Nghịch lý dự án đẹp, vị trí tốt nhưng bán mãi vẫn ế: Đơn giản chỉ vì người Hà Nội chưa vào mua!

(Tổ Quốc) - Ở đâu có sốt đất, ở đó có nhà đầu tư Hà Nội là câu nói cửa miệng của đội ngũ môi giới bất động sản.

Nhiều năm nay, nhóm nhà đầu tư đến từ Hà Nội gần như phủ sóng khắp các thị trường địa ốc, từ Bắc chí Nam, từ những nơi vốn nổi tiếng về du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cho đến những thị trường mới như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum), Hà Giang, Yên Bái... đâu đâu cũng có sự hiện diện của các nhà đầu tư Hà Nội.

Khảo sát thực tế cho thấy, giai đoạn 2015-2017 các nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng "đánh bắt xa bờ", vào tận các thị trường phía Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Sang giai đoạn 2019 - 2021, một xu hướng khác được chỉ ra, đó là lượng đông đảo nhà đầu tư phía Bắc lại quay về tập trung vào các tỉnh vệ tinh và vùng ven thủ đô.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, sau một thời gian giá cả vùng ven tăng "nóng", có nơi bị đẩy lên gấp 2-3 lần, thậm chí nhiều nơi hạ tầng không tương xứng song giá cả vẫn leo cao "từng ngày", thì xu hướng "đánh bắt xa bờ" của giới đầu tư Hà Nội lại lớn dần trở lại. Những ngày gần đây, các nhà đầu tư Hà Nội đang tỏa ra các thị trường BĐS mới ở vùng núi phía Bắc, dải duyên hải miền Trung hay thậm chí cả khu vực Tây Nguyên để tìm cơ hội đầu tư.

Theo thống kê của một số sàn giao dịch bất động sản, tại thị trường BĐS Quảng Ninh - Thanh Hóa lượng nhà đầu tư Hà Nội gần như chiếm số đông với con số lên đến 80-90%. Xa hơn về phía Đà Nẵng - Nha Trang - Phú Quốc 60-80% mua bất động sản tại đây đến từ Hà Nội.

Giải thích nguyên nhân vì sao nhà đầu tư Hà Nội "tràn ra" khắp các thị trường bất động sản cả nước, các chuyên gia cho biết số lượng nhà đầu tư tay to trên thị trường chủ yếu đến từ Hà Nội và TP.HCM. Trong khi người Sài Gòn có tập quán làm ăn là mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển công ty và doanh nghiệp, họ không chú trọng vào đầu tư đất đai như người Hà Nội thì tâm lý người Hà Nội thích tích lũy, họ ưa chuộng tài sản BĐS nên liên tục mua gom.

"Người Hà Nội có xu thế tích tụ tài sản bằng tiền. Trong bối cảnh giá bất động sản liên tục tăng mạnh như ba năm vừa qua. Nhà đầu tư Hà Nội hiện đang có làn sóng chuyển tiền nhàn rỗi của người dân vào đầu tư bất động sản", TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Cùng nhận định với ông Hiển, ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS cho biết nhà đầu tư đến từ Hà Nội tràn qua thị trường nào sẽ làm khuynh đảo thị trường đó. Đặc biệt, các nhà đầu tư thường hay đi mua theo nhóm và sẵn sàng mua nhiều lô một lúc nếu họ thấy thực sự tiềm năng.

“Tôi còn nhớ, tại thị trường Đà Nẵng hồi năm 2021 có một dự án bất động sản nghỉ dưỡng dù rất đẹp, vị trí tốt nhưng sale bán mãi vẫn kêu ế. Khi đi khảo sát thực tế tôi nhận ra một điều khách Hà Nội họ chưa quay trở lại thị trường vào thì dù có đẩy hàng đến mấy vẫn khó. Một khi mình kéo được khách Hà Nội vào khắc dự án sẽ sôi động”, ông Tuyển nhận định.

Đánh giá về nhà đầu tư Hà Nội, ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản độc lập cho rằng, các nhà đầu tư đến từ Hà Nội luôn luôn đi trước đón đầu làn sóng đầu tư, nguyên nhân là họ năm bắt thông tin nhanh nhạy hơn, lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư ở Hà Nội nhiều hơn.

Trước sức ảnh hưởng của nhà đầu tư đến từ Hà Nội lên thị trường, thời gian gần đây các chủ đầu tư bất động sản đang tăng tốc mời chào khách hàng đến từ phía Bắc. Nhiều chủ đầu tư lớn tại phía Nam như Novaland, Danh Khôi, Hưng Thịnh...cũng đã liên tục công bố các chính sách bán hàng đặc biệt cho khách Hà Nội. Thậm chí, dù không có dự án ở Hà Nội nhưng các doanh nghiệp này vẫn mở văn phòng giao dịch để gom khách mua nhà. Nguồn khách dồi dào cũng thúc đẩy quá trình Bắc tiến của hàng loạt chủ đầu tư như Nam Group, Masterise Group, Him Lam.

Quan sát thực tế thị trường hiện tại cho thấy, sau tết hiện nhà đầu tư Hà Nội đang toả ra các thị trường mới sau khi đất Hà Nội đã tăng nóng gấp đôi, gấp ba trong ba năm vừa qua. Trong đó, hai phân khúc được nhà đầu tư Hà Nội đặc biệt chuộng là đất nền đô thị tỉnh lẻ và các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ở những thị trường mới. Cùng với đó, đất vườn gắn với thổ cư diện tích lớn cũng vẫn là sản phẩm đặc biệt ưa thích của các nhà đầu tư ở thị trường vùng ven đô.

Đánh giá về sự hứng khởi của nhà đầu tư Hà Nội sau thời điểm tết Âm lịch, các chuyên gia cho biết đây sẽ là động lực tăng trưởng tiếp tục thúc đẩy thị trường BĐS tăng trưởng trong năm 2022. “Trong năm nay, bất động sản sẽ tiếp tục là kênh đầu tư ưu thích, nhà đầu tư vẫn sẽ có lời lớn ở các thị trường mới”, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS cho biết.

Lan Nhi

Tin mới