Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau phiên xanh nhẹ, Dow Jones có lúc mất 800 điểm

(Tổ Quốc) - Với cú sập này, Dow Jones đã chính thức thủng mốc 30.000 điểm, tụt xuống mức thấp nhất 1 năm qua.

Theo CNBC, chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm khi các nhà đầu tư lo ngại cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đối với lạm phát sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Có lúc, Dow Jones giảm 810 điểm, tương đương 2,6%. S&P 500 cũng giảm 3,3% trong khi Nasdaq giảm tới 4,1%.

Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch 16/6, Dow Jones thu hẹp mức giảm xuống còn 741,46 điểm, tương đương 2,42%. Nasdaq và S&P 500 không có thay đổi đáng kể so với mức ở trên. Dẫu vậy, mức giảm 3,25% của S&P 500 cũng khiến chỉ số này rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

Chứng khoán châu Âu cũng lâm vào tình cảnh tương tự. DAX của Đức đã giảm 420 điểm, tương đương 3,14%. CAC 40 của Pháp cũng giảm 136,84 điểm, tương đương 2,28%. Euro Stoxx 50 thì giảm 96,57 điểm, tương đương 2,73%.

Cú sập của chứng khoán toàn cầu diễn ra ngay sau khi các chỉ số tăng trở lại vào ngày 15/6, thời điểm FED công bố nâng lãi suất 0,75%, mức chưa từng có kể từ năm 1994 tới nay.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau phiên xanh nhẹ, Dow Jones có lúc mất 800 điểm - Ảnh 1.

Dow Jones thủng 30.000 điểm.

Ở thời điểm hiện tại, cả S&P 500 và Nasdaq đều đã rơi vào lãnh thổ của thị trường gấu với mức giảm hơn 20% kể từ đỉnh. Cụ thể, S&P 500 đã giảm 23% so với đỉnh còn Nasdaq là 34%. Riêng Dow Jones vẫn đang giảm khoảng 19% so với đỉnh hôm 5/1.

"Đã đến lúc chúng ta phải thoát khỏi thế giới nhân tạo với những đợt bơm thanh khoản khổng lồ hoàn toàn nằm trong dự đoán, nơi mọi người đã quen với lãi suất bằng 0", chuyên gia cố vấn trưởng Mohamed El-Erian của Allianz cho biết.

Với mức giảm hiện tại, Dow Jones lần đầu tụt xuống dưới 30.000 điểm kể từ ngày 4/1/2021. Những đợt kích thích của FED đã giúp thị trường phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19. Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu xu hướng này và đẩy mọi chỉ số lên mức cao kỷ lục.

Dù 30.000 điểm không phải ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật của Dow Jones nhưng nhiều người tin rằng mức này chính dấu mốc tâm lý quan trọng của thị trường.

Trong khi đó, dữ liệu được công bố hôm 16/6 tiếp tục cho thấy sự chậm lại đáng kể trong hoạt động kinh tế của Mỹ. Giá nhà ở bắt đầu giảm 14% trong tháng 5, vượt xa mức 2,6% mà các nhà kinh tế dự đoán.

Home Depot, Intel, Walgreens, JPMorgan, 3M và American Express đều đã chạm mức thấp nhất 52 tuần trong bối cảnh lo ngại suy thoái ngày càng gia tăng. Tesla, PayPal, Nvidia, Amazon và Netflix đều giảm hơn 3%. Các cổ phiếu du lịch bao gồm United, Delta và Carnival cũng giảm nhẹ.

Tuy nhiên, các cổ phiếu chủ lực, được biết đến với dòng tiền ổn định và có thể đứng vững trước suy thoái, được giao dịch ở giá tham chiếu hoặc xanh nhẹ. Procter & Gamble tăng 1,6%. Colgate-Palmolive và Walmart tăng nhẹ.

Trái với tâm lý hy vọng khi FED công bố tăng lãi suất 0,75% để kiềm chế lạm phát, các nhà đầu tư đã tiêu cực trở lại khi một loạt các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thực thi các chính sách tiền tệ tiêu cực hơn. Chính điều này khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu FED có tăng lãi suất một cách quá nhẹ nhàng hay không.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Tin mới