Mang tiền về cho mẹ, cho vợ đẳng cấp tỷ phú: Người thân lãnh đạo Hòa Phát, TCB, Novaland, VPB đang sở hữu lượng cổ phiếu trị giá cả trăm triệu USD

(Tổ Quốc) - Trong số 22 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán, chỉ có 1/3 là những người trực tiếp tham gia xây dựng và điều hành doanh nghiệp.

"Mang tiền về cho mẹ" không chỉ là một sản phẩm âm nhạc viral khắp nơi mọi chốn một thời mà còn nói lên câu chuyện thực tế trên sàn chứng khoán Việt khi có rất nhiều tỷ phú để cho mẹ và vợ nắm giữ lượng cổ phiếu không hề nhỏ, với tài sản lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nở mày nở mặt nhờ thành công của chồng, con 

Đứng đầu danh sách "mang tiền về cho vợ" là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Vợ ông là bà Vũ Thị Hiền, người đang nắm trong tay khối tài sản lên tới 16.783 tỷ đồng và đồng thời cũng là nữ tướng giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt. Phu nhân "vua thép" hiện nằm giữ số lượng cổ phiếu lớn thứ 2 tại Hòa Phát nhưng lại không tham gia vào công việc của Tập đoàn và âm thầm lui lại phía sau, nhường sân khấu lớn cho chồng.

Những ngày đầu tháng 3/2022 chứng kiến cổ phiếu HPG tăng kịch trần, dự báo tài khoản của vợ chồng vua thép vẫn tiếp tục tăng mạnh. Tổng tài sản của ông Trần Đình Long hiện là 3,5 tỷ USD, con số này cũng lần đầu tiên đưa ông vào top 1000 người giàu nhất thế giới.

Theo sau danh sách này là nữ doanh nhân quyền lực Phạm Thu Hương - vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bà hiện là gương mặt nữ giàu thứ 3 sàn chứng khoán Việt với tài sản 13.339 tỷ đồng.  

Một "soái ca" vừa mang tiền về cho mẹ, vừa mang tiền về cho vợ không thể không nhắc đến là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank (TCB). Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thu Thủy và mẹ là bà Nguyễn Thị Thanh Tâm đều ở thứ hạng cao trong số những người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán. Bà Thủy hiện nắm 9.470 tỷ đồng từ cổ phiếu MSN, TCB, còn bà Tâm có trong tay 8.576 tỷ đồng từ cổ phiếu TCB.

Cũng giống gia đình tỷ phú Hồ Hùng Anh, cả mẹ và vợ doanh nhân Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VP Bank sở hữu khối tài sản lớn nhờ cổ phiếu VPB và cũng thuộc top những người phụ nữ Việt quyền lực nhất sàn chứng khoán. Bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng) và bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng) nắm giữ khối tài sản lần lượt 8.212 và 8.191 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong danh sách này còn có bà Cao Thị Ngọc Sương (vợ ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Nova Group) nắm giữ 8.006 tỷ đồng, bà Kim Ngọc Cẩm Ly (vợ ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch VPB) nắm giữ 7.203 tỷ đồng, bà Lý Thị Thu Hà (mẹ ông Lô Bằng Giang - Phó Chủ tịch Vp Bank) nắm giữ 7.091 tỷ đồng,...

Lý giải cho hiện tượng các tỷ phú "mang tiền về cho mẹ" và "mang tiền về cho vợ", Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) có quy định một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng và Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Do đó để không vượt tỷ lệ 5% theo quy định thì các "đại gia" này phải gửi gắm tài sản cho người thân nắm giữ.

Top 22 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán: Số đông vẫn giàu sang nhờ chồng con, chỉ 1/3 trực tiếp xây dựng và lãnh đạo công ty - Ảnh 1.

Những nữ tỷ phú tự thân 

Bên cạnh những tấm gương lý tưởng về "của chồng công vợ", những người con trai hiếu thảo đáng ngưỡng mộ trong thương trường, sàn giao dịch Việt còn ghi nhận rất nhiều những "bóng hồng" tự thân gây dựng nên cơ đồ và áp đảo thị trường chứng khoán.

"Nữ tướng" giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet, đồng thời điều hành Sovico Holdings và là phó chủ tịch của HD Bank. Số tài sản mà bà đang nắm trong tay lên đến 29.189 tỷ đồng. 

Ngoài ra, không chỉ là vợ tỷ phú giàu nhất Việt Nam, bà Phạm Thu Hương cũng thuộc danh sách này với vai trò là người đồng sáng lập và phó chủ tịch của Vingroup.

Sở hữu 6.237 tỷ đồng, bà chủ Vĩnh Hoàn - Trương Thị Lệ Khanh cũng là nữ tỷ phú tự thân quyền lực trên sàn chứng khoán. Theo sau là bà Nguyễn Thị Mai Khanh - Chủ tịch REE với 2.783 tỷ đồng.

Không dừng lại ở những gương mặt điển hình nói trên, danh sách những người phụ nữ được chồng, con "mang tiền về" và cả những nữ doanh nhân tự thân thống trị sàn chứng khoán Việt vẫn còn kéo dài.  


Nhuận Hoa

Tin mới