "Ngay cả sau khi thực hiện những điều chỉnh này, chính phủ vẫn có thể không có đủ lúa mì để đáp ứng yêu cầu hàng năm. Dựa trên ước tính sản lượng của Ấn Độ là 105 triệu tấn, xuất khẩu từ 10 triệu tấn trở lên như mục tiêu của các quan chức sẽ khó lòng đạt được.

Hết Indonesia cắt nguồn cung dầu cọ đến Ấn Độ dừng xuất khẩu lúa mì - làn sóng bảo hộ lương thực lan rộng khắp thế giới - Ảnh 3.

Indonesia đã ngừng xuất khẩu dầu cọ vào cuối tháng 4.

Động thái của Ấn Độ làm gia tăng làn sóng bảo hộ lương thực ngày càng tăng kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Các chính phủ trên thế giới đang tìm cách đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho địa phương trong bối cảnh giá nông sản tăng cao. Indonesia đã ngừng xuất khẩu dầu cọ, trong khi Serbia và Kazakhstan áp đặt hạn ngạch đối với các lô hàng ngũ cốc.

Các thương nhân khá thất vọng vì chính sách này. Một ngày trước khi Ấn Độ thông báo ngừng xuất khẩu, chính phủ cho biết họ đang cử các phái đoàn thương mại tới các nước để tìm hiểu khả năng thúc đẩy xuất khẩu lúa mì.

Vijay Iyengar, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Agrocorp International có trụ sở tại Singapore, công ty buôn bán khoảng 12 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm cho biết: "Rất nhiều nhà xuất khẩu và người dùng thực tế trên toàn thế giới có cam kết thu mua lúa mì của Ấn Độ."

Tham khảo: Bloomberg

Khánh Vy

Tin mới