(Tổ Quốc) - Lợi nhuận hợp nhất của nhà băng này giảm do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã: EIB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 4 với lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế cả năm 2021 đạt lần lượt 1.205 tỷ và 965 tỷ đồng, giảm gần 10% so với 2020.
Như vậy, Eximbank là ngân hàng đầu tiên báo lợi nhuận đi xuống trong năm vừa qua.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Eximbank sụt giảm do chi phí dự phòng rủi ro cao gấp rưỡi năm trước, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng nhẹ 9,4%.
Đi sâu vào các mảng kinh doanh, thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính của Eximbank khi mang về 3.524 tỷ đồng, tăng 6,4% và chiếm 75% tổng doanh thu thuần.
Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư đạt 99,4 tỷ đồng, tăng 79,4% với danh mục đầu tư lên tới hơn 15.880 tỷ vào cuối năm 2021.
Ngược lại, lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối của Eximbank đều giảm so với năm 2020, lần lượt mang về 433 tỷ và 394 tỷ đồng.
Tựu chung, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong năm 2021 đạt 4.709 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,9%. Trong khi chi phí hoạt động tăng 3,1% lên 2.514 tỷ đồng. Qua đó giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,4% đạt 2.195 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 12/2021, tổng tài sản Eximbank đạt 165.832 tỷ đồng, tăng 3,4% so với hồi đầu năm.
Năm 2021, dư nợ cho vay của ngân hàng tăng 13,8% lên mức 114.675 tỷ. Trong đó, nợ xấu nội bảng giảm 11,3% xuống còn 2.247 tỷ đồng và chiếm 1,96% tổng dư nợ, thấp hơn mức 2,52% ghi nhận vào cuối năm 2020. Tiền gửi khách hàng đạt xấp xỉ 137.374 tỷ, tăng 2,6%.
Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt hơn 1.260 tỷ đồng, giảm 4,5% so với năm 2020 và chỉ thực hiện được gần 97% kế hoạch đã điều chỉnh.
Trước đó, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam – Eximbank (EIB) đã quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021, trong đó thay đổi hàng loạt chỉ tiêu tài chính trong năm 2021 so với kế hoạch đã trình cổ đông hồi đầu năm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2021 điều chỉnh giảm từ 2.150 tỷ đồng xuống 1.300 tỷ đồng, tương đương mức giảm ròng 850 tỷ (40%) so với kế hoạch ban đầu.
Cùng với lợi nhuận, Eximbank cũng điều chỉnh một loạt chỉ tiêu tài chính khác như tổng tài sản năm 2021 đạt 167.000 tỷ, giảm 10.000 tỷ so với kế hoạch ban đầu. Huy động vốn dự kiến đạt 139.500 tỷ, giảm 8.500 tỷ và dư nợ cấp tín dụng là 115.790 tỷ đồng, giảm 1.210 tỷ đồng.
Trong năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ lên 1.159 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng tài sản vào cuối năm 2022 đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng.
Mới đây, Eximbank cũng đã công bố kế hoạch tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ 2 vào tháng 3/2022. Nội dung chính của cuộc họp là bầu thành viên HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025. Trước đó, nhà băng này từng triệu tập họp cổ đông thường niên năm 2021 vào tháng 4 nhưng bất thành.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu EIB liên tục có những diễn biến đáng chú ý trong những phiên giao dịch gần đây.
Đóng cửa ngày 28/1, EIB là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất ngành ngân hàng với mức tăng 6,1%, qua đó xác lập đỉnh mới tại 37.450 đồng/cp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 2,9 triệu cổ phiếu, gấp 7 lần so với phiên liền trước.
Phiên 28/1 cũng gây chú ý nhất là giao dịch thoả thuận của khối ngoại. Cụ thể, có hơn 20 triệu cổ phiếu EIB được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức thoả thuận ở giá sàn 32.850 đồng/cp, tương đương giá trị 657 tỷ đồng.
Quốc Thụy