Tin vui cho người ăn chay: thêm một công nghệ sản xuất thịt nhân tạo!

(Tổ Quốc) - Thay vì lên men đường thành rượu, người ta lên men đường thành protein.
Tin vui cho người ăn chay: thêm một công nghệ sản xuất thịt nhân tạo! - Ảnh 1.

Sản xuất thịt nhân tạo nhờ lên men là một phương pháp mới chớm nở ở San Francisco, Mỹ và các vùng lân cận. Nếu như nhà máy bia dùng men để biến đường thành rượu bia, thì ở đây người ta dùng men để biến đường thành protein.

Công nghệ ‘xịn’, thành phần ‘sạch’

Một trong số đó là công ty Every Company, được các nhà đầu tư Singapore rót vốn tới 233 triệu USD, chuyên sản xuất lòng trắng trứng nhân tạo và thực phẩm bổ sung protein. Điều đặc biệt là công ty này còn ứng dụng cả công nghệ di truyền vào quy trình lên men. Họ in 3D các chuỗi DNA mã hóa các loại protein mà con người đã khám phá ra và nuôi men bằng loại đường có chứa các ‘bản in’ này. Khi men ăn đường, thực chất chúng đang ‘đọc’ mã gene để rồi ‘in rập khuôn’ ra các loại protein đã được cấy ghép trước đó. Công ty này cho biết, lòng trắng trứng họ sản xuất ra ‘không khác gì lấy từ trứng gà thật cả’.

Tin vui cho người ăn chay: thêm một công nghệ sản xuất thịt nhân tạo! - Ảnh 2.

Một start-up khác mang tên Prime Roots thu hút được 18,5 triệu USD vốn đầu tư, cũng đi theo hướng tận dụng nấm men để sản xuất ra các món khoái khẩu của người Mỹ như thịt xông khói, xúc xích Ý hay gà tây. Ý tưởng này có vẻ điên rồ nhưng trung bình, mỗi người Mỹ tiêu thụ hai trăm chiếc bánh kẹp thịt mỗi năm, nhiều không khác gì món ăn hàng ngày nên tiềm năng sẽ là rất lớn. Các loại thịt nguội thông thường có chứa đủ thành phần, nào là nitrat, hormone, thuốc kháng sinh, muối, vân vân. Prime Roots cho biết, danh mục thành phần trong thịt nhân tạo của họ thì rất ngắn gọn và sạch sẽ. Thứ protein họ làm ra đến từ nấm koji, một loại nấm có các thể mảnh nhỏ như sợi filament. Nhờ đó, nó có thể tái tạo kết cấu của thịt ở mức độ siêu nhỏ. Sau khi chất lỏng tiết ra từ quá trình lên men đường được rút đi, người ta sẽ khởi động máy trộn, để rồi tẩm gia vị, ép, nướng và đầu ra là các khối thịt nguội chắc chắn đủ mọi hình thức và hương vị khác nhau.

Có gì hơn so với thịt chay từ thực vật?

Tin vui cho người ăn chay: thêm một công nghệ sản xuất thịt nhân tạo! - Ảnh 3.

Nếu so sánh với các sản phẩm thịt chay có nguồn gốc từ thực vật thì sao? Sản xuất thịt nhờ lên men được đánh giá là ‘sạch’ vì danh mục thành phần ngắn gọn, trong khi thịt chay từ thực vật có thể chứa từ mười hai đến mười lăm thành phần.

Chi phí và thời gian sản xuất cũng là một lợi thế lớn của phương pháp lên men. Các nhà sản xuất thịt từ thực vật đang phải vật lộn để nâng cao sản lượng đầu ra sao cho vừa khả thi lại vừa phù hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý thực phẩm. Phần lớn thịt từ thực vật có thành phần từ bột và ngũ cốc, nhiều loại trong số đó đã tăng giá và thường đòi hỏi các thiết bị phức tạp, đắt tiền để làm cho giống như thịt ‘thật’. Còn phương pháp lên men thì chỉ cần dung dịch đường cơ bản để nuôi cấy từ các dụng cụ thông thường. Công ty Every Company chia sẻ, ‘mẹo’ của họ là hợp tác với các công ty lớn lâu đời như nhà sản xuất bia AB InBev ở Bỉ để tận dụng ngay lập tức các cơ sở và thiết bị lên men sẵn có của đối tác. Do đó, công ty này có rất nhiều lựa chọn và có thể mở rộng quy mô rất nhanh.

Giải pháp tiềm năng trong biến đổi khí hậu

Tuy có hương vị không kém gì thịt động vật, ngành công nghiệp thịt nhân tạo vẫn gặp khó khăn khi thuyết phục người tiêu dùng thay đổi. Tại Mỹ, thịt động vật vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Theo tờ Financial Times, năm 2021, ước tính giá trị thị trường thịt toàn cầu là 1,8 nghìn tỉ USD, trong khi thịt nhân tạo chỉ đạt tới 9,9 tỉ USD. Nhưng điều đó sẽ còn thay đổi vì khi gánh nặng của biến đổi khí hậu ngày một tăng lên, người ta bắt đầu đặt dấu chấm hỏi cho ngành chăn nuôi vốn có lượng phát thải cao, còn các lĩnh vực mới nổi như sản xuất thịt nhờ lên men lại trở thành tâm điểm chú ý.

Tham khảo từ: Financial Times

Thùy An

Tin mới