Làm việc 4 ngày/tuần không còn là 'giấc mơ', 86% công ty ở quốc gia này muốn áp dụng ngay lập tức

(Tổ Quốc) - Các nhà tuyển dụng đã chuyển sang lịch làm việc 4 ngày với 32 giờ (thay đổi tuỳ vai trò và ngành nghề) mà không giảm lương nhân viên. Hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức ở Anh tham gia (86%) nói rằng họ có thể sẽ giữ lịch làm việc này sau khi thử nghiệm kết thúc vào tháng 11.

Lịch làm việc 4 ngày/tuần đang cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Đây là kết quả từ các công ty tham gia cuộc thử nghiệm của tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global tổ chức. Một cuộc khảo sát công bố kết quả vào hôm 20/9 cho thấy 78% các lãnh đạo ở hơn 70 công ty của Anh áp dụng lịch làm việc 4 ngày/tuần nói rằng quá trình chuyển đổi diễn ra "tốt đẹp" hoặc "liền mạch". Chỉ 2% cảm thấy khó khăn. 88% cho biết lịch làm việc này phát huy hiệu quả tốt. 

Rõ ràng rằng, ý tưởng về lịch làm việc 4 ngày/tuần không phải là điều viển vông. Các nhà lập pháp ở California (Mỹ) gần đây đã cân nhắc và sau đó tạm hoãn kế hoạch áp dụng lịch làm việc này trên toàn tiểu bang, đối với một số nhân sự. Một cuộc khảo sát của Gartner cho thấy, tuần làm việc ngắn hơn sẽ là một chiến lược tuyển dụng mới và giúp các doanh nghiệp giữ chân nhân viên. 

Các chương trình thử nghiệm kéo dài 6 tháng này được áp dụng với hơn 180 công ty ở hơn 12 quốc gia. Chương trình được vận hành bởi 4 Day Week Campaign và trung tâm nghiên cứu Autonomy, cùng hợp tác với hoạt động thu thập dữ liệu của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Boston, Đại học Cambridge và Đại học Oxford. Các nghiên cứu thí điểm đang tiếp tục thực hiện ở Anh, Mỹ, New Zealand, Úc, Ireland và Canada. 

Các nhà tuyển dụng đã chuyển sang lịch làm việc 4 ngày vớ 32 giờ (thay đổi tuỳ vai trò và ngành nghề) mà không giảm lương nhân viên. Ở Anh, giám đốc điều hành của các công ty với tổng số 3.300 nhân viên đã được khảo sát ở khoảng thời gian giữa của kế hoạch thí điểm này. Gần như hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức ở Anh (86%) nói rằng họ có thể sẽ giữ lịch làm việc này sau khi thử nghiệm kết thúc vào tháng 11. Gần 1 nửa (49%) cho biết năng suất làm việc của nhân viên đã được cải thiện, còn 46% cho biết mọi thứ không có gì thay đổi. 

Joe O'Connor - CEO của 4 Day Week Global, chia sẻ: "Tôi cảm thấy được khích lệ khi thấy kết quả này. Chúng tôi sẽ coi đó là một thành tựu lớn, ngay cả trong trường hợp năng suất làm việc vẫn không đổi." 

O'Connor cho biết, có một số tổ chức không thể hoàn thành quá trình này. Khoảng 1/5 nhà tuyển dụng đã bỏ giữa chừng, hơn 1 nửa trong số đó là ở giai đoạn trước khi lên kế hoạch. Các giám đốc điều hành tham gia thử nghiệm chia sẻ rằng, họ phải đối mặt với thách thức kép đó là giúp nhân sự vượt qua thói quen xử lý công việc trong 5 ngày và cải tiến quy trình làm việc để có sản lượng tương tự trong 4 ngày. 

Theo O'Connor, khi các công ty ngừng cuộc thử nghiệm từ giai đoạn lên kế hoạch, lý do chính là các lãnh đạo đã suy nghĩ quá nhiều, sau đó không còn muốn áp dụng lịch làm việc mới. Ông nói: "Họ cố gắng khắc phục mọi vẫn đề hay sự cố có thể xảy ra trước khi thử nghiệm. Điều này là không thể, bởi năng suất tăng và cải tiến quy trình được thực hiện bởi cả tập thể." 

Ngoài ra, ông cũng nêu ra những khó khăn của các công ty thiếu sự tin tưởng giữa lãnh đạo và nhân viên. Ông cho biết: "Họ nghĩ rằng họ có cách đưa ra quyết định cởi mở và thực hiện từ dưới lên. Nhưng trên thực tế, quy trình này lại không phải như vậy." 

Đối mặt với những khó khăn cũng chính là một phần của quá trình chuyển đổi này. 

Nicci Russell - chủ tịch của Waterise, tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc giảm tiêu thụ nước, cho biết: "Ban đầu, đây không phải là cuộc dạo chơi trong công viên, nhưng cũng không có sự thay đổi lớn nào. Tất cả chúng ta đều phải nỗ lực, những yếu tố như nghỉ phép năm khó thể khiến quá trình gặp trắc trở. Nhưng các nhân viên của tôi lại khá hài lòng và chắc chắn chúng tôi đều thích những ngày không phải làm việc." 

Sau khi áp dụng lịch làm việc 4 ngày/tuần, các công ty gặp khó khăn thường có quy mô nhỏ và ở trong các lĩnh vực đòi hỏi thời gian làm việc liên tục, với 5-7 ngày làm việc. Do đó, họ phải lên lịch chính xác cho một số nhân viên. Ví dụ, công ty kinh doanh quà tặng Bookishly phải liên tục xếp lịch làm việc cho nhân viên trong khoảng thời gian bận rộn. 

Một nguyên nhân khác khiến các tổ chức từ bỏ tham gia thử nghiệm đó là gặp phải những thay đổi bất ngờ, chẳng hạn như thay lãnh đạo hoặc thay đổi về vấn đề tài chính. Những công ty, tổ chức tham gia thử nghiệm ở Anh đến từ nhiều lĩnh vực như giáo dục, truyền thông, khách sạn và y tế, bao gồm Charity Bank, công ty minh bạch chuỗi cung ứng Everledger, nền tảng giao tiếp với khách hàng Secure Digital Exchange và Hiệp hội Sinh học Hoàng gia (RSB). 

Sau một thời gian thí điểm, O'Connor nhận thấy các công ty không cần sự hỗ trợ của ông nữa khi mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Ông nói: "Họ sẽ cần chúng tôi trong giai đoạn đầu. Khi nhu cầu liên hệ với chúng tôi giảm xuống, thì họ đang trên con đường áp dụng hiệu quả." 

Tham khảo Metro; Bloomberg

Vu Lam

Tin mới