(Tổ Quốc) - Virus Covid-19 biến thể, Omicron, sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế thế giới? Đó là một “bài toán khó” mà thị trường đang cố tìm cách giải.
Ông Jerome Powell của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không còn sử dụng từ "nhất thời" để mô tả về áp lực lạm phát giá và những dữ liệu sắp tới có thể chứng minh rằng ông đã đúng; Trung Quốc đón nhận những dữ liệu kinh tế trái chiều; đồng USD tăng chưa thấy điểm dừng; kinh tế Đức đã sẵn sàng bước tiếp trong chặng đường mới mà không có sự điều hành của bà Merkel…Đó là những thông tin đáng chú ý nhất trên thị trường tài chính thế giới trong tuần này.
1 / Fed thay đổi quan điểm về lạm phát
Bài phát biểu trước Quốc hội hôm thứ Sáu (3/12) của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm gia tăng tầm quan trọng của dữ liệu lạm phát Mỹ. Ông Powell đã thừa nhận rằng từ "tạm thời" không còn chính xác để mô tả tình trạng lạm phát cao như hiện nay, và Fed có thể sẽ đưa vấn đề đẩy nhanh tiến độ giảm mua trái phiếu trong kỳ họp tháng 12 này.
Dữ liệu về lạm phát của Mỹ càng củng cố khả năng Fed sẽ tích cực hơn nữa trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, và điều này đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư – vốn đang lo sợ vì sự xuất hiện của virus Omicron.
Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 6,2% trong tháng 10 - mức tăng so theo năm cao nhất trong vòng 31 năm - và có thể vẫn duy trì ở mức cao này sang năm 2022 do do chuỗi cung ứng gặp khó khăn.
Kết quả khảo sát mới nhất của Fed cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang chật vật vì lạm phát gia tăng và phải "tranh giành" nhân lực trong bối cảnh thiếu lao động.
Tóm lại, không có gì đáng ngạc nhiên khi "giọng điệu" của Fed đã thay đổi.
Biến động tỷ lệ lạm phát của Mỹ.
2 / Ông già Noel ở đâu?
Các nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán thường tận hưởng những đợt tăng giá vào mùa Ông già Noel – tháng 12, khi các nhà đầu tư chuẩn bị đồ cho năm mới. Nhưng năm nay, điều này có vẻ khó xảy ra.
Sự xuất hiện của virus Omicron và việc Fed đang tiến dần tới thời điểm nâng lãi suất đang làm giảm "tinh thần của mùa lễ hội".
Trong lịch sử, chỉ số S&P 500 của Phố Wall đã ghi nhận lợi nhuận tích cực trong đa số các tháng 12 (74% thời gian kể từ khi thu thập dữ liệu, năm 1928), nhiều hơn bất kỳ tháng nào khác. Nhưng hiện tại, S&P 500 và chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu (của 50 quốc gia trên thế giới) đều đang đóng băng. Điều đó chỉ khiến chỉ số biến động VIX - là 'thước đo nỗi sợ hãi' của thị trường thế giới – tăng đáng kể.
Giá dầu và chỉ số biến động tăng mạnh.
3 / Kinh tế Trung Quốc đón những thông tin vui, buồn
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế thận trọng nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự 'thịnh vượng chung' của Chủ tịch Tập Cận Bình là điều mà hầu hết những người theo dõi Trung Quốc mong đợi trong năm 2022 và kết quả dữ liệu sắp tới có thể không làm họ ngạc nhiên.
Lạm phát ổn định tạo điều kiện cho Bắc Kinh có đủ khả năng để theo đuổi mục tiêu nới lỏng tiền tệ, ngay cả khi các nền kinh tế lớn khác muốn thắt chặt. Xuất khẩu tiếp tục thể hiện sức mạnh và có thể còn tăng nữa nếu Omicron phá vỡ những nút thắt trong chuỗi cung ứng và nhu cầu đồ điện tử gia tăng trên toàn cầu.
Trọng tâm chú ý ở Trung Quốc cũng đang chuyển sang các cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản vào giữa tháng 12 - nhằm đặt ra các mục tiêu chính sách và tăng trưởng, sẽ không được công bố cho đến năm sau. Các cố vấn chính sách dự báo mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ở mức khiêm tốn 5% - 5,5% - so với tốc độ gần 8% trong năm 2021.
Nền kinh tế này cũng đang có ngày càng nhiều công ty bất động sản vỡ nợ, các sòng bạc ở Ma Cao bị bao vây và chưa biết những gì sẽ là các mục tiêu xử lý tiếp theo của Bắc Kinh.
Thương mại của Trung Quốc: xuất khẩu mạnh mặc dù nhân dân tệ tăng giá
4 / Vấn đề đồng đô la
Như lời một cựu Bộ trưởng Tài chính đã nói, đồng USD là đơn vị tiền tệ của Mỹ nhưng có thể trở thành vấn đề của thế giới.
Mức tăng 7% từ đầu năm đến nay của đồng đô la đã biến năm 2021 thành một 'năm khủng khiếp' khác đối với các thị trường mới nổi - làm thắt chặt các điều kiện tài chính và tăng chi phí cho các nhà nhập khẩu hàng hóa.
Khi mọi người ngày càng tăng đặt cược vào triển vọng Mỹ sẽ đi trước các nền kinh tế phát triển khác trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, sức mạnh của đồng USD càng tăng lên. So sánh giữa lợi suất "thực" của Mỹ và của Đức - hoặc được điều chỉnh theo lạm phát - lợi tức 10 năm cho sự chênh lệch đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.
Các pháp nhân nước ngoài có các khoản nợ bằng đồng đô la đã bắt đầu gây ra "cơn sốt đồng bạc xanh tháng 12" như thường lệ, khiến đồng tiền này càng tăng giá so với các đồng tiền đối tác khác. Xu hướng này có thể tiếp diễn đến cuối năm.
Nếu Fed tăng lãi suất vào năm tới, đồng đô la có thể suy yếu như thường xảy ra khi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu. Nhưng với khả năng gây bất ngờ của đồng tiền này, có rất ít dự báo rằng USD sẽ giảm.
Dollar index đã tăng 7% trong năm nay.
5 / Khó khăn bủa vây nước Đức
Ông Olaf Scholz sẽ chính thức nhậm chức Thủ tướng Đức trong những ngày tới, chấm dứt 16 năm nắm quyền điều hành nền kinh tế lớn nhất châu Âu của bà Angela Merkel. Theo giới phân tích, ông Scholz đang bước thẳng vào chế độ "chữa cháy".
Nước Đức đang phải đối mặt với tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong đợt bùng phát lần thứ tư, lạm phát đang ở mức cao kỷ lục, châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và việc quân đội Nga tăng cường gần biên giới Ukraine đã buộc phương Tây phải lên tiếng cảnh báo.
Ông Scholz, người đứng đầu liên minh ba bên, sẽ thực hiện các biện pháp chống Covid-19 cứng rắn hơn để chống lại virus Omicron và điều đó làm gia tăng lo ngại về tác động đối với nền kinh tế.
Trong khi đó, người được ông Scholz đề cử làm Chủ tịch tiếp theo của Bundesbank cũng sẽ thu hút sự chú ý sát sao những "chú diều hâu" của ECB đối đầu với ông Scholz.
Thủ tướng mới của Đức phải đương đầu với vô vàn khó khăn.
Tham khảo: Bloomberg
Vũ Ngọc Diệp