(Tổ Quốc) - Trên thế giới, mại dâm được quản lý bằng một trong ba chế độ pháp lý cơ bản, và hoạt động này đem lại cả doanh thu và thiệt hại cho các quốc gia.
Câu chuyện về mại dâm, đặc biệt là mại dâm trong giới người mẫu, diễn viên, hoa hậu luôn thu hút những ý kiến trái chiều và đồng thời là vấn đề kinh tế xã hội nan giải gây thách thức cho cả những chính phủ cởi mở nhất.
Các nghiên cứu về "công nghiệp" mại dâm
Dưới góc độ kinh tế, đã có những nghiên cứu rất nghiêm túc về vấn đề này. Có thể thấy, hoạt động mại dâm luôn gắn liền với biến chuyển của nền kinh tế, quy luật cung cầu của thị trường và cả sự đánh đổi của người trực tiếp tham gia.
Theo Lena Edlund và Evelyn Korn, hai nữ giáo sư tiên phong trong nghiên cứu về mại dâm: "Mại dâm là một ngành công nghiệp nhiều tỉ USD và là công việc thường xuyên của hàng triệu phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Một khảo cứu gần đây của Văn phòng Lao động quốc tế cho thấy ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan có tới 0,25-1,5% phụ nữ tham gia hoạt động mại dâm và nghề này đóng góp từ 2-14% tổng thu nhập nội địa (GDP)".
Edlund và Korn (2002) còn chứng minh được rằng xã hội sẽ luôn có một số phụ nữ làm nghề mại dâm. Lý do là càng ít người làm nghề này thì do luật cung cầu, thu nhập từ mại dâm sẽ càng cao và chắc chắn sẽ hấp dẫn với một số người. Edlund và Korn (2002) cũng chứng minh được rằng khi mặt bằng thu nhập của những phụ nữ không làm nghề mại dâm tăng lên thì số người làm nghề mại dâm sẽ giảm, mặc dù không bao giờ biến mất hoàn toàn.
Guista, Tommaso và Strom (2004) cũng chứng minh được rằng chênh lệch giàu nghèo trong xã hội càng lớn thì tình trạng mại dâm càng nhiều, và khi các cơ hội kiếm sống ngoài mại dâm càng tốt thì hoạt động mại dâm càng giảm.
Theo Edlund và Korn (2002), những người tham gia thị trường mại dâm phải đánh đổi khả năng lập gia đình và cuộc sống bình thường. Khách mua dâm đến với người bán dâm vì mục đích vui vẻ chứ không phải hôn nhân và con cái, và khi làm nghề này rồi thì người bán dâm hầu như không còn cơ hội được lập gia đình.
Ba nữ giáo sư Guista, Tommaso và Strom (2004) cho rằng khi mua - bán dâm, cả người mua và người bán đều chịu tổn hại về uy tín xã hội. Vì sự tổn hại về uy tín này, người bán dâm cần phải nhận được thu nhập cao thì mới tham gia làm nghề.
Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã khẳng định, để đánh đổi lấy mức thu nhập cao hơn khoảng gấp bốn lần thu nhập trung bình, những phụ nữ này phải chịu đựng một rủi ro rất lớn về an toàn.
Thực tế cho thấy, mại dâm đã và đang là một ngành kinh doanh lớn trên thế giới.
"Thị trường" mại dâm
Hoạt động mại dâm có thể diễn ra trong các bối cảnh khác nhau, thường được nhận biết qua ba thị trường chính: mại dâm đường phố, nhà thổ và gái gọi.
Mại dâm đường phố là hình thức mại dâm dễ thấy nhất, tức là người bán dâm mời gọi khách hàng và cung cấp dịch vụ ngay trên đường phố công cộng. Nhiều thành phố ở Bắc Mỹ và châu Âu đều có những "khu vực đèn đỏ", dành cho mại dâm đường phố. Những người bán dâm trên đường phố dễ trở thành nạn nhân của cướp giật, thậm chí là bị giết hại.
