(Tổ Quốc) - Việc người dân Nhật Bản thắt chặt hầu bao đang gây ảnh hưởng đến một số ngành dịch vụ của nền kinh tế.
Theo hãng tin Bloomberg, Nhật Bản là một trong những quốc gia chi nhiều tiền cho dịch vụ mai táng nhất thế giới. Ví dụ đơn giản nhất là nước này chi tới 12 triệu USD cho lễ tang Cố Thủ tướng Shinzo Abe. Rõ ràng, với dân số lão hóa nhanh thì việc tổ chức một buổi tang lễ long trọng là điều hiển nhiên với văn hóa Nhật.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang dần thay đổi khi nền kinh tế gặp khó khiến người dân siết chặt hầu bào. Thêm vào nữa, đại dịch Covid-19 càng khiến mọi người có lý do để tổ chức lễ tang đơn giản cho người đã khuất. Hệ quả là ngành dịch vụ mai táng ăn nên làm ra tại Nhật chịu ảnh hưởng nặng.
Ngành dịch vụ 1,8 nghìn tỷ Yên
Với dân số lão hóa nhanh, ngành dịch vụ mai táng trị giá 1,8 nghìn tỷ Yên tại Nhật đã trở thành một trong những mảng thu hút đầu tư nhiều nhất trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên hàng loạt những yếu tố kinh tế tác động lại đang làm xói mòn mảng kinh doanh này.
Trong 1 năm trở lại đây, chi phí tổ chức lễ tang ngày càng đắt đỏ do giá nhập khẩu tăng và lạm phát. Chi phí mua sắm quan tài, hoa tươi, băng khô...đều đi lên khi đồng Yên mất giá so với USD.
Hãng Tear Corp, một trong những công ty dịch vụ mai táng có cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán cho biết họ đang làm ăn tốt nhờ mở bán các gói phục vụ giá rẻ, thế nhưng tình hình chung của ngành thì không mấy khả quan.
"Tình hình hiện nay cho thấy số lễ mai táng ngày một tăng do dân số lão hóa, thế nhưng mức giá bình quân mỗi lễ tang lại đi xuống, doanh số bán các dịch vụ đi kèm cũng giảm", báo cáo tài chính của Tear Corp nhận định.
Hãng tư vấn dịch vụ mai táng cho người già Kamakura Shinsho thì cho biết chi tiêu bình quân của người Nhật cho dịch vụ tang lễ trong năm vừa qua chỉ vào khoảng 1,1 triệu Yên, tương đương 7.725 USD, giảm 40% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Mặc dù vậy, con số này cũng đã chiếm đến ¼ tổng mức lương bình quân của người Nhật và còn chưa bao gồm những chi phí dịch vụ như mời thầy tu về làm lễ.
Nếu tại thời điểm trước đại dịch và tính cả những chi phí liên quan khác, bình quân mỗi lễ tang tại Nhật Bản tốn đến 3 triệu Yên, cap gấp 3-4 lần so với những gì người Anh hay Mỹ bỏ ra.
Trả lời phỏng vẫn của Bloomberg, anh Hiroya Shimizu, người đã làm đám tang cho cha mình vào đầu năm 2019 cho biết bản thân được các công ty cho xem sự khác nhau về các gói dịch vụ, nhưng cuối cùng thì số tiền phải trả vẫn khó có thể kiểm soát.
"Việc này không đơn giản như khi bạn đi so sánh sản phẩm trên Amazon. Cuối cùng thì bạn vẫn phải trả mức chi phí theo hóa đơn mà công ty dịch vụ gửi", anh Shimizu, vốn là chủ một khách sạn thừa nhận.
Một số người ủng hộ truyền thống tang lễ đắt đỏ cho rằng đây là cơ hội để kết nối với người thân, bạn bè trong khi những người phản đối cho rằng sự tưởng nhớ trong thâm tâm mới là điều đáng quý nhất.
