Sau một thời gian miệt mài phát triển ở khu Tây, khu Đông đang trở thành cực tăng trưởng mới của thị trường địa ốc thủ đô, trong đó, "vùng đệm" đang nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng.
Trong xu thế hướng Đông…
Bình luận về diễn biến thị trường và làn sóng ly tâm đang ngày càng mạnh mẽ, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao, CBRE chi nhánh Hà Nội cho rằng, từ thời điểm cuối quý 1/2024, thị trường ghi nhận nhiều dự án triển khai hoạt động đặt chỗ không chỉ tại hai thành phố lớn Hà Nội mà còn tại các tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hải Phòng, điều này báo hiệu thị trường trong thời gian tới bùng nổ hơn cả về nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ.
"Nguồn cung mới dồi dào hơn với vị trí tương đối tốt sẽ có khả năng thu hút dòng tiền của nhà đầu tư", bà An nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, sở dĩ khu Đông và "vùng đệm" (các huyện của Hưng Yên giáp ranh Hà Nội, như Văn Lâm, Văn Giang) đang được biết đến như một thị trường mới nổi đầy tiềm năng, bởi đây là khu vực hội tụ nhiều lợi thế, từ vị trí, khả năng kết nối thuận tiện, cư dân đông đúc cho đến việc các "tay to" của lĩnh vực địa ốc đều đã xuất hiện.
Lấy ví dụ với trường hợp của nhà tạo lập thị trường Vingroup, sau thời gian dài phát triển Vinhomes Smart City (khu Tây), ông lớn này đã "xê dịch" nhiều hơn sang khu đông với VinCity, tổ hợp gồm ba dự án đại đô thị quy mô khủng tại Gia Lâm (Hà Nội) và Hưng Yên.
Cùng với đó, Hưng Yên cũng chứng kiến sự xuất hiện của các tay chơi khác, như T&T Group, Ecopark, MIK Group, Tập đoàn Hoàng Vương,… Việc các ông lớn "lũ lượt" tìm về Hưng Yên đã minh chứng cho sức hấp dẫn của thị trường địa ốc nơi đây.
Một yếu tố khác không thể không nhắc đến, cũng là một động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản xứ nhãn lồng, đó là kế hoạch xây dựng các cây cầu mới, mở rộng đường vành đai 4,… góp phần rút ngắn khoảng cách giữa vùng ven và nội đô.
Có thể nói, với việc nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giáp ranh Thủ đô và là "cái gạch nối" với Hải Phòng - đô thị cảng biển lớn của khu vực phía Bắc, Hưng Yên đang có được "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" để bứt tốc trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội trong thời gian tới. Đặc biệt, với các khu vực giáp ranh Hà Nội, cửa ngõ thông thương với các tỉnh như Văn Lâm, cơ hội là rất rõ rệt.
…Văn Lâm hưởng lợi trước nhất
Trong số các huyện của Hưng Yên, Văn Lâm – mà trực tiếp là thị trấn Như Quỳnh được xem là huyện được hưởng lợi nhiều trong làn sóng đại dịch chuyển sang phía Đông của Hà Nội.
Về mặt quy hoạch, huyện Văn Lâm phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại III (khu vực trung tâm huyện (thị trấn Như Quỳnh) cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III). Đến năm 2030, xây dựng huyện thành thành phố Văn Lâm.
Về kinh tế, Văn Lâm có 8 làng nghề, với hơn 7.700 cơ sở kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho trên 15.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 6.000 USD, cao nhất tỉnh Hưng Yên và thuộc top cao nhất cả nước.
Văn Lâm cũng xác định rất rõ mục tiêu trong phát triển đô thị, thị trường bất động sản, đó là xây dựng và phát triển đô thị của huyện theo hướng bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; quy hoạch và xây dựng đô thị có dấu ấn riêng hướng đến đô thị thông minh.
Với thế và lực sẵn có, được hưởng lợi lớn từ làn sóng dịch chuyển đô thị từ Tây sang Đông, thị trường bất động sản Hưng Yên nói chung, Văn Lâm nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, trở thành đô thị vệ tinh quan trọng của Hà Nội trong thời gian tới.