(Tổ Quốc) - Không ít nhà đầu tư tay ngang đã vay mượn lao vào cơn “sốt đất” để rồi mắc cạn. Chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng bởi nhiều tác động nhưng chỉ trong ngắn hạn.
Từ những tháng đầu năm 2021, cơn "sốt đất" đổ bộ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước thị trường bất động sản được dịp trở nên sôi động. Theo đó nhiều nhà đầu tư mới, non kinh nghiệm cũng ôm tiền chạy theo cơn sốt, với lòng tin có thể kiếm tiền từ bất động sản.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhận định trong các cơn sốt đất chỉ có đầu cơ và số ít người may mắn là thắng cuộc. Khi cơn sốt đất “nguội”, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, huy động vốn khắp nơi phải ngậm trái đắng, đất không bán được, thậm chí phải cắt lỗ.
Đơn cử, chị Nguyễn Xuân (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đầu tháng 3 khi thông tin sốt đất vẫn ngập tràn khắp các trang mạng internet. Hơn nữa, vì tin vào những lời có cánh, cùng khẳng định chắc nịch của môi giới: "Em chắc chắn mảnh đất này chỉ 2 tuần sau có khi chị lãi cả trăm triệu đồng, em sẽ lo tìm khách hàng mua cho chị".
Theo đó, vì không có nhiều kinh nghiệm với thị trường bất động sản, chị Xuân đã không ngần ngại xuống tiền mua mảnh đất tại Bắc Giang, rộng gần 100m2, với giá 2,5 tỷ đồng, trong đó có 1,5 tỷ đồng là chị Xuân vay mượn.
"Thông tin sốt đất tràn làn, tôi cũng hy vọng kiếm được lời từ việc đầu tư đất. Một thời gian ngắn sau, tôi liên hệ môi giới thì nhận được câu trả lời, thị trường đang tạm chững lại nên không tìm được khách mua. Đến nay, mảnh đất của tôi vẫn chưa thể bán, nên vẫn ôm cả đống nợ", chị Xuân nói.
Tương tự, anh Phú Hưng, nhà đầu tư tay ngang tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, khoảng tháng 2 vừa qua, thấy nhiều khu vực giá đất vẫn liên tục tăng mạnh, sợ mất cơ hội “đổi đời”, nên trong tay đang có 1,5 tỷ đồng, anh Hưng đã lùng sục nhiều nơi để tìm đất.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, anh Hưng quyết định mua mảnh đất rộng 87m2 tại Thanh Oai (Hà Nội) với mức giá 3 tỷ đồng, tương đương 34,4 triệu đồng/m2. “Do khi xuống tiền thị trường bất động sản vẫn nóng và tin lời môi giới, thời gian này lướt sóng vẫn kiếm được tiền chênh, nên tôi không ngần ngại vay 50% giá trị mảnh đất”, anh Hưng nói.
Tuy nhiên, đến nay, do cần tiền nên anh Hưng rao bán nhưng vẫn không có người mua. “Tôi đã liên hệ nhiều môi giới, thương lượng với họ sẽ chấp nhận trả phí hoa hồng cao nhưng vẫn không có khách mua. Bây giờ nếu bán nhanh có khi phải cắt lỗ nhưng mới mua mà lỗ cả trăm triệu đồng thì tiếc, trong khi nợ vẫn còn đó”, nhà đầu tư này nói.
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh chia sẻ, đầu tư khi “sốt” đất thì chỉ có khoảng 20% là nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn, còn lại 80% là các nhà đầu cơ với mong muốn thu được biên độ lợi nhuận tốt trong thời gian ngắn, hoặc thậm chí là lướt sóng từ lúc thị trường bắt đầu lên đến lúc chạm đỉnh. Xu hướng “lướt sóng” khi thị trường bất động sản nóng hổi hay bắt đáy để chờ thời cơ chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thành thạo thị trường. Các nhà đầu tư “chết” vì sốt đất thường là những người mới, đầu tư chạy theo đám đông, nắm thông tin chậm hoặc ít kiến thức và non kinh nghiệm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay có nhiều khu vực thiết lập mặt bằng giá mới rất cao do yếu tố đầu cơ, gây tác hại rất lớn đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, khiến giấc mơ sở hữu nhà của những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị ngày càng xa vời.
Đồng thời, Chủ tịch HoREA cho rằng mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là tình trạng lệch pha cung cầu. Bởi thị trường đang rất thiếu nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp nhưng lại dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ nghỉ dưỡng.
Do đó, nhận định về sự biến động của thị trường trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, khi nguồn vốn chảy vào bất động sản bị co hẹp, các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản sẽ phải tập trung vào dự án có khả thi, không còn đầu tư dàn trải, thì thị trường bất động sản chắc chắn sẽ hạ nhiệt…
Dưới một góc nhìn khác, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội phân tích, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, đà tăng giá bất động sản được dự báo sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang cùng với nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều thị trường.
Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên thường vụ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) phụ trách Đông Nam bộ nhận định, đất nền tiếp tục là xu hướng đầu tư chủ đạo trong vòng 3 - 5 năm tới là bởi "thời gian sản xuất" của đất nền phân lô chính quy tỷ lệ 1/500, đất phân lô của người dân ngắn, nên tỷ suất lợi nhuận mà nhà đầu tư thu về cao hơn hẳn so với các phân khúc khác như chung cư và bất động sản nghỉ dưỡng.
Thanh Phong