"Tôi đã từng dự một lễ tang tinh gọn. Chúng tôi chỉ cúi đầu làm lễ và chấm hết. Thế nhưng tôi cho rằng về cơ bản như vậy là đủ", anh Shimizu bày tỏ.
Thay đổi
Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 dù khiến nhiều công ty dịch vụ mai táng ăn nên làm ra nhưng chúng cũng khiến thay đổi quan điểm của người dân Nhật về tổ chức tang lễ. Ngày càng nhiều người muốn tổ chức những buổi lễ nhỏ chỉ bao gồm người thân và điều này cũng phù hợp với khuyến cáo của chính phủ Nhật Bản khi hạn chế tụ tập trong mùa dịch.
"Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tiến trình dịch chuyển từ những buổi lễ đắt đỏ sang các gói dịch vụ mai táng riêng tư và nhỏ gọn", CEO Shinsuke Nakamura của Shisho cho biết.
Thông thường, phần lớn các buổi tang lễ tại Nhật Bản được tổ chức theo kiểu Phật giáo và diễn ra trong vòng 2 ngày. Một buổi lễ nhỏ sẽ được tổ chức trong buổi chiều đầu tiên và lễ tang sẽ chính thức diễn ra vào ngày sau đó. Người đến dự sẽ phải chuẩn bị tiền phúng viếng hoặc quà, nhưng số này không đủ để bù đắp chi phí tổ chức tang lễ, bao gồm cả việc thuê địa điểm, làm thức ăn mời khách...
Ngoài ra, một phần chi phí không thể thiếu là tiền mời các thầy tu đến làm lễ và ban pháp danh cho người đã mất. Hãng tin Bloomberg cho biết thông thường một thầy tu sẽ được trả bình quân 200.000 Yên cho dịch vụ như vậy, nhưng con số này thường có biến động mạnh. Mặc dù không có bảng giá rõ ràng trong gói dịch vụ nhưng tùy vào điều kiện tài chính và tầm quan trọng của người mất mà gia đình sẽ trả nhiều tiền để được thầy tu ban cho những pháp danh thích hợp với người đã mất.
Theo Bloomberg, phần lớn gia đình Nhật Bản thường cảm thấy áp lực với chi phí mai táng nhưng họ buộc phải làm vậy để giữ gìn danh dự của người đã mất. Tuy nhiên theo khảo sát của Hiệp hội AJFDCO trong năm 2022, hơn một nửa số người Nhật được hỏi cảm thấy không hài lòng với những chi phí không minh bạch cho dịch vụ mai táng.
Báo cáo của Trung tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nhật Bản (NCAC) cũng cho thấy họ thường xuyên nhận được báo cáo về tình trạng công ty gây áp lực để các gia đình phải lựa chọn các gói dịch vụ đắt tiền hơn cho mai táng.
Hậu quả tất yếu là kể từ khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều đám táng phải tổ chức nhỏ gọn, xu thế này bất ngờ lan rộng tới tận hậu đại dịch bởi người dân chợt nhận ra họ không cần tốn nhiều tiền chỉ để thể hiện tình cảm với người đã khuất.
Những buổi lễ nhỏ gọn, chỉ mời người thân cận và thậm chí chỉ tổ chức trong vòng 1 ngày so với thông thường, qua đó tiết kiệm chi phí đang ngày càng lan rộng kể từ sau đại dịch. Số liệu của Kamakura Shisho cho thấy trong năm 2021, ½ số lễ mai táng tại Nhật được tổ chức dưới dạng tinh gọn, tức chỉ mời người thân trong gia đình.
"Nếu chỉ mời người thân thì sẽ chẳng có ai phán xét về lễ mai táng cả và những lựa chọn tiết kiệm cho buổi lễ là hoàn toàn chấp nhận được. Trái với những lễ tang long trọng, nơi hàng xóm, đồng nghiệp...có thể phán xét thì lựa chọn gói dịch vụ tiết kiệm có thể ảnh hưởng đến danh dự gia đình", CEO Nakamura nói.
*Nguồn: Bloomberg
Băng Băng