Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2023 với những điểm tích cực như huy động vốn, dư nợ, thu nhập từ chứng khoán đầu tư (TPCP) đều tăng so với cùng kỳ 2022...
Bối cảnh khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 đã từng bước phản ánh vào kết quả hoạt động của nhiều ngân hàng. Tính đến 31/12/2023, có đến 22/28 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Với tình hình biến động chung của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, nhiều doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn, dẫn đến nợ xấu, khiến chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng đều tăng.
Cũng như hầu hết các ngân hàng bị ảnh hưởng, VietABank vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 với lợi nhuận giảm nhẹ so với năm 2022. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, kết quả kinh doanh của VietABank vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng: Tổng tài sản, Tiền gửi khách hàng, cho vay đều tăng so với năm 2022. Đặc biệt, thu nhập từ chứng khoán đầu tư (VietABank hiện thực một phần lợi nhuận từ danh mục trái phiếu Chính phủ nắm giữ) đạt 410 tỷ đồng, tăng 870% so với năm 2022.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, kết thúc năm 2023, tổng tài sản của VietABank đạt 112.195 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 69.059 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2022. Tiền gửi khách hàng ở mức gần 86.694 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 916 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo tài chính hợp nhất đã cải thiện đáng kể so với năm 2022.
Lý giải cho việc lợi nhuận chưa đạt như kỳ vọng, VietABank cho biết, trong năm 2023 ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu, đồng thời ngân hàng thực hiện nhiều chương trình ưu đãi lãi suất để hỗ trợ khách hàng đang gặp nhiều khó khăn theo chủ trương của Ngân hàng nhà nước và Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nên có ảnh hưởng tới thu nhập lãi thuần. Bên cạnh đó, việc tăng cường xử lý nợ, tăng trích lập dự phòng rủi ro cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm lợi nhuận.
Năm 2023, VietABank duy trì thanh khoản ổn định và an toàn, cao hơn mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước với tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 13,41%, tỷ lệ khả năng chi trả VND (30 ngày) là 78,68%.
VietABank đã hoàn thiện Quy trình tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietABank trên 9,3%, tương đương với mức bình quân của ngành ngân hàng.
Gần đây nhất, VietABank đón nhận tin vui: Tiếp tục được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s duy trì xếp hạng tín nhiệm B2, triển vọng ổn định và năm thứ 8 liên tiếp nằm trong bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2003.
Trong năm 2024, nhằm tăng vốn điều lệ và đáp ứng nhu cầu đầu tư của các khách hàng, VietABank dự kiến sẽ phát hành trái phiếu đợt 2 với tổng giá trị chào bán dự kiến 300 tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2023 VietABank đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 kỳ hạn 7 năm trong đợt chào bán đầu tiên.
Việc phát hành trái phiếu này giúp VietABank tăng vốn cấp 2, tiếp tục củng cố các chỉ số an toàn hoạt động, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Với nguồn vốn được bổ sung này, VietABank tiếp tục khẳng định tiềm lực tài chính vững mạnh, hoạt động hiệu quả, an toàn.