Lợi nhuận nhiều ngân hàng vượt 10.000 tỷ ngay trong nửa đầu năm

(Tổ Quốc) - VPBank, Techcombank, MB là những ngân hàng đầu tiên ghi nhận lợi nhuận vượt 10.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm. Vietcombank, BIDV và VietinBank nhiều khả năng cũng nằm trong danh sách nhà băng có lợi nhuận trên 1 vạn tỷ.

Dù mới kết thúc nửa năm 2022 nhưng nhiều ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

VPBank vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ 2021 và tương đương 52% kế hoạch cả năm. Với kết quả trên, VPBank hiện là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong nhóm tư nhân và đứng đầu trong các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh bán niên. Động lực chính giúp VPBank bứt phá mạnh trong nửa đầu năm đến từ khoản thu nhập đột biến theo hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA Việt Nam.

Techcombank cũng vừa báo lãi trước thuế kỷ lục hơn 14.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng 22,3% so với cùng kỳ 2021 và thực hiện được hơn 52% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này đạt trên 21.100 tỷ, tăng 16,6% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Tại MB, lãnh đạo ngân hàng cho biết doanh thu toàn tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 29.900 tỷ với lợi nhuận 11.920 tỷ. Trong đó, riêng ngân hàng doanh thu đạt gần 17.800 tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận đạt 10.666 tỷ đồng.

Tuy chưa chính thức công bố báo cáo tài chính quý II nhưng cập nhật đến hết tháng 5/2022, lãnh đạo Vietcombank cho biết tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đã đạt mức 30% và dự báo tiếp tục có mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá sau hai năm chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Trước đó, ''ông lớn'' này kết thúc quý I với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.950 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Năm 2022, ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% (tương ứng vượt 30.675 tỷ đồng). Do đó, gần như chắc chắn Vietcombank sẽ là cái tên tiếp theo có lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ trong nửa đầu năm.

Ngoài những ngân hàng kể trên, VietinBank và BIDV cũng có khả năng kiếm được vạn tỷ trong 6 tháng đầu năm. Trước đó, lợi nhuận trước thuế quý I của hai ngân hàng này đạt lần lượt 5.822 tỷ đồng và 4.514 tỷ đồng. 

Trong báo cáo phân tích mới công bố, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý II/2022 của VietinBank sẽ đạt 4.600 - 4.700 tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ). Đồng nghĩa, lợi nhuận nửa đầu năm của VietinBank có thể rơi vào khoảng 10.500 tỷ đồng.

Với BIDV, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 có thể đạt 5.500 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), nhờ hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng tín dụng đạt 9-10% và tăng trưởng huy động là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Nếu đạt kỳ vọng của SSI Research, lợi nhuận 6 tháng của BIDV sẽ lần đầu tiên chạm ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Theo giới chuyên môn, ngân hàng vẫn ''kiếm đậm'' trong 2 quý vừa qua nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức mạnh nhất trong nhiều năm gần đây. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết ngày 30/6 đạt 11,4 triệu tỷ, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và cao hơn nhiều so cùng kỳ năm trước (6,9%).

Cùng với sự mở rộng mạnh mẽ của quy mô tín dụng, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) duy trì ở mức cao do sự gia tăng đáng kể của tiền gửi Kho bạc nhà nước và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), qua đó hỗ trợ đà tăng của thu nhập lãi thuần.

Thực tế, động lực tăng trưởng chính của nhiều ngân hàng trong nửa đầu năm đến từ thu nhập lãi thuần. Đơn cử như Techcombank, thu nhập lãi thuần tăng trưởng tới hơn 25% và đóng góp trên 75% tổng thu nhập của ngân hàng; trong khi tăng trưởng tín dụng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ cũng là nhân tố giúp lợi nhuận VPBank bứt phá.

Bên cạnh thu nhập lãi thuần, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận những khoản thu đột biến đến từ phí bảo hiểm trả trước và thu hồi nợ xấu như VPBank, ACB, Vietinbank và Sacombank.

SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận bình quân 6 tháng đầu năm 2022 của các ngân hàng được theo dõi có thể đạt bình quân khoảng 26% - 29% so với cùng kỳ. Theo nhóm phân tích, kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 10,3% so với đầu năm, hoặc tăng 18% so với cùng kỳ), NIM tăng lên và áp lực trích lập dự phòng ở mức vừa phải do các ngân hàng lớn trước đó đã trích lập dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 trong năm 2021.

Quang Hưng

Tin Cùng Chuyên Mục
 Ngân hàng không nghỉ Tết

Ngân hàng không nghỉ Tết

Nhờ ứng dụng số hóa, nhiều ngân hàng đã hoạt động xuyên Lễ, Tết, không để gián đoạn dịch vụ. Trong đó, Ngân hàng số và các điểm giao dịch số đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại cho khách hàng.
Tin mới