(Tổ Quốc) - Giá khí đốt bán buôn tại Châu Âu tăng vọt 20% sau khi Ba Lan và Bulgaria thông báo Nga cắt nguồn cung khí đốt cho họ.
Tại trung tâm TTF của Hà Lan, khí đốt kỳ hạn tháng 5/2022 và giao quý 3/2022 trong phiên giao dịch buổi sáng 27/4 tăng 22,52 euro lên 115,75 euro/MWh, sau đó hạ nhiệt chút ít vào cuối phiên, kết thúc ở mức 108,75 euro, vẫn cao hơn 10,55 euro so với phiên liền trước.
Tương tự, giá khí đốt kỳ hạn tháng 5 tại Anh tăng vọt thêm 12 pence lên 160 pence/therm, trước khi hạ nhiệt để kết thúc phiên vẫn tăng 6 pence lên 170 pence/therm.
Trong phiên liền trước (26/4), giá khí đốt tại châu Âu đã tăng khoảng 5% sau khi Nga thông báo sắp dừng cung cấp cho những khách hàng không thanh toán bằng tiền rúp.
Nhà sản xuất năng lượng Nga Gazprom cho biết họ đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan vì hai nước này không trả tiền khí đốt bằng đồng rúp. Đây là phản ứng cứng rắn nhất của Điện Kremlin trước các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt.
Dòng khí đốt hướng Đông của Nga qua đường ống Yamal-Europe từ Đức đến Ba Lan đã tăng đáng kể vào thứ Tư (27/4), trong khi khí đốt của Nga tiếp tục chảy trên các tuyến đường quan trọng qua Biển Baltic và Ukraine.
James Waddell, trưởng bộ phận Khí đốt thị trường châu Âu thuộc Energy Aspects, nói với Reuters: "Trong thời gian qua, thị trường nhìn chung đã loại bỏ rủi ro về sự gián đoạn nguồn cung của Nga. Đó là lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến sự tăng vọt ngày hôm nay. Các nhà phân tích dự báo Ba Lan sẽ tăng cường nhập khẩu LNG từ khắp châu Âu.
Để thu hút nhiều LNG hơn tới khu vực chấu Âu, giá khí đốt trên thị trường lục địa già đã duy trì ở mức cao hơn giá LNG giao ngay tại châu Á trong một khoảng thời gian, trái với thông lệ là giá ở châu Á cao hơn ở châu Âu.
Các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs cho biết việc ngừng dòng chảy khí đốt Nga đến Ba Lan và Bulgaria sẽ chỉ có tác động khiêm tốn đối với sự cân bằng cung cầu ở châu Âu".
Tuy nhiên, thị trường đang biến động mạnh, giá không chỉ tăng mà có lúc hạ nhiệt vì lo ngại các quốc gia khác bị ảnh hưởng tương tự hơn là thiệt hại thực tế đối với Ba Lan và Bulgaria".
Động thái của Nga gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đặc biệt tới Đức, một cường quốc công nghiệp của Châu Âu vốn phụ thuộc tới hơn 50% vào khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm 2020.
Dòng chảy của Nga đến Ba Lan thông qua đường ống Yamal từ đầu tháng 4/2022 đến nay đã đạt trung bình 20 triệu mét khối mỗi ngày và có thể được bù đắp vào mùa hè này với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhiều lên và lượng dự trữ dồi dào, trong khi lượng tiêu thụ khí đốt của Bulgaria rất hạn chế, vào khoảng 3 tỷ mét khối mỗi năm, họ nói thêm.
Tuy nhiên, cũng có nguy cơ nguồn cung cấp cho các quốc gia khác có thể bị cắt giảm và châu Âu sẽ trở nên rất lúng túng hoặc không thể thay thế toàn bộ khí đốt của Nga, các nhà phân tích thuộc ngân hàng DNB của Na Uy cho biết. "Ít nhất là trong ngắn hạn, những khối lượng rất lớn LNG trên thị trường giao ngay của những khách hàng khác sẽ bị hút về Ba Lan và Bulgarie, và điều đó chắc chắn sẽ đẩy giá tăng lên", họ nói thêm.
Châu Âu đã nhận được một lượng LNG kỷ lục trong những tháng gần đây để bù đắp cho việc nguồn cung khí đốt của Nga bị mất từ cuối năm ngoái, và lượng nhập khẩu dầu vẫn tăng mạnh.
Ảnh hưởng tới các khu vực khác
Giá LNG tại Mỹ cũng tăng vọt 6% do kỳ vọng xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ duy trì ở gần mức cao kỷ lục trong nhiều tháng tới sau khi Nga ngừng xuất khẩu sang Ba Lan và Bulgaria, trong bối cảnh nhu cầu khí đốt tại Mỹ trong 2 tuần tới dự báo sẽ tăng nhiều hơn dự kiến, và sản lượng khí của Mỹ tiếp tục giảm bởi đợt lạnh cuối mùa làm đóng băng các giếng dầu và khí ở Bắc Dakota.
Theo đó, giá LNG kỳ hạn tháng 5 tại Mỹ kết thúc phiên vừa qua tăng 41,7 US cent, tương đương 6,1%, đạt 7,267 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 18/4 (khi giá đạt mức cao nhất 13 năm, là 7,82 USD). Hợp đồng kỳ hạn tháng 6 cũng tăng khoảng 5% lên 7,34 USD/mmBtu.
Giá LNG của Mỹ trong tuần qua.
Trong năm nay, giá khí đốt tại Mỹ đã tăng khoảng 95% do giá tăng trên toàn cầu, và xuất khẩu khí của nước này luôn duy trì gần sất mức cao kỷ lục kể từ khi Nga thực hiện "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine, hôm 24/2.
Tương tự, tại Châu Á, giá LNG giao ngay tăng 16% trong phiên vừa qua, với giá khí giao tới Nhật Bản và Hàn Quốc do Platts công bố (JKM - Japan-Korea-Marker, tham chiếu cho thị trường khu vực châu Á) vọt lên 26,20 USD/mmBtu, từ mức 22,599 USD của phiên liền trước.
Theo tính toán của Reuters, giá trung bình đối với LNG kỳ hạn giao tháng 6 tại Đông Bắc Á là 25,4 USD/mmBtu.
Tham khảo: Refinitiv
Vân Chi