Nhà thổ là thị trường bán dâm có nhiều người bán dâm chuyên nghiệp, thường có tiếp viên, "má mì", và cả bảo vệ; nhiều nhà thổ còn quảng cáo dịch vụ và giá cả trên Internet. Tại nhiều nước phát triển, điển hình như Úc, Đức, Hà Lan và bang Nevada ở Mỹ, nhà thổ được hoạt động hợp pháp và chính phủ quản lý nhằm bảo đảm sử dụng bao cao su và đóng thuế.
Gái gọi là thị trường bán dâm thứ ba, họ bán dâm độc lập, đa phần thông qua môi giới. Thị trường gái gọi ở cả các nước phát triển và đang phát triển đều hoạt động rất mạnh.
Trên thế giới, mại dâm được quản lý bằng một trong ba chế độ pháp lý cơ bản, và hoạt động này đem lại cả doanh thu và thiệt hại cho các quốc gia.
Đầu tiên phải kể đến các quốc gia hợp pháp hoá mại dâm và những hoạt động đi kèm, điển hình là Áo, Singapore, Thuỵ Sỹ. Số liệu thống kê năm 2014, ngành công nghiệp tình dục Thụy Sỹ có khoảng 20 nghìn gái mại dâm, đóng góp ước 3,5 tỷ USD, tương đương 0,5% GDP Thụy Sỹ. Gái mại dâm tại Thụy Sỹ cũng phải đối đầu với rủi ro bị hành hạ, đánh đập và bị bắt cóc bởi bọn buôn người, và khi khó tìm khách, gái nào cũng tranh nhau ra đường. Chính phủ Thụy Sỹ đã phải tìm ra cách mới để bảo vệ cho gái mại dâm, đó là những căn nhà an toàn nằm tập trung tại một khu tập trung xa trung tâm.
Một số nơi như Úc, Đức, Hà Lan, Hungary, Anh và bang Nevada của Mỹ cho phép mại dâm nhưng các hoạt động của bên thứ ba bị coi là bất hợp pháp. Tại Hà Lan, theo số liệu năm 2014, toàn bộ Hà Lan có khoảng trên 40.000 gái bán dâm và đóng góp 2,5 tỷ euro/năm tiền thuế, tương đương 0,4% GDP. Tuy nhiên, Hà Lan đứng đầu bảng trong báo cáo về tình trạng buôn bán người. Số phụ nữ từ Thái Lan, Trung Quốc, Nigeria, Ukraina… bị bán đến Hà Lan làm gái mại dâm dao động từ khoảng 1.000-7.000 mỗi năm.
Nevada là bang duy nhất ở Mỹ hợp pháp hóa mại dâm, cũng phải đối mặt với không ít vấn đề, tỷ lệ hiếp dâm năm 2009 là 43 trường hợp trên 100.000 dân, vượt xa tỷ lệ trung bình của cả nước là 30. Thành phố Las Vegas của bang này có tỷ lệ hiếp dâm cao gấp 2 lần New York và 4 lần mức trung bình của cả nước.
Một số quốc gia coi mại dâm và mọi hoạt động liên quan là bất hợp pháp, như tại Thụy Điển, Thái Lan và Việt Nam. Nhắc đến Thái Lan, nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng Thái Lan không hề hợp pháp hoá hoạt động bán dâm, thế nhưng ngành công nghiệp này lại cực kì phát triển. Theo thống kê của tổ chức Sentinel Surveillance, mỗi gái mại dâm Thái Lan thường tiếp mỗi đêm ít nhất 2,6 khách và thu nhập mỗi tháng ở thời kỳ xuân sắc của các cô gái được coi là hạng A có thể lên đến 10 - 15 nghìn USD/tháng, với các cô gái hạng C kiếm được 700USD/tháng, ngành mại dâm đóng góp lớn cho GDP Thái Lan. Tuy nhiên, hiếp dâm tại nước này cao hàng đầu châu Á, từ 7-8 vụ/100.000 dân, cao gấp 2 lần Phillippine, 3 lần Singapore và 5 lần Việt Nam.
Tại Việt Nam, theo số liệu của ILO năm 2018, Việt Nam có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó, chủ yếu là nữ giới. Đối tượng và hình thức mại dâm vẫn chủ yếu dưới dạng gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm. Thực trạng này gây nên nhiều vấn đề tội phạm, các bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS.
Thủy Nguyễn