Tự doanh “thắng lớn” trong quý 2/2020, Chứng khoán IB báo lãi ròng tăng 610% lên 71 tỷ đồng

(Tổ Quốc) - Chứng khoán IB vừa công bố BCTC quý 2/2020 với lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ hoạt động tự doanh (lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL)) ghi nhận kết quả khả quan.

Chi tiết, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng đột biến từ mức 49,4 tỷ lên gần 147,6 tỷ đồng, tức tăng 200% với phần lớn đến từ chênh lệch tăng đánh giá lại danh mục. Các mảng khác gồm tư vấn tài chính cũng tăng lên 980 triệu, môi giới chứng khoán đạt hơn 6 tỷ đồng.

Cùng với đó, lãi từ bán FVTPL ghi nhận hơn 19 tỷ, cổ tức/tiền lãi phát sinh đạt gần 25 tỷ đồng. Khoản mục lưu ký chứng khoán trong kỳ ghi nhận 610 triệu đồng, lãi từ cho vay và phải thu đạt hơn 10 tỷ.

Tổng, doanh thu hoạt động trong quý 2/2020 đạt hơn 167 tỷ đồng, tăng hơn 151% so với con số 66,6 tỷ cùng kỳ năm 2019. Khấu trừ các chi phí, Chứng khoán IB đạt gần 88,5 tỷ LNTT trong quý 2/2020, tương ứng LNST đạt 71 tỷ đồng - cao gấp 7 lần so với quý 2/2019.

Luỹ kế nửa đầu năm, Chứng khoán IB đạt tổng doanh thu hoạt động gần 262 tỷ đồng, tăng 30% so với con số thực hiện hồi nửa đầu năm ngoái, đà tăng chủ yếu đến từ chênh lệch tăng đánh giá lại danh mục tự doanh. Như vậy 6 tháng Công ty đã thực hiện được khoảng 58% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm 2020.

Tính đến thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản Chứng khoán IB ghi nhận 1.776 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn đạt 1.737 tỷ (chiếm phần lớn là tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ FVTPL với hơn 1.178 tỷ đồng), tài sản dài hạn vào mức 39 tỷ. Công ty hiện có hơn 309 tỷ nợ phải trả, chủ yếu nằm tại khoản trái phiếu dài hạn 200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu Công ty hiện ở mức 1.467 tỷ đồng.

Được biết, không riêng Chứng khoán IB, kết thúc quý 2/2020 nhiều công ty chứng khoán ghi nhận kết quả khả quan nhờ tự doanh. Trong đó, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm trong quý 1. Tuy nhiên, bước sang quý 2/2020 tình hình hoàn toàn ngược lại, tính đến cuối tháng 6/2020, chỉ số VN-Index tăng trên 25% so với mức đáy của thị trường vào cuối tháng 3/2020, thanh khoản bình quân trên 3 sàn tăng mạnh.

Theo giới quan sát, việc giá cổ phiếu về mức thấp đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư mới hay còn gọi là "nhà đầu tư F0" bắt đáy thị trường. Đây được đánh giá là dòng tiền đầu tư thông minh, luân chuyển từ các kênh đầu khác đến kênh chứng khoán và là tác động lớn của đại dịch tới các thị trường tài chính. Ghi nhận, số lượng tài khoản chứng khoản mở mới trong tháng 3 và tháng 4 tăng đột biến. Tính đến hết tháng 6, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt trên 2,5 triệu tài khoản, tăng 7,1% so với cuối năm 2019.

Chưa kể, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn tương đối so với khu vực, nếu xét trên chỉ số P/E, P/B và ROE. Trong năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều tổ chức tài vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế khu vực châu Á. Theo đó, thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục sôi động với 5 yếu tố tích cực mới là: kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng so với các nước trong khu vực (60%); các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (60%); Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công (46,67%); khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới (46,67%); và các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA được thông qua.

Ánh Dương

Tin mới