(Tổ Quốc) - Đơn vị hành chính cấp xã có diện tích lớn nhất Việt Nam nằm tại khu vực Tây Nguyên.
Cụ thể, theo Cổng thông tin điện tử huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, xã Krông Na có diện tích hơn 1.113,7 km2, rộng nhất tỉnh. Đây cũng là đơn vị hành chính cấp xã có diện tích lớn nhất Việt Nam.
Xã Krông Na nằm về phía Tây bắc huyện Buôn Đôn, cách trung tâm huyện 18 km theo đường Tỉnh lộ 17, phía Tây có 46,7 km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Molđunkiri của Campuchia. Phía Bắc xã Krông Na giáp huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Phía Nam xã Krông Na giáp huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Phía Đông xã Krông Na giáp xã Ea Huar, xã Ea Wer huyện Buôn Đôn và huyện Cư M'gar. Phía Tây giáp Campuchia.
Xã Krông Na có diện tích đất nông nghiệp là 108.710,38 ha, chiếm 97,57% tổng diện đất tự nhiên. Cơ cấu diện tích đất nông nghiệp của xã với phần lớn là diện tích đất lâm nghiệp chiếm 98,17% (106.723,92 ha; chủ yếu là đất rừng đặc dụng thuộc quản lý của vườn Quốc gia Yok Đôn 94.399,47 ha, chiếm 86,84%; đất rừng sản xuất 7.613,48 ha và rừng phòng hộ 4.710,97 ha, lần lượt chiếm 7,00% và 4,33%).
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ 1,78% (1.986,16 ha; trong đó, chủ yếu là diện tích đất trồng cây hàng năm 1.107,29 ha; diện tích đất trồng cây lâu năm là 562,83 ha). Đất phi nông nghiệp 2.489,81 ha, chỉ chiếm 2,23% diện tích đất tự nhiên.
Với cơ cấu chủ yếu là đất sông suối chiếm 37,12% (924,31ha), đất chuyên dùng chiếm 59,61% (1.484,13 ha; trong đó, đất có mục đích công cộng chiếm 60,99%, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp chiếm 1,65% và 0,18%), đất ở nông thôn chiếm 2,06% (51,26 ha).
Xã Krông Na có mạng lưới sông suối với mật độ tương đối cao nhờ thuộc hạ nguồn lưu vực của hệ thống sông Sêrêpốk, có cấu trúc bậc thang lắm thác ghềnh với độ dòng chảy 7,54%.
Về tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích toàn tỉnh là 13.070 km2, đứng thứ 4 cả nước. Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản phục vụ cho phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng.
Các khoáng sản chủ yếu là: Kaolin được dùng trong nguyên liệu gốm sứ có trữ lượng là 36,9 triệu tấn (mỏ ở M'Đrăk 33,9 triệu tấn, mỏ Ea Knôp của huyện Ea Kar 3 triệu tấn), phân bố chủ yếu ở M'Đrắk, Ea Kar.
Cùng với đó, cát, cuội sỏi xây dựng phân bố ở các thềm sông suối, các vùng trũng trong sông suối tại các huyện Krông Ana, Lắk, Krông Bông, Krông Pắk, EaH'leo, Buôn Ma Thuột. Đá khai thác phục vụ cho xây dựng có đá granit ở Ea H'leo, Krông Bông, trữ lượng ước tính gần 1 tỷ m3.
Than bùn với 20 khu vực chứa than bùn, phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh. Các mỏ than bùn điển hình như: Ea Pôk, Buôn JaWầm, Cuôr Đăng, Krông Ana, Ea Ktur,... Ngoài các loại khoáng sản trên, Đắk Lắk còn có thể khai thác một số loại khoáng sản khác như quặng chì, kẽm, fluorit...
Bên cạnh tiềm năng về khoáng sản, Đắk Lắk có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp du lịch cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hóa của nhiều dân tộc trong tỉnh. Trong đó, tỉnh có một số khu du lịch nổi tiếng như Hồ Lắk, Thác Dray Nur, Khu du lịch Buôn Đôn, Khu du lịch Kotam, Vườn quốc gia Yok Đôn, Vườn quốc gia Chư Yang Sin...
Hơn nữa, Đắk Lắk có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối.
Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều thuận lợi phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể, Đắk Lắk có nhiều loại nông sản có sản lượng, chất lượng đứng đầu cả nước như: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, ca cao, macca, mật ong, cá nước lạnh…
Đặc biệt, nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk sở hữu vị trí địa lý chiến lược về kinh tế, cùng hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối dễ dàng với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Lợi thế này cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nguồn nhân lực trẻ dồi dào nhanh chóng đưa Đắk Lắk trở thành khu vực thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Minh Tiến