Nữ phó giám đốc điều dưỡng người Việt đầu tiên tại Bệnh viện FV

Chị Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Điều dưỡng người Việt đầu tiên của Bệnh viện FV đã có gần 20 năm làm việc tại đây và 30 năm gắn bó với nghề điều dưỡng. Chị luôn trăn trở tìm ra cách để cải thiện tốt hơn cho công việc mỗi ngày, cho quy trình và cho đội ngũ nhân viên của mình.

Vào top 5 sinh viên khoa điều dưỡng có điểm tốt nghiệp cao nhất khóa, ra trường năm 1995, chị Hiền được chọn làm việc tại một bệnh viện công ở TP.HCM. Song có lẽ bước ngoặt lớn nhất đến với chị Hiền bắt đầu từ năm 2003, khi bén duyên cùng Bệnh viện FV.

Biến thách thức thành cơ hội phát triển sự nghiệp

Khi bước chân vào đây, chị Hiền nhận ra rằng sự chênh lệch về trình độ giữa một điều dưỡng viên được đào tạo trong nước và yêu cầu khác biệt ở môi trường quốc tế như FV là thách thức lớn. Song đó cũng là cơ hội cho bước phát triển nghề nghiệp của một điều dưỡng viên ham học hỏi như chị.

Khi tham gia các khóa đào tạo chuyên môn tại FV, chị hiểu rằng ngoài giỏi kỹ năng hành nghề, người điều dưỡng cần phải xem mình như một chuyên gia tâm lý, cần nạp đủ năng lượng lạc quan cho bản thân, từ đó mới truyền cảm hứng tích cực đến người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Người truyền năng lượng lạc quan đến bệnh nhân

Trong suốt 20 năm làm việc tại đây, chị Hiền đã trải qua nhiều khoảnh khắc khó quên với những bệnh nhân mình chăm sóc. Trong đó, có kỷ niệm với một nữ bệnh nhân mà chị gặp từ lúc cô chưa biết bệnh, xinh đẹp và đầy sức sống, đến khi nhận kết quả ung thư, rồi hóa xạ trị, phẫu thuật, di căn và tái phát. Bệnh nhân đã giấu gia đình và âm thầm một mình về Việt Nam điều trị với những nỗi sợ và phải chịu những cơn đau bất thường, khiến phải nhiều lần bật khóc nức nở.

Nữ phó giám đốc điều dưỡng người Việt đầu tiên tại Bệnh viện FV - Ảnh 1.

Chị Hiền luôn sát cánh cùng bệnh nhân (Ảnh FV)

Nhiều lúc bệnh nhân không chịu dùng thuốc, không ăn uống, bỏ mặc bản thân tiều tuỵ. Là một điều dưỡng cận kề bệnh nhân, chị Hiền xem người bệnh như người thân, người bạn tâm giao; dành thời gian tâm sự, trò chuyện, làm điểm tựa cho cô ấy. Sau nhiều lần được chị Hiền khuyên nhủ, bệnh nhân đã chịu gặp lại chồng và người thân. Bỏ qua mặc cảm vì một bên ngực phải cắt bỏ, mái tóc dài ngày nào đã không còn, bệnh nhân dần vui vẻ hòa nhập lại cuộc sống.

Gắn bó với nghề suốt 30 ăm, chị Hiền tâm niệm dù người bệnh có đứng trước cửa tử, điều dưỡng phải luôn truyền được năng lượng lạc quan, giúp bệnh nhân gạt bỏ cảm giác lo lắng, bình tĩnh đón nhận cuộc sống phía trước. Với chị Hiền, những việc làm như: nhắc nhở giờ uống thuốc, đút từng muỗng cháo, thay quần áo, cắt móng tay, chải tóc gọn gàng cho người bệnh... dù nhỏ nhưng cần thiết, giúp bệnh nhân ấm lòng hơn vì cảm nhận được sự quan tâm ấm áp.

Nguồn cảm hứng để đồng nghiệp nỗ lực làm nghề

Nhắc về đồng nghiệp hơn 20 năm của mình tại FV, nữ điều dưỡng Phạm Thị Thanh cho biết: "Dù đã là quản lý, chị Hiền vẫn dành phần lớn thời gian để thăm hỏi bệnh nhân. Không chỉ theo sát hỗ trợ, chị còn là chỗ dựa, là nguồn cảm hứng để đồng nghiệp nỗ lực làm nghề".

Nữ phó giám đốc điều dưỡng người Việt đầu tiên tại Bệnh viện FV - Ảnh 2.

Chị Hiền trong một buổi đào tạo các điều dưỡng trẻ tại FV (Ảnh FV)

Còn bà Lee Poh Lian, Giám đốc Điều dưỡng, quản lý của chị Hiền chia sẻ: "Chị Hiền đã trải qua rất nhiều dự án, hoạt động tại bệnh viện và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19, nguy cơ đe dọa tính mạng rất cao, chị Hiền đã túc trực chăm sóc, trấn an tâm lý, giúp bệnh nhân ung thư cùng các đồng nghiệp lạc quan vượt qua Covid-19".

Gần 3 thập kỷ gắn bó với nghề, trên cương vị mới của mình là Phó giám đốc Điều dưỡng, chị Hiền đã đồng hành cùng đội ngũ quản lý xây dựng quy trình làm việc chuẩn mực, đào tạo chuyên sâu kỹ thuật quản lý giường bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện này.

Nữ phó giám đốc điều dưỡng người Việt đầu tiên tại Bệnh viện FV - Ảnh 3.

Không chỉ là bạn tâm giao của bệnh nhân, chị Hiền còn là đàn chị luôn theo sát hỗ trợ các điều dưỡng khác tại bệnh viện

Nghiêm khắc nhưng linh hoạt trong xử lý tình huống, khả năng thuyết phục trong quản lý giúp chị trở thành người kết nối đội ngũ mỗi khi có căng thẳng xảy ra trong ca trực. Chị nhận được nhiều tình cảm và sự tôn trọng đặc biệt của đồng nghiệp bởi thái độ làm việc chuyên nghiệp, tận tụy, luôn cố gắng tìm ra cách để cải thiện mỗi ngày.

"Niềm vui của bệnh nhân khi khỏi bệnh, cái nắm tay cảm ơn của người nhà bệnh nhân; niềm hạnh phúc vỡ òa của đội trực khi cấp cứu bệnh nhân thành công, sự tin tưởng, khích lệ của lãnh đạo bệnh viện… là động lực to lớn để tôi và đồng đội nỗ lực mang đến những điều tốt đẹp nhất có thể cho bệnh nhân và hoàn thành tốt vai trò của mình", chị Hiền xúc động nói.

Tin mới