(Tổ Quốc) - 10 biểu đồ cho thấy kinh tế Anh đã suy thoái.
Theo hãng tin Bloomberg, nền kinh tế Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thập niên 1970 do ảnh hưởng từ hàng loạt những yếu tố như Brexit, đại dịch Covid-19 cho đến lạm phát.
Sau hàng loạt những cú sốc, nền kinh tế Anh đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng giảm tốc, lạm phát lên cao cùng vô số những vấn đề nảy sinh chưa được giải quyết khác. Hệ quả là các chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại đây giảm mạnh trong khi hàng loạt chuyên gia kinh tế cảnh báo suy thoái.
Mới đây, câu chuyện công nhân đường sắt Anh biểu tình mới chỉ là khởi đầu khi mức sống của tầng lớp bình dân dưới đấy xã hội đã không thể chịu đựng nổi nữa. Theo Bloomberg, tiếp đến các giáo viên, bác sĩ hay luật sư sẽ là đối tượng ra đường biểu tình khi đến họ cũng phải vật lộn với lạm phát.
Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Anh vào nền kinh tế
Những số liệu mới nhất cho thấy GDP của Anh đã suy giảm trong quý II/2022, qua đó làm dấy lên tranh cãi rằng nền kinh tế này đã rơi vào suy thoái. Các dự báo chính thức cho thấy tăng trưởng của Anh sẽ chưa đến 1,8%/năm và tăng trưởng GDP sẽ khó lòng phục hồi lại như thời cách đây 10 năm.
Trong khi tăng trưởng GDP của Anh giảm tốc so với nhiều nền kinh tế lớn trong năm tới thì lạm phát trong năm nay lại tăng phi mã. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5/2022 đạt 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất 40 năm.
Thậm chí Ngân hàng trung ương Anh còn cảnh báo lạm phát sẽ còn tăng nữa khi giá năng lượng tiếp tục tăng vào mùa thu, qua đó đạt mức kỷ lục 11%.
Những con số này là thông tin cực kỳ xấu với nền kinh tế Anh khi gợi nhớ lại thời kỳ đen tối thập niên 1960-1970, quãng thời gian mà các nhà chính trị lẫn chuyên gia lịch sử phải gọi Anh là "gã bệnh nhân của Châu Âu".
Chỉ số CPI của Anh, Mỹ và EU
Một chỉ số nữa cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế Anh là tăng trưởng năng suất lao động vốn đã chậm lại rõ rệt kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Xin được nhắc là năng suất lao động sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong dài hạn. Năng suất thấp sẽ khiến sản lượng khó tăng trưởng mạnh cũng như giới hạn mức lương, qua đó tác động đến thị trường tiêu dùng. Tại Anh, mức lương của người lao động phải mất vài năm mới có thể hồi phục lại như thời năm 2007 sau khi khủng hoảng 2008 diễn ra.
Tăng trưởng năng suất của Anh bị chững lại sau khủng hoảng 2008
Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy bình quân lao động Anh mỗi giờ tạo ra được 60 USD sản phẩm/dịch vụ, thấp hơn so với 70 USD/h tại Mỹ và 67 USD/h tại Pháp và Đức. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu năng suất của Anh còn thấp như vậy thì họ sẽ khó lòng gượng dậy khỏi đà giảm tốc như hiện nay.
Trên thực tế năng suất lao động tại Anh là khác biệt ở từng vùng. Trong khi năng suất làm việc ở thủ đô London khá cao do tập trung nhiều nguồn lực thì những vùng quê nghèo lại có năng suất thấp. Thủ tướng Anh Boris Johnson lên nắm quyền vào năm 2019 đã cố gắng vực dậy năng suất các vùng quê nghèo nhưng những chính sách mà ông đưa ra đều chưa hiệu quả.
Năng suất lao động mỗi giờ tại các vùng ở Anh
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là sự mất cân bằng đầu tư khi các doanh nghiệp Anh ít rót vốn cho máy móc, nhà xưởng hay công nghệ hơn so với những nền kinh tế lớn tương đương.
Theo Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak, hệ thống thuế là một trong những rào cản khiến các công ty ngại tái đầu tư và đang làm việc để cải thiện lại tình hình.
Tỷ lệ tái đầu tư theo %GDP của các doanh nghiệp
Tiếp đó, số liệu của Tổng cục thống kê Anh (ONS) cho thấy các nhà đầu tư đang mất niềm tin vào Anh khi tăng trưởng nguồn vốn đầu tư đã đi ngang kể từ năm 2016 khi người dân bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Khảo sát cho thấy số vốn đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp có thể sẽ cao hơn 60% so với hiện nay, tương đương 31 tỷ Bảng nếu Brexit không diễn ra.
Khảo sát về khả năng đầu tư của doanh nghiệp nếu không có Brexit
Việc Anh rời EU cũng khiến thương mại trở nên khó khăn hơn vì những rào cản thuế quan. Mặc dù đồng Bảng Anh đã giảm giá kể từ khi cuộc bỏ phiếu Brexit diễn ra nhưng tốc độ hồi phục thương mại lại rất yếu.
Báo cáo của Bloomberg Economics cho thấy thương mại Anh đã tụt hậu so với những nền kinh tế lớn khác kể từ trước đại dịch. Thậm chí khi nhiều quốc gia mở cửa hồi phục trở lại thì thương mại Anh cũng chưa thể trở lại bình thường như trước đây.
Thương mại của Anh hồi phục kém hơn so với nhiều nước
"Đã 6 năm kể từ khi Anh bỏ phiếu Brexit và hơn 1 năm kể từ khi họ thực hiện công cuộc đàm phán lại với các đối tác thương mại. Đó là chưa kể đồng Bảng Anh đã mất giá 16% nhưng những số liệu cho thấy viễn cảnh rời bỏ EU của Anh đang trở nên tồi tệ hơn", chuyên gia Ana Luis Andrade của Bloomberg Economics nhận định.
Trong khi đó, thị trường bất động sản Anh cũng gặp khó khăn. Giá nhà ở Anh đã liên tục tăng kể từ năm 1995 khiến những người mua nhà ở lần đầu gặp thách thức cực lớn. Chính điều này đã khiến các công ty khó tuyển dụng lao động vì không có chỗ ở cung cấp cho nhân viên. Chi phí thuê văn phòng trở nên đắt đỏ trong khi người dân đổ xô đầu cơ bất động sản thay vì tái đầu tư cho sản xuất.
Mức tăng giá nhà so với mức tăng thu nhập khả dụng
Nhà ở thì đắt đỏ nhưng tiền lương của người dân lại chẳng tăng mấy. Mức tiền lương sau khi điều chỉnh lạm phát tại Anh hiện đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong 20 năm qua. Năm 2019, mức lương bình quân tại Anh thấp hơn rất nhiều so với Mỹ và Canada.
Mức lương bình quân tại Anh thấp hơn 30% so với Mỹ thời điểm trước đại dịch
Chính điều này đã khiến nhiều vụ biểu tình diễn ra mà mới đây nhất là cuộc đình công của lao động ngành sắt. Đây là cuộc đình công lớn nhất kể từ năm 1989 đến nay. Ngoài ra, hàng loạt công đoàn của giáo viên, bác sĩ, luật sư cũng đang đe dọa sẽ tổ chức biểu tình tương tự nếu chính phủ không giải quyết được vấn đề thu nhập không theo kịp chi phí sinh hoạt.
*Nguồn: Bloomberg
Băng Băng