(Tổ Quốc) - Ở một số dự án căn hộ, luôn có lượng khách hàng F0 âm thầm xả hàng dưới giá vốn do áp lực về nguồn tài chính.
Mới đây, do cần tiền để bù vào phần kinh doanh nhà hàng, chị T (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đã chấp nhận bán lỗ 300 triệu đồng mảnh đất mua cách đây 1 năm tại Định Quán, Đồng Nai. Chị T cho biết, mảnh đất hơn 2 héc -ta chị mua với giá 1.2 tỉ đồng. Nhưng do dịch Covid-19 nên giá đất bị chững lại. Đầu năm 2022, BĐS tại đây có dấu hiệu sốt nhưng chị lại chưa cần tiền nên không bán. Hiện, do mở rộng kinh doanh bị hụt vốn nên muốn bán nhanh, thì đúng vào giai đoạn thị trường trầm lắng, chị chấp nhận bán dưới giá vốn để thu tiền về. Theo chị T, nếu để đó có thể giá vẫn lên nhưng phải đợi lâu, trong khi chị lại đang cần tiền để giải quyết công việc trước mắt.
Khác với chị T, anh B, hiện đang sống tại Q.7, Tp.HCM mua căn hộ tại Q.9 (nay là Tp.Thủ Đức) đóng tiền theo tiến độ. Anh B đã đóng 50 triệu tiền cọc và chờ ngân hàng giải ngân cho vay để đóng trước khi kí HĐMB. Thế nhưng, mới đây anh B nhận được thông báo từ ngân hàng hết room cho vay. Té ngửa, anh B phải làm thủ tục sang ngân hàng khác với lãi suất vay cao hơn, kèm bắt buộc mua bảo hiểm và phí giải ngân (tầm 1.5% trên số tiền vay). Vì chán nản, lại sợ ngợp tài chính, anh B đang rao bán cắt lỗ căn hộ thấp hơn với giá mua vào 200 triệu đồng. Nếu sau 1 tháng nữa, chưa bán được căn hộ nghĩa là anh B phải xuống tiền đóng vào giai đoạn tiếp theo.
Tình trạng như anh B không hiếm, hiện tại Tp.HCM một số dự án căn hộ, nhà đầu tư F0 hoặc thứ cấp bắt đầu tính đến phương án cắt lỗ vì đuối tài chính. Nhất là thời điểm mà room tín dụng một số ngân hàng siết lại, nhiều hồ sơ vay không được giải quyết hoặc chậm trễ khiến một số NĐT không xoay kịp tài chính. Ở một số dự án có tiến độ xây nhanh, để đóng tiền theo tiến độ cũng gây ngợp cho người mua, nếu không được ngân hàng hay CĐT hỗ trợ về gói vay, lãi suất.
Theo các chuyên gia, dù tình trạng bán tháo, bán lỗ chưa xuất hiện đại trà ở thời điểm này nhưng một số cá nhân NĐT đuối tài chính đã có dấu hiệu bán dưới giá vốn ở cả loại hình căn hộ, đất nền, nhà phố. Nhiều NĐT ban đầu chắc thắng vì đầu tư vào đất nền sẽ có lời nhiều, tuy nhiên khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn, nếu không vững tài chính nhà đầu tư rất dễ phải bán "non" – nghĩa là bán hòa vốn hoặc dưới giá vốn so với kì vọng ban đầu.
Một chuyên gia cho hay, thị trường đang xuất hiện khá nhiều trường hợp người mua nhà chỉ ôm trong khoảng một năm đến 18 tháng. Sau đó, họ lại âm thầm xả hàng ra, chấp nhận bán bằng giá thời điểm mua vào, nếu tính cả thuế phí họ phải chịu lỗ ít nhất 7-8%. Nhóm khách hàng F0 này đa phần thiếu kiến thức mua nhà. Thời gian đầu, việc thanh toán 15-20% còn lại ân hạn lãi gốc đến khi nhận nhà khá nhẹ nhàng, nhưng đến lúc nhận nhà, khó khăn tài chính mới bắt đầu xuất hiện. Từ đó, dẫn đến nhiều trường hợp nhà đầu tư F0 đành bán lỗ để thoát áp lực tài chính.
Theo ghi nhận, nhà đầu tư cắt lỗ thường rơi vào nhóm NĐT yếu về tài chính, đồng thời, khó cạnh tranh lại với chính sách của CĐT khi ra hàng sớm. Chẳng hạn, NĐT mua BĐS ở giai đoạn 1, 2, đến giai đoạn 3,4 muốn bán ra nhưng khó vì nguồn hàng của CĐT chưa bán hết. Theo đó, hoặc NĐT bán hòa vốn, hoặc chấp nhận bán giá thấp hơn sản phẩm của CĐT. Bởi nguồn hàng của chủ đầu tư khó cạnh tranh về chính sách như giảm giá, chiết khấu, tặng… so với nguồn hàng của CĐT.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, sau các vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đấu giá, cùng với việc hạn chế tín dụng cho bất động sản… khiến thanh khoản trên thị trường giảm, tâm lý nhà đầu tư e ngại, giao dịch khó khăn với các bất động sản ở tỉnh xa giá trị lớn.
Theo đó, các sản phẩm bất động sản ở tỉnh có giá trị trên 20 tỷ đồng giao dịch khó, bất động sản trên 10 tỷ đồng cũng phải giảm giá khoảng 5% mới có khách mua. Các dự án siêu sang, triệu đô giao dịch cũng đang chậm lại.
Bảo Anh