(Tổ Quốc) - Phú Long và VietJet cùng nằm trong hệ sinh thái của Sovico - tập đoàn mà nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giữ cương vị đại diện pháp luật. Doanh nghiệp bất động sản 17 năm tuổi này đang rút ra xa các thành phố trung tâm như Hà Nội và TPHCM do giá đất ngày một đắt đỏ, hiện tập trung phát triển dự án tại các tỉnh miền Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh.
"Chúng tôi muốn phát triển một hệ sinh thái tổng thể để mọi người sinh sống, di chuyển, không chỉ đạt được thịnh vượng về mặt kinh tế mà ở cả phong cách sống", ông Richard Leech, Phó Tổng Giám đốc Phú Long Corporation chia sẻ tại Diễn đàn "Bất động sản TheLEADER 2022: Những vùng đất tiềm năng" mới đây.
Phú Long là một thành viên của tập đoàn Sovico, với hệ sinh thái gồm ngân hàng HD Bank và hãng hàng không VietJet. Sếp doanh nghiệp địa ốc Phú Long khẳng định: Không phải đầu cơ bất động sản, phát triển một hệ sinh thái đáng sống mới là điều doanh nghiệp mong muốn.
"Thị trường có sự trầm lắng trong mấy năm vừa qua. Chúng tôi đã không nghĩ rằng thị trường lại trầm lắng đến vậy. Tuy nhiên, trong những năm vừa rồi chúng tôi đã có sự chuẩn bị, tích lũy, để phát triển đầu tư trong tương lai", ông Richard cho biết.
Bên cạnh việc đầu tư vào những thành phố trung tâm như Hà Nội, TPHCM, do giá đất ngày một đắt đỏ, ông Richard cho biết Phú Long đang rút xa hơn ra các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh…
"Chúng tôi quan tâm tới quy hoạch tổng thể, mong muốn phát triển những dự án có diện tích rộng lớn. Và thay vì chỉ quan tâm đến một số sản phẩm đơn nhất, chúng tôi quan tâm đến nhiều loại hình sản phẩm khác nhau", Phó Tổng Giám đốc Phú Long nói.
Phú Long đang phát triển khu đô thị mang tính chất cộng đồng dưới thương hiệu Mailand, hướng tới tính đáng sống (Livable) – một khu đại đô thị tích hợp với đầy đủ tiện ích với cơ sở giáo dục, bệnh viện, môi trường. "Chúng tôi có thể liên hệ với các đơn vị khác trong hệ sinh thái như VietJet để đưa cư dân tới các khu resort... để tạo điều kiện cho một cuộc sống chất lượng tốt hơn", ông Richard nói.
Bên cạnh tính đáng sống (Livable), tính sáng tạo (Creativity), văn hóa bản địa của điểm đến (Destination), tính bền vững (Sustainable), tính kết nối (Connected) cũng là những yếu tố nhà phát triển bất động sán này quan tâm. "Đầu cơ bất động sản không phải là hoạt động mà chúng tôi muốn muốn hướng đến", ông Richard nhấn mạnh.
Sự hình thành các đô thị và đại đô thị tại các khu vực vùng ven đang trở thành xu hướng đầu tư bất động sản trong nửa cuối năm 2022 và 3 năm tới, theo bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam. Đại đô thị, theo định nghĩa của CBRE, là các khu đô thị có quy mô từ 70 ha trở lên.
"Hiện tại Hà Nội đang đi trước TPHCM khi phát triển rất nhiều đại đô thị nằm ngoài trung tâm. Việc Hà Nội đi trước đến từ khả năng kết nối rất tốt các khu vực vùng ven với trung tâm thành phố. Chẳng hạn, việc triển khai hạ tầng đã giúp thời gian di chuyển từ trung tâm Hà Nội tới Hưng Yên giảm từ hơn 1 tiếng xuống chỉ còn 30 – 45 phút", bà Dung cho biết.
Tại TPHCM, xu hướng này mới nổi lên thời gian gần đây. Tuy nhiên, do hiện tại mới chỉ 2 đường hoàn thiện là cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TPHCM – Trung Lương nên các dự án mới tập trung ở 2 đường vành đai này. Trong tương lai, xu thế sẽ mở rộng sang khu vực Đồng Nai, Long An.
Bình An