Yvon Chouinard: Vị tỷ phú hy sinh cả đế chế của mình để bảo vệ môi trường

(Tổ Quốc) - Yvon Chouinard cho biết mình không có ý định sở hữu một công ty hay thậm chí làm doanh nhân, mọi thứ bắt đầu từ việc ghét các nhà leo núi xả rác ra môi trường.

Theo hãng tin Bloomberg, nhà sáng lập Yvon Chouinard của hãng thời trang Patagonia cùng gia đình đã quyết định chuyển quyền sở hữu đế chế của mình cho một tổ chức phi chính phủ thay vì bán chúng hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Tổng tài sản của Patagonia, trị giá khoảng 3 tỷ USD sẽ được chuyển quyền sở hữu cho quỹ Patagonia Purpose Trust và tổ chức phi chính phủ Holdfast Collective nhằm chống biến đổi khí hậu. Toàn bộ lợi nhuận của công ty, vào khoảng 100 triệu USD mỗi năm sẽ được dùng để bảo vệ môi trường cũng như những khu vực nguyên sinh cần được bảo tồn trên thế giới.

Yvon Chouinard: Vị tỷ phú hy sinh cả đế chế của mình để bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

"Thay vì vắt kiệt giá trị của thiên nhiên để chuyển chúng thành tài sản cho nhà đầu tư thì chúng tôi dùng nguồn lực từ Patagonia để bảo vệ giá trị lớn nhất của thế giới", phía Patagonia cho biết.

Trên thực tế, Patagonia đã nổi tiếng về các chiến dịch bảo vệ môi trường trước đây. Hàng năm, hãng đầu dành 1% doanh số để quyên góp cho những chương trình, tổ chức chống biến đổi khí hậu và được nhận nhiều chứng chỉ vinh danh cho động thái này.

Yêu môi trường

Động thái của Yvon diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự nghi ngờ của công chúng với giới đại gia. Nhiều người tuyên bố bảo vệ môi trường, mong thế giới tốt hơn nhưng đóng góp của họ để giải quyết vấn đề lại bị nghi vấn về động cơ thật sự đằng sau đó.

"Tôi hy vọng rằng điều này sẽ tạo nên một trào lưu mới thay vì một cuộc chiến bảo vệ môi trường chỉ có sự tham gia của vài đại gia cùng một loạt những người nghèo...Chúng tôi sẽ quyên góp lượng lớn lợi nhuận cho những người đang thực sự cứu trái đất của nhân loại", ông Yvon cho biết.

Tất nhiên, dù chuyển quyền sở hữu nhưng Patagonia vẫn sẽ hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân với hơn 1 tỷ USD doanh số mỗi năm với các mặt hàng từ áo jacket, quần trượt tuyết cho đến mũ thể thao.

Vào tháng 8/2022, toàn bộ gia đình của ông Yvon đã chuyển 2% cổ phần của họ cho quỹ Patagonia Purpose Trust. Quỹ này sẽ được giám sát bởi các thành viên gia đình nhằm đảm bảo công ty vẫn sẽ theo đuổi chiến lược bảo vệ môi trường cũng như chia sẻ lợi nhuận cho việc chống biến đổi khí hậu. Vì khoản này là quyên góp cho một quỹ đầu tư nên gia đình ông Yvon sẽ phải thanh toán 17,5 triệu USD tiền thuế.

Đối với 98% cổ phần còn lại, gia đình Yvon quyên góp cho tổ chức phi lợi nhuận Holdfast Collective, qua đó chuyển toàn bộ lợi nhuận hàng năm của Patagonia cho tổ chức này nhằm chống biến đổi khí hậu. Khoản quyên góp này không phải chịu bất kỳ mức thuế nào.

Yvon Chouinard: Vị tỷ phú hy sinh cả đế chế của mình để bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Theo tờ New York Times, việc quyên góp toàn bộ tài sản xây dựng cả đời cho cuộc chiến bảo vệ môi trường, gia đình ông Yvon, bao gồm cả người vợ Malionda lẫn 2 người con Fletcher-Claire đã trở thành một trong những gia đình làm từ thiện nhiều nhất nước Mỹ.

"Chẳng có một lợi ích ẩn nào sau hành động này. Họ không hề nhận được ưu đãi thuế gì nhờ quyên góp tất cả tài sản", chuyên gia Dan Mosley của BDT&Co khẳng định.

"Gia đình Yvon đã vượt qua nhiều tỷ phú khác khi mà các đại gia thường chỉ quyên góp chút ít tài sản của họ mỗi năm. Kể cả khi nhiều người đóng góp lượng lớn tiền bạc mỗi năm nhưng nhiều tỷ phú vẫn giàu lên qua thời gian, cho thấy lượng tài sản cho đi chẳng đáng bao nhiêu với họ", nhà sáng lập David Callahan của Inside Philantrophy khen ngợi.

Hãng patagonia đã quyên góp khoảng 50 triệu USD cho tổ chức Collective và được dự đoán sẽ đóng góp thêm được 100 triệu USD trong năm nay từ lợi nhuận kinh doanh, qua đó trở thành một trong những công ty quyên góp cho hoạt động bảo vệ môi trường.

