Miền Nam có bánh Trung thu Kinh Đô, miền Bắc có Hữu Nghị

(Tổ Quốc) - Hai thương hiệu bánh trung thu ở hai miền còn tồn tại đến bây giờ. Nhưng chúng đều đã có nhiều đổi thay.

Bánh Trung thu Kinh Đô: Ngày nay đã khác!

Logo có chiếc vương miện trở thành hình quen thuộc của rất nhiều thế hệ người dân, nhất là người sinh sống ở khu vực phía Nam. Bánh trung thu Kinh Đô trước đây từng là "gà đẻ trứng vàng" của hai anh em ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên.

Theo giới thiệu trên website của Tập đoàn KIDO, thuở nhỏ, hai anh em Trần Lệ Nguyên - Trần Kim Thành đã bắt đầu làm quen với lĩnh vực bánh kẹo khi làm việc trong một tiệm bánh nhỏ của gia đình. Khởi đầu của Kinh Đô là một cơ sở nhỏ với vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, gồm 70 công nhân viên, chuyên sản xuất bánh mì, bánh tươi tại Phú Lâm, quận 6, TP HCM.

Năm 1993, Công ty Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô được thành lập, tập trung vào sản xuất bánh bánh snack (bim bim), đánh bật sản phẩm snack của Thái Lan ra khỏi thị trường. Từ sự thành công của bánh snack, sau đó Kinh Đô dần thâm nhập vào thị trường bánh cookie, cracker, bánh trung thu, kẹo...

Đến năm 2009, Kinh Đô Bakery lần lượt ra đời. Được thiết kế và xây dựng theo mô hình cao cấp hiện đại của các nước phát triển, Kinh Đô Bakery là kênh bán hàng trực tiếp của Công ty Kinh Đô. Năm 2000, Kinh Đô mở rộng hoạt động kinh doanh tại phía Bắc với việc thành lập CTCP Chế biến thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc (NKD). Đến năm 2010, công ty này đã được sáp nhập vào CTCP Kinh Đô.

"Theo thông báo của Mondelez, Tập đoàn đã mua lại 80% số vốn của công ty Kinh Đô, chuyên chế biến bánh, kẹo, với giá 370 triệu đô la. Trong tháng 12/2014, đại hội đồng các cổ đông của công ty Kinh Đô sẽ cho ý kiến về thương vụ mua 80% số vốn của công ty này. Nếu các cổ đông của Kinh Đô chấp nhận, dự án sẽ được hoàn tất trong quý hai năm 2015", mẩu tin được đăng vào buổi sáng ngày 12/11/2014 trên Trang thông tin điện tử Đầu tư Nước ngoài (Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư).

Miền Nam có bánh trung thu Kinh Đô, miền Bắc có Hữu Nghị - Ảnh 1.

Dòng chữ trên gói bánh trung thu khẳng định thương hiệu "Kinh Do và hình" thuộc sở hữu của Mondelez. Ảnh: Dy Khoa

Đã hơn 5 năm, người tiêu dùng Việt Nam được ăn bánh Trung thu của "Mondelez Kinh Đô". Ở mặt cạnh của bao bì cũng có ghi rõ dòng chữ: "Kinh Do và hình là nhãn hiệu của Mondelez International Group...".

Như vậy, bánh Trung thu Kinh Đô của ngày hôm nay chúng ta ăn đã khác tuổi thơ của chính chúng ta từng ăn.

Theo thông cáo báo chí từ Mondelez Kinh Đô, năm nay, đơn vị này ra mắt hơn 70 dòng bánh trung thu với những cải tiến chất lượng đáng kể và 3 dòng sản phẩm mới để phục vụ đa dạng các nhu cầu của người tiêu dùng.

Năm nay, thương hiệu Kinh Đô mang đến cho người tiêu dùng nhiều chủng loại bánh Trung thu đặc sắc, từ dòng "Trăng Vàng Black & Gold" thượng hạng, dòng "Trăng Vàng" cao cấp, dòng "Thu" truyền thống, đến những dòng bánh thời thượng, đáp ứng cho mọi nhu cầu thưởng thức và biếu tặng đa dạng của người tiêu dùng.

Còn KIDO của anh em họ Trần tái xuất với bánh Trung thu "vì chúng tôi nhận được sự quan tâm, ủng hộ, lời đề nghị của rất nhiều cổ đông, nhà đầu tư, người tiêu dùng", ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KIDO nói.

KIDO sẽ tung ra thị trường 300 tấn bánh Trung thu thương hiệu KIDO's Bakery trong mùa trăng 2022 với công thức kết hợp giữa những nguyên liệu cao cấp trên thế giới như Alaska, bào ngư, vi cá, cua Canada, sò điệp Nhật Bản… với khẩu vị riêng của người Việt.

Bánh Trung thu Hữu Nghị: Nhiều đổi thay!

Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (HNF) thành lập năm 1997. Đây là một trong số hiếm hoi các công ty bánh kẹo, có kinh doanh bánh trung thu, niêm yết trên sàn chứng khoán. Bánh trung thu Hữu Nghị trở thành cái tên khá quen thuộc với nhiều gia đình. Đặc biệt, từng chiếc bánh nướng, bánh dẻo được đặt trong bao bì màu đỏ cũng trở thành món ăn quen thuộc trong Tết trung thu của các gia đình phía Bắc.

Năm 2020, HNF đã phát triển hơn 140.000 điểm phân phối hàng hoá truyền thống, hơn 6.000 điểm siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi; cùng hàng trăm đầu mối trọng điểm. Bên cạnh bánh Tipo, Gold Daisy, Staff…, bánh trung thu Hữu Nghị là cái tên quan trọng giúp HNF duy trì sức "nóng" trên thị trường.

Miền Nam có bánh trung thu Kinh Đô, miền Bắc có Hữu Nghị - Ảnh 2.

Bánh trung thu là sản phẩm quan trọng của Thực phẩm Hữu Nghị. Ảnh minh hoạ: DNA Holding.

Năm nay, HNF lên kế hoạch sản lượng 24.911 tấn, tăng 13% so với năm trước. Doanh thu theo đó ở mức 2.083 tỷ đồng, tăng 20%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 13%, về mức 45 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo HNF nhận định 2022 vẫn chịu tác động bởi dịch COVID-19 và giá cả leo thang do tình hình thế giới tác động. Đây là năm có nhiều thách thức nhưng cũng xuất hiện nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trước bối cảnh hội nhập sâu.

Song song với triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, HNF tập trung vào quản trị nhân sự, đầu tư công nghệ thông tin, nâng cao quản trị rủi ro về pháp lý, kiểm soát nội bộ, tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp…

Công ty cũng muốn đầu tư thêm dây chuyền máy móc thiết bị để nâng cao sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, không để tình trạng thiếu hàng cục bộ như hiện nay.

Thực phẩm Hữu Nghị vốn là công ty con của Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Năm 2017, Vinataba đã thoái toàn bộ vốn tại Hữu Nghị cũng như Bánh kẹo Hải Hà. Hải Hà sau đó đã được nhóm cổ đông liên quan đến Mesa Group mua lại.

Trong cơ cấu cổ đông hiện nay, DNA Holding đang sở hữu hơn 50% cổ phần HNF. DNA Holding được thành lập ngày 10/10/2018 với vốn điều lệ ban đầu 565,66 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực chính là tư vấn quản lí và tư vấn đầu tư.

Dy Khoa

Tin mới