(Tổ Quốc) - Nhóm kim loại đang chịu tác động lớn từ chính sách zero Covid của chính phủ Trung Quốc.
Điều này được phản ánh qua chỉ số MXV-Index Kim loại, đóng cửa ngày 19/05 ở mức 1.941 điểm, giảm 19% so với mức đỉnh đạt được vào ngày 08/03. Đóng góp phần lớn vào mức giảm của chỉ số hàng hóa này là mặt hàng đồng trên Sở Giao dịch Hàng hóa COMEX và Sở Giao dịch Kim loại London (LME).
Cụ thể, giá đồng kỳ hạn tháng 7 trên Sở COMEX đóng cửa ngày hôm qua ở mức 9.442 USD/tấn, và giá đồng trên Sở LME chốt ở mức 9.415 USD/tấn. Đây lần lượt là mức giảm 14% và 12% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 3 của giá đồng thế giới.
Thị trường đồng chịu áp lực từ sự đình trệ của hoạt động kinh tế
Tình trạng phong toả tại Thượng Hải và các khu vực tại Bắc Kinh cùng các tỉnh lân cận đã ảnh hưởng lớn tới nhu cầu sử dụng đồng trong hoạt động sản xuất. Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia nhập khẩu đồng lớn nhất trên thế giới, chiếm 52% cơ cấu nhập khẩu toàn cầu và gấp 4 lần quốc gia xếp thứ hai, Nhật Bản.
Dự trữ đồng trên Sở Giao dịch Thượng Hải thường ở trên mức 100.000 tấn trong 5 năm gần đây, đã giảm xuống dưới 30.000 tấn vào cuối tháng 4, phản ánh nhu cầu tiêu thụ và hoạt động nhập khẩu ở mức rất thấp. Chỉ số PMI tháng 4, thước đo sức khoẻ hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã suy giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm, cho thấy chính sách "không Covid" đang kìm hãm các hoạt động kinh tế tại quốc gia này.
Theo Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, chính sách ứng phó với dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm của giá đồng trong vòng 2 tháng trở lại đây. Một nửa nhu cầu đồng tại Trung Quốc được sử dụng cho hoạt động sản xuất công nghiệp, trong khi sản lượng công nghiệp trong tháng 4 tại nước này đã chứng kiến lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 03/2020.
Không những thế, chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đã bị gián đoạn, thậm chí đứt gãy, đã ảnh hưởng tới ngành sản xuất năng lượng xăng và gián tiếp làm giảm nhu cầu sử dụng đồng. Telsa, nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, chỉ giao 1.500 xe tại nhà máy Thượng Hải vào tháng 4 do thiếu linh kiện khi các nhà máy phải đóng cửa vì dịch bệnh, thấp hơn rất nhiều so với kỷ lục hơn 70.000 xe vào cuối năm ngoái. Cần lưu ý rằng, xe ô tô điện sử dụng lượng đồng gấp 4 lần xe hơi thông thường và mang đến triển vọng tiêu thụ đồng rất lớn trong tương lai.
Hoạt động xây dựng và bất động sản chiếm khoảng 10% lượng cầu về đồng cũng rơi vào trạng thái đình trệ. Doanh số bán nhà vào kỳ nghỉ lễ đầu tháng 5 tại Trung Quốc giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, các công trình xây dựng tạm thời bị đình chỉ do phong toả đã không thể cho thị trường đồng một trợ lực phục hồi.
Những nỗ lực vực dậy nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc
Đứng trước nguy cơ suy thoái, chính phủ Trung Quốc đang tìm mọi cách để thực hiện mục tiêu kép: vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa nhanh chóng khôi phục kinh tế. Các biện pháp nới lỏng tiền tệ cũng được sử dụng làm đòn bẩy cho sức bật tăng trưởng. Ngân hàng thương mại được yêu cầu giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc để tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế. Lãi suất vay thế chấp nhà ở cũng được ưu đãi nhằm kích thích thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, không gian cho chính sách này là một "bài toán" khá đau đầu cho Trung Quốc, do đồng Đô-la Mỹ đang ngày càng mạnh lên, sẽ tạo áp lực lên đồng Nhân dân tệ. Lần gần nhất Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất là tháng 01/2022. Theo giới chuyên gia, nếu nền kinh tế hồi phục chậm hơn kỳ vọng, lãi suất sẽ là công cụ được chính phủ Trung Quốc sử dụng để kích cầu kinh tế.
Gần đây, Trung Quốc đã cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp và chuyển nhiều vốn hơn vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đầu tư tài sản cố định vẫn là một điểm sáng, đã tăng 6,8% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, tuy con số không bằng tháng trước nhưng cũng tương đương với kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. Nỗ lực kích thích nhờ các gói hỗ trợ đầu tư này sẽ làm giảm áp lực cho các nhà sản xuất và đem lại dấu hiệu tích cực cho nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào.
Giá đồng và triển vọng bứt phá trong thời gian tới
Trên biểu đồ kĩ thuật, giá đồng COMEX đang ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 12/2020 với vùng hỗ trợ cứng ở mức 4 USD/ounce. Đây có thể coi là điểm đảo chiều của thị trường đồng, và việc giá đồng tăng lên hay giảm dưới mức hỗ trợ này sẽ tạo ra các tín hiệu tăng, giảm rất mạnh trong trung và dài hạn. Vì thế, giai đoạn 1 – 2 tuần tới sẽ rất quan trọng và nhạy cảm đối với thị trường đồng.
Nền kinh tế Trung Quốc đang từng bước phục hồi sau khi tình hình dịch bệnh tại Thượng Hải có phần dịu đi. Tuy nhiên, tại Bắc Kinh và các tỉnh lân cận tiếp tục nhen nhóm các ổ dịch mới. Với lập trường hiện tại, khi chính sách "không Covid" vẫn là một chính sách xuyên suốt trong chống dịch tại nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, rào cản vẫn luôn tiềm ẩn và nguy cơ "các kịch bản" lặp lại như tại Thượng Hải có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, đặc biệt là với biến chủng có mức lây lan nhanh như Omicron.
Nhìn nhận một cách tích cực, thị trường đồng có thể sẽ từng bước được phục hồi, khi tình hình sản xuất đang được thúc đẩy và chuỗi cung ứng đang dần được nối lại, dù sẽ mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đang phải đối diện với một cuộc suy thoái trong tương lai. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng Trung Quốc vẫn luôn giữ vai trò to lớn trong việc tháo gỡ nút thắt về khủng hoảng kinh tế. Điều này vẫn mang lại hi vọng tích cực cho sự phục hồi tăng trưởng của nước này nói chung và của thị trường đồng nói riêng.
Hồng Hạnh (Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam - MXV)