"Tôi không biết phải làm gì với đế chế này vì thực tế là tôi chưa bao giờ muốn sở hữu một công ty. Ban đầu tôi không muốn làm doanh nhân. Giờ đây khi tôi đã sắp qua đời thì công ty vẫn có thể tiếp tục sứ mệnh của mình trong 50 năm nữa dù không có nhà sáng lập ở đây", ông Yvon cho biết.

Nhà leo núi ghét rác

Vào thập niên 1960, ông Yvon không hề được biết đến với vai trò doanh nhân mà là một vận động viên leo núi. Ông nổi tiếng với 2 kỷ lục chinh phục đỉnh Fitz Roy và El Capitan chết người.

Đam mê leo núi từ năm 19 tuổi, ông Yvon thường rong ruổi khắp nước Mỹ trên chiếc ô tô tồi tàn, ăn những đồ ăn hết hạn sử dụng giá rẻ chỉ với 5 cent, mặc quần áo cũ và sống một cuộc đời phiêu bạt. Thậm chí cho đến tận ngày nay, khi đã trở thành tỷ phú thì ông vẫn giữ thóí quen ăn mặc giản dị, lái một chiếc Subaru đơn thuần và thậm chí còn chẳng sở hữu những chiếc laptop hay điện thoại xịn xò.

Yvon Chouinard: Vị tỷ phú hy sinh cả đế chế của mình để bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Quay trở lại cuối thập niên 1950-1960, Yvon thường nhận thấy các nhà leo núi hay dùng những neo kim loại rẻ tiền không thể tái sử dụng. Bản thân ông Yvon rất yêu những ngọn núi và không thể chấp nhận mọi người liên tục vứt rác ra môi trường kiểu này.

"Dù tôn trọng họ, nhưng tôi không thể chấp nhận những hành động này", ông Yvon nhấn mạnh.

Thế là từ năm 1957, Yvon bắt đầu bán những phụ kiện do chính tay ông sản xuất, đồng thời tiếp tục rong ruổi theo đuổi đam mê leo núi. Thế rồi chất lượng sản phẩm tốt khiến ngày càng nhiều người leo núi biết đến tên. Đến năm 1964, Yvon bắt đầu dựng nghiệp bằng việc kinh doanh thiết bị leo núi, gửi qua đường bưu điện.

Năm 1973, Patagonia chính thức được thành lập và tiếp tục lớn mạnh đến thập niên 1980. Tuy nhiên hãng đã gặp khó khăn vào thập niên 1990 do gặp cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nhái có giá rẻ hơn. Tờ Wall Street Journal cho biết Patagonia từng phải sa thải đến 20% nhân viên và Yvon đã nghĩ đến việc bán công ty.

Thế nhưng nhà leo núi này không chịu đầu hàng trước số phận. Ông quyết định gắn sản phẩm với một sứ mệnh cao cả từ buổi đầu bán móc leo núi, đó là bảo vệ môi trường. Thay vì những lời đường mật chỉ để bán hàng, Patagonia đã thực sự đưa sứ mệnh này thành hiện thực. Họ là một trong những doanh nghiệp đầu tiên cam kết sử dụng cotton hữu cơ 100% để bảo vệ môi trường.

Thậm chí công ty còn hy vọng khách hàng hạn chế mua sắm, sửa chữa và tái chế những thiết bị cũ để hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường. Trong ngày lễ "Black Friday", hãng đã từng quảng cáo trên tờ New York Times với dòng chữ: "Đừng mua chiếc áo jacket này", qua đó gây bất ngờ cho người tiêu dùng.

Quay trở lại với câu chuyện của Yvon, nhà sáng lập này cho biết mình đã có đủ tiền sống hết đời và chẳng muốn đế chế của mình đánh mất sứ mệnh ban đầu.

"Tôi không thích thị trường chứng khoán tý nào. Một khi bạn phát hành cổ phiếu ra công chúng, bạn sẽ mất quyền điều khiến công ty và buộc phải làm việc để tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông. Từ đó, đế chế của bạn sẽ dần trở thành một trong những doanh nghiệp vô trách nhiệm như bao hãng khác trên thị trường", ông Yvon nói.

*Nguồn: NYT, Bloomberg

Băng Băng

Tin Cùng Chuyên Mục
Thăm lại cây cầu làm đổi đời cho bản làng nghèo bên suối Tình yêu

Thăm lại cây cầu làm đổi đời cho bản làng nghèo bên suối Tình yêu

(Tổ Quốc) - Cầu giúp trẻ đi học, kể cả khi lũ về. Cầu đưa người già đến viện kịp thời. Có cầu, bà con bán trâu bò lợn gà, cây keo, cây mỡ… được giá cao hơn; mua vật liệu xây nhà, phân bón giá lại rẻ hơn vì đỡ phí vận chuyển. Cây cầu mang tên Vì Tầm Vóc Việt thực sự đã giúp bà con dân bản đổi đời…
Tin mới