(Tổ Quốc) - Bằng nhiều chiêu trò, “cò” đất thông đồng với nhau đưa nhà đầu tư vào “ma trận”, nhất là với những nhà đầu tư tay mơ khiến họ chỉ còn nước xuống tiền, ôm đất mà chờ ngày thoát hàng.
Chuyện “cò” đất tạo ra những cơn “sóng” đất, thổi giá không còn là mới. Nhưng trong những cơn “sóng” đó đã có nhiều nhà đầu tư tay mơ “mắc cạn” một cách đầy cay đắng.
Đơn cử, đợt tháng 3 vừa qua, lợi dụng giá đất ở khắp nơi tăng mạnh cùng với việc nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào đất đai. Một nhóm môi giới của sàn bất động sản X.Đ ở Bắc Ninh đã khuấy động việc mua bán tại một dự án bất động sản trên địa bàn.
Trong 2 năm qua, giá đất tại dự án V.Đ đã tăng 3-4 lần. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, giá đất của dự án này vẫn khá rẻ. Nắm bắt được điều đó, đội môi giới của sàn X.Đ tung tin đồn dự án sắp có sổ đỏ. Cùng với đó, môi giới tung tin mua gom vào 20 lô đất dự án V.Đ. Thấy thông tin như vậy, cùng giao dịch nhộn nhịp, nhiều nhà đầu tư đã không ngần ngại nhảy vào cuộc chơi.
Chị N.K.L là một trong số những nhà đầu tư tham gia vào đợt tạo "sóng" của đội môi giới. Trước đó, chị L có nắm giữ một lô đất của dự án V.Đ. Do đó, môi giới có liên hệ và trả chị 2,1 tỷ đồng, trong khi chị mới mua cách đó 8 ngày giá 1,95 triệu đồng.
Thấy có lãi, chị đồng ý bán và nhận cọc 100 triệu đồng với điều kiện nếu phá cọc sẽ đền gấp đôi. Sau 1 tuần - ngày giao dịch làm giấy tờ mua bán thì có tin lô đất của chị L có người chấp nhận mua giá 2,5 tỷ đồng. Thấy giá tăng nhanh, chị L phá cọc và chấp nhận đền tiền.
Không những nhận được tiền đền cọc từ phía chị L, đội môi giới sàn X.Đ cho một nhóm khác mời chào chị này mua thêm 2 lô đất khác mà nhóm đã gom mua trong đợt tạo "sóng" này. Thấy giá tăng quá nhanh, lại đang sẵn có một khoản tiền, chị L nghĩ sẽ đặt cọc và 20 ngày sau mới phải vào tiền. Trong thời gian đó, chị L sẽ ký gửi môi giới bán cho với mức giá chênh lên. Nghĩ là làm, chị L đặt cọc 2 lô đất mà đội môi giới mời chào.
Thế nhưng, chị L không biết rằng mình đã bị đội môi giới của sàn X.Đ đưa vào “ma trận” được lập ra. Đợt thổi giá này nhanh chóng xì hơi, nhiều nhà đầu tư chỉ tính “lướt sóng” đã chấp nhận bẻ cọc. Còn chị L sau khi không tìm được người mua, đến thời gian vào tiền, chị chấp nhận đi vay mượn thêm ngân hàng để vào tiền bởi nếu không với 2 lô đất đó chị sẽ mất tới 400 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có nhiều hình thức khác mà được biết đến trong lĩnh vực bán dự án bất động sản như dàn dựng việc tranh mua, tranh bán; chốt cọc liên tục để dụ nhà đầu tư mua; vẽ ra quy hoạch, dự án ảo… Với những hình thức cao tay, tinh vi của giới cò, khách hàng dễ dàng bị rơi vào “ma trận”.
Một nhà đầu tư có kinh nghiệm chia sẻ: “Mánh tung tin đồn về quy hoạch hay chuẩn bị có dự án có từ lâu nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn dễ rơi vào. Nhất là trong năm nay đẩy mạnh đầu tư công, nhiều địa phương công bố quy hoạch, nhiều môi giới lợi dụng điều này để thổi giá gây sốt ảo”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra khuyến cáo: “Nhà đầu tư nên hết sức cẩn trọng trong việc tìm thị trường thời điểm này. Cần phải tìm hiểu kỹ để đánh giá chắc chắn là thị trường thật, đặc biệt địa phương thời gian qua giá bất động sản đã tăng cao, những địa phương có phong trào mua đất đai mà không chú trọng vào sản xuất, kinh doanh.
Tất nhiên, nhà đầu tư đổ tiền vào những khu vực đang nóng sốt có thể lướt sóng kiếm được nếu nhà đầu tư đó may mắn. Nhưng khả năng may mắn đó không chắc chắn lắm vì có thể bị Nhà nước kiểm soát, siết lại, thu lại rất cao. Cho nên, không nên thử vận may trong kiểu rủi ro đó mà nên tìm thị trường chính thống, được pháp luật bảo hộ kinh doanh. Đừng thử vận may ở những thị trường bát nháo”.
Linh Phong