Khu công nghiệp được LEGO đặt nhà máy bền vững nhất thế giới tạo ra 4.000 việc làm được đầu tư hạ tầng thế nào?

(Tổ Quốc) - Tập đoàn LEGO đã quyết định đặt nhà máy bền vững nhất thế giới tại một khu công nghiệp ở Việt Nam và tạo ra 4.000 việc làm.

Cụ thể, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất Lego tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) III (phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên). Đây là dự án đầu tiên có quy mô lớn của Tập đoàn LEGO đầu tư tại Việt Nam, dự kiến sẽ tạo ra 4.000 việc làm khi đi vào hoạt động vào năm 2024.

Nhà máy sản xuất Lego được xây dựng trên diện tích 44 hecta với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Đây là nhà máy thứ 6 trên toàn thế giới và thứ 2 tại châu Á của Tập đoàn LEGO. Tập đoàn LEGO cho biết, nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy bền vững nhất của tập đoàn trên thế giới về mặt thiết kế, xây dựng với trang thiết bị hiện đại và tuân theo tiêu chuẩn cao nhất của Hội đồng Xây dựng xanh Mỹ

Dự án này giúp củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Tập đoàn trong khu vực và thế giới. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của Tập đoàn LEGO được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường với mục tiêu không có khí thải Carbon.

Đặc biệt, toàn bộ nguồn điện sử dụng cho hoạt động nhà máy là năng lượng tái tạo cung cấp từ hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời từ cánh đồng pin mặt trời ngay bên cạnh nhà máy, nên sẽ có tác động rất tích cực đến môi trường, hệ sinh thái, góp phần vào chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Theo Bộ Công thương, khu công nghiệp VSIP III có diện tích 1.000ha, với tầm nhìn là mô hình của một khu công nghiệp thông minh và bền vững; được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động tại khu công nghiệp, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh.

Khu công nghiệp VIP III có ví trí địa lý thuận lợi, liền kề các VSIP hiện hữu và trung tâm Thành phố mới Bình Dương, đồng thời nằm trên trục đường Vành đai 4, dễ dàng tiếp cận cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn. Hơn nữa, VSIP III có vị trí thuận lợi dễ dàng di chuyển đến các cảng và sân bay, cũng như kết nối đến tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vào cuối năm 2022, tỉnh Bình Dương đã quyết định đầu tư 1.492 tỷ đồng mở rộng đường vào khu công nghiệp VSIP III và kết nối với đường Vành đai 4, TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, tỉnh Bình Dương đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) đến ngã ba Hội Nghĩa (Thị xã Tân Uyên).

Tuyến đường ĐT.746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa) là trục giao thông quan trọng kết nối huyện Bắc Tân Uyên với các khu vực lân cận. Đây là tuyến đường huyết mạch dẫn vào Khu công nghiệp VSIP III, kết nối với tuyến đường Vành đai 4, TP.HCM.

Do đó, sau khi hoàn thành tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp VSIP III về các đầu mối giao thông quan trọng như sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải giúp thu hút đầu tư vào Bình Dương nói riêng và cả vùng nói chung.

Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử tình Bình Dương cho biết, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đã đề nghị VSIP đẩy nhanh tiến độ triển khai giai đoạn 2 của khu công nghiệp để đón đầu dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ các nước sang Việt Nam.

Bên cạnh đó, sàng lọc thu hút các dự án đầu tư công nghệ hiện đại 4.0; trước hết là tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho khu công nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Dự án xây dựng nhà máy LEGO là dự án rất được tỉnh quan tâm, do đó, tỉnh sẽ tích cực triển khai nâng cấp hệ thống giao thông.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương nhấn mạnh tại buổi khảo sát tiến độ xây dựng nhà máy của Tập đoàn Lego tại khu công nghiệp VSIP III, đường ĐT.746 chạy qua VSIP III sẽ hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng trong năm 2023, tỉnh cũng khởi công xây dựng đường Vành đai 4, cảng An Tây, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa với các cảng biển và sân bay.

Minh Tiến

Tin mới