(Tổ Quốc) - Có một bức thư điện tử mà mọi phụ huynh ở Australia đều khiếp sợ khi nhận được: Xin lỗi, chúng tôi không thể nhận trông con các vị vào ngày mai.
Và đó cũng chính là nội dung mà Cassandra Duff, giám đốc một trung tâm mầm non ở Canberra, Australia đang phải gửi đi ngày càng thường xuyên hơn. Tình trạng thiếu nhân viên trông trẻ khiến họ "lực bất tòng tâm" khi nhận được yêu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh.
"Tôi phải nói với các ông bố, bà mẹ rằng chúng tôi không còn nhân viên nữa. Xin vui lòng để con các bạn ở nhà. Và đó cũng là điều đau khổ bởi sự nhất quán trong chăm sóc, giáo dục và cả duy trì các thói quen cho trẻ nhỏ sẽ không còn nữa", bà Duff chia sẻ.
Đó cũng chính là hiện thực trong cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ mầm non ở Australia sau đại dịch. Trên toàn cầu, các doanh nghiệp đang bắt đầu gia tăng áp lực, buộc người lao động phải quay trở lại văn phòng sau thời gian dài làm từ xa vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mạng lưới vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các ông bố, bà mẹ đi làm chưa thể phục hồi kịp với yêu cầu đó.
Ở Mỹ, đại dịch làm trầm trọng thêm các vấn đề tồn tại từ lâu trong hệ thống vốn dĩ đã mong manh, nhất là khi giá cả phi mã khiến chi phí trông trẻ trở thành gánh nặng của các phụ huynh. Trong khi đó, biên lợi nhuận mỏng khiến nhiều trung tâm đứng bên bờ vực đóng cửa. Dữ liệu khảo sát còn cho thấy việc thiếu người chăm sóc trẻ con buộc các phụ nữ phải bắt đầu những công việc mới để "lấp chỗ trống" trong việc trông con.
Ở Anh, việc đóng của các vườn trẻ đang cản trở kế hoạch đưa mọi người trở lại văn phòng hậu đại dịch. Có tới 41% số bậc phụ huynh nói rằng họ đang phải chờ tới 6 tháng để có thể tìm cho con một suất trong các trường mẫu giáo ở địa phương.
Mặc dù Chính phủ Australia đã coi việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ giữ trẻ giá cả phải chăng là ưu tiên hàng đầu nhưng câu hỏi ai sẽ cung cấp những dịch vụ này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn khi mỗi người có quá nhiều cơ hội việc làm trong giai đoạn phục hồi sau dịch hiện nay.
Cơ sở trông giữ trẻ của Duff được coi là cao cấp với khách hàng là các gia đình "có điều kiện". Tuy nhiên, danh sách chờ hiện tại của họ có tới 100 trẻ. Trong khi đó, quảng cáo tuyển dụng được chạy suốt 260 ngày qua của họ lại chẳng thể đáp ứng được nhu cầu. Có quá ít người nộp hồ sơ làm bảo mẫu trong khi có quá nhiều trẻ em cần được trông nom.
Georgie Dent, lãnh đạo một nhóm vận động phụ huynh có tên The Parenthood, cho biết cuộc khủng hoảng "đã lên tới đỉnh điểm" trong 6 tháng qua. Mỗi khi có một đứa trẻ không tìm được nơi trông giữ, có nghĩa là một người lớn không thể đi làm. Đó thực sự là vấn đề, không chỉ với các gia đình, mà còn với cả các nhà tuyển dụng".
Danielle Wood, Giám đốc điều hành tại Viện Grattan - một tổ chức tư vấn độc lập ở Melbourne, cho biết tình trạng thiếu bảo mẫu đang làm trầm trọng thêm vấn đề, vốn đã rất nghiêm trọng với thị trường lao động. Nó sẽ tác động sâu rộng lên nền kinh tế đang phải chật vật với lạm phát cùng sự không chắc chắn hậu đại dịch.
"Điều này có nghĩa rằng một nhóm người lao động được đào tạo tốt nhưng đang có con nhỏ khó có khả năng tham gia vào thị trường lao động. Đó không chỉ là tổn thất cho bản thân, gia đình họ mà còn gây ra với vấn đề với cả nền kinh tế và quốc gia", bà Wood chia sẻ.
Việc không thể đi làm mà phải ở nhà trông con cũng tạo ra vấn đề với các bậc cha mẹ. Họ có nguy cơ bị các nhà tuyển dụng coi là "kém tận tâm" và ít có khả năng thăng tiến trong sự nghiệp hơn những người khác.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Australia trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm qua. Trong khi đó, điều kiện làm việc không hấp dẫn và mức lương kém cạnh tranh khiến nghề bảo mẫu không thể thu hút bằng các công việc khác.
Samantha Page, Giám đốc điều hành của nhóm vận động Early Childhood Australia, cho biết: "Ngành chăm sóc trẻ vốn chủ yếu dựa vào lao động nhập cư. Việc nhiều quốc gia đóng cửa biên giới trong thời kỳ dịch bệnh đã khiến lượng lao động làm việc trong ngành này giảm xuống. Ngoài ra, nhiều người cũng rời đi vì lý do sức khỏe, vì mong muốn có một công việc được trả lương cao hơn hay tìm những công việc linh hoạt mà họ có thể làm từ xa".
Trong khi đó, các ông chủ lại không sẵn sàng trả lương cao hơn để thu hút lao động. Việc chi trả nhiều tiền sẽ khiến chi phí trông giữ trẻ tăng lên, khiến họ khó cạnh tranh hơn so với các đối thủ. Hiện tại, một bảo mẫu, dù được đào tạo bài bản, cũng vẫn phải nhận lương thấp hơn 10% so với chính những thầy cô giáo trong ngôi trường đó.
Tình trạng thiếu nhân lực trên diện rộng đồng nghĩa với việc nhiều trung tâm không nhận học sinh mới trong khi số khác giới hạn số học sinh có thể tới trường. Một số khác đóng cửa vĩnh viễn. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng bảo mẫu ở Australia sẽ chưa sớm tìm được lời giải, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.
Theo nghiên cứu của Viện Mitchell, đã có tới 9 triệu người Australia, tương đương 35% dân số, sống trong các khu vực được mô tả là khan hiếm bảo mẫu. Mỗi suất học có tới 3 trẻ cạnh tranh. Đó là điều khó có thể thưởng tượng.
"Mọi sự có thể trở nên tồi tệ hơn nữa khi nhiều dịch vụ trông giữ trẻ phải ngừng hoạt động. Chẳng có vị giám đốc hay người quản lý trường mầm non nào mà tôi nói chuyện trong vài tháng qua tin rằng họ có thể giải quyết vấn đề này trong ngày một, ngày hai", Samantha Page chia sẻ.
Tham khảo: Bloomberg
Linh Anh