(Tổ Quốc) - Nền kinh tế Việt Nam được World Bank đánh giá là sẽ dẫn đầu tăng trưởng khu vực với tốc độ 7,2%, cao hơn so với mức dự báo 5,3% trước đó.
Theo tờ Nikkei Asian Review, báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank) đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương nhưng lại đánh giá cao tốc độ phát triển của Việt Nam. Báo cáo này bao gồm cả khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhưng loại trừ Nhật Bản lẫn Hàn Quốc.
Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam được World Bank đánh giá là sẽ dẫn đầu tăng trưởng khu vực với tốc độ 7,2%, cao hơn so với mức dự báo 5,3% trước đó vào tháng 4/2022. Dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia vẫn không đổi ở 5,1%. Nếu không tính Trung Quốc thì mức tăng trưởng chung của khu vực vào khoảng 5,3% cho năm 2022.
Chuyên gia kinh tế Asditya Mattoo của World Bank nhận định động lực cho sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc các nền kinh tế mở cửa trở lại hậu dịch Covid-19. World Bank dự báo tổng GDP của các nước như Philippines, Thái Lan hay Campuchia sẽ trở lại mức tương đương trước dịch vào cuối năm nay.
Trong khi đó, một số nền kinh tế như Lào hay Mông Cổ được dự báo sẽ có tăng trưởng thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng từ lạm phát, lãi suất cao và đồng tiền mất giá khiến sức mua giảm cũng như gia tăng rủi ro vỡ nợ. Cả Lào và Mông Cổ được World Bank dự báo sẽ chỉ tăng trưởng chưa đến 3% trong năm nay.
Tuy vậy, World Bank cho biết những nền kinh tế này sẽ bật dậy trở lại vào năm tới với 5,5% cho Mông Cổ và 3,8% cho Lào.
Theo chuyên gia Mattoo, phần lớn các nền kinh tế trong khu vực sẽ chịu được sự ảnh hưởng từ động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Nguyên nhân chính là phần lớn các khoản tín dụng tại đây đều là nội địa hơn là nợ bằng ngoại tệ.
Tại khu vực Thái Bình Dương, tăng trưởng chủ yếu đến từ nền kinh tế Fiji với 12% trong năm nay, trong khi những thị trường khác như Solomon Islands, Tonga, Samoa hay Micronesia đều được dự báo suy giảm.
Khó khăn
Theo World Bank, động thái trợ giá khiến kiềm hãm đà lạm phát quanh mốc bình quân 4% của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nghĩa là thấp hơn so với trung bình thế giới, dù giúp đỡ người dân nhưng lại có thể ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn với tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo của World Bank cho thấy Châu Á Thái Bình Dương là khu vực có sự kiểm soát giá cả nhiều nhất trong số những thị trường đang phát triển, ví dụ như trung Đông hay Bắc Phi.
Ngoài ra, việc nhiều nước đảo ngược chính sách giảm trợ giá năng lượng thời gian gần đây cũng có tác động đến kinh tế. Trợ giá xăng tại Indonesia và Malaysia đã tăng từ 1% GDP năm 2020 lên hơn 2%. World Bank nhận định động thái này sẽ khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ hơn và tiếp tục dễ tổn thương về giá trong tương lai khi thị trường năng lượng khủng hoảng.
Theo World Bank, việc chính phủ phát tiền cho người dân có thể đem lại hiệu quả nhiều hơn so với những chính sách hỗ trợ gián tiếp. Ví dụ tại Thái Lan, nghiên cứu của World Bank cho thấy việc phát 2,2 tỷ Baht, tương đương 58,2 triệu USD có thể giảm 1 điểm phần trăm nghèo đói, trong khi để đạt mục tiêu này thì chính phủ phải trợ giá xăng đến 11,2 tỷ Baht.
Việc tiếp tục trợ giá nhiều mặt hàng sẽ khiến ngân sách bị thâm hụt và khiến những mảng khác như đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục của đất nước bị thiếu hụt nguồn vốn. Minh chứng rõ nhất là Thái Lan, Philippines lẫn Malaysia sẽ kết thúc năm 2022 với mức nợ công vượt 60%, cao hơn so với năm trước.
Phía World Bank cảnh báo chính phủ các nước cần đầu tư cho dài hạn khi động lực tăng trưởng ngắn hạn đang có dấu hiệu chững lại. Báo cáo bán lẻ theo quý tại Mỹ của World Bank cho thấy nhu cầu hàng điện tử, vốn là mặt hàng lắp ráp xuất khẩu chính của nhiều nước như Việt Nam hay Malaysia, đã giảm tốc.
Theo kịch bản các nền kinh tế lớn lâm vào suy thoái, tăng trưởng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ mất hơn 1 điểm phần trăm nếu kịch bản này diễn ra. Trong đó, Malaysia sẽ là nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nhất với thiệt hại 0,8 điểm phần trăm tăng trưởng.
*Nguồn: Nikkei Asia Review
Băng Băng