Thay đổi tư duy đầu tư trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh còn cao

(Tổ Quốc) - Thị trường chứng khoán toàn cầu lạc quan hơn khi kết quả vắc xin Covid-19 đã khả quan hơn cho thấy rủi ro thị trường cổ phiếu cũng đã có dấu hiệu giảm dần.

Dòng tiền toàn cầu cũng có dấu hiệu rời bỏ các kênh tài sản an toàn như vàng, trái phiếu và sang thị trường cổ phiếu, đặc biệt là những cổ phiếu có tính chu kỳ cao như nhóm hàng không, bán lẻ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Đồng thời, dòng tiền cũng có dấu hiệu quay trở lại nhóm thị trường mới nổi và thị trường cận biên khi mức định giá ở các thị trường phát triển khá cao, cụ thể là thị trường chứng khoán Mỹ do nhóm cổ phiếu ngành công nghệ tăng mạnh với mức tăng hơn 57% trên chỉ số Nasdaq.

Mặt bằng lãi suất thấp và chính sách bơm tiền của Fed có thể sẽ duy trì sang năm 2021, điều này sẽ là động lực tăng trưởng cho các thị trường chứng khoán tại khu vực mới nổi và cận biên. Đồng thời, tình hình kiểm soát dịch bệnh tại châu Á có thể sẽ là yếu tố thúc đẩy nhanh chóng tăng trưởng của nền kinh sau dịch Covid-19. Ngoài ra, với việc chủ động đưa ra sáng kiến về các hiệp định thương mại cho thấy các quốc tại khu vực châu Á đang đưa ra nhiều biện pháp thích ứng với hoàn cảnh hiện tại và chuẩn bị tốt cho giai đoạn tăng trưởng mạnh sau dịch Covid-19.

Việt Nam được đánh giá tích cực trong bối cảnh áp lực rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài thấp nhất trong khu vực và duy trì mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Đồng thời, Việt Nam cũng hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển FDI, điểm cộng cho việc thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2021. Chỉ số PMI và tăng trưởng tín dụng hồi phục trở lại trong quý 3/2020 cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định trở lại sau giai đoạn, điều này đã hỗ trợ đáng kể cho đà tăng của thị trường chứng khoán trong thời gian qua. Ngoài ra, lãi suất duy trì ở mức thấp cũng khiến dòng tiền tìm đến kênh đầu tư chứng khoán nhiều hơn, số lượng tài khoản mở mới tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm 2020.

Chỉ số VN-Index vượt mức kháng cự quan trọng 970 điểm và thanh khoản duy trì ở mức cao, điểm nổi bật là dòng tiền lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu và rủi ro vẫn ở mức thấp. Đồng thời, nhiều nhóm cổ phiếu cũng đã có kết quả kinh doanh hồi phục mạnh trong quý 3/2020, nhất là nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Theo đó, nhóm Ngân hàng đang đóng vai trò dẫn dắt đà tăng của thj trường với sự hồi phục về kết quả kinh doanh quý 3/2020 và tăng trưởng tín dụng khả quan hơn so với hai quý đầu năm 2020. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là tỷ lệ nợ xấu nhiều khả năng sẽ tăng mạnh sau khi Thông tư 01 không còn hiệu lực và kéo theo đó chi phí dự phòng ở nhóm Ngân hàng có thể sẽ tăng mạnh, nhưng các khoản lợi nhuận bất thường từ Bancassurance có thể bù đắp thiệt hại đến từ nợ xấu trong giai đoạn tới.

Nhóm nhà đầu tư F0 đẩy mạnh tham gia vào thị trường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, rủi ro dịch bệnh Covid-19 có thể vẫn còn cao và sẽ còn tác động đến tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong trung hạn cho nên mặt bằng định giá của các cổ phiếu vẫn sẽ ở mức cao. Vì vậy, các nhà đầu tư cũng cần phải thay đổi chiến lược đầu tư của mình cho phù hợp trong bối cảnh mặt bằng định giá cao cho nên yếu tố tăng trưởng là yếu tố đo lường quan trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu ở giai đoạn này.

Hệ thống YSRadar của công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu theo tiêu chí tăng trưởng cả về cơ bản và biến động giá bằng các mô hình định lượng, đặc biệt hệ thống còn giúp các nhà đầu tư dễ dàng định vị thời điểm mua vào và bán ra cổ phiếu với mức mục tiêu kỳ vọng ngắn hạn và tỷ trọng giải ngân phù hợp. Ngoài ra, YSRadar còn cung cấp các thông tin về giao dịch của khối ngoại, các nhà đầu tư có thể dễ dàng theo dõi xu hướng mua/bán của khối ngoại trên thị trường, cổ phiếu hoặc nhóm cổ phiếu.

Ánh Dương

Tin mới