(Tổ Quốc) - Trong tâm bão dịch Covid-19, Spotify vẫn đang tăng trưởng 33%, đạt mốc 286 triệu người dùng (133 triệu người dùng trả phí) và đem về 1,9 tỷ USD doanh thu trong quý II năm 2020. Spotify đã trở thành nền tảng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới, vượt xa Apple Music vốn chỉ có hơn 60 triệu người dùng.
Quay lưng với nghe nhạc lậu và vươn lên trong thị trường âm nhạc
Spotify là một dịch vụ âm nhạc trực tuyến được phát triển bởi công ty Spotify AB tại Thụy Điển, một công ty do Daniel Ek và Martin Lorentzon sáng lập.
Vị doanh nhân công nghệ Daniel Ek Sinh ra tại Stockholm, Thụy Điển, bắt đầu kinh doanh từ năm 13 tuổi, xây dựng các website với giá 100 – 200 USD. Ở tuổi 18, anh đã bán được một website với giá 5.000 USD và sở hữu công ty có 25 nhân viên, kiếm được 50.000 USD mỗi tháng. Ek từng là Giám đốc Công nghệ của Stardoll, một game về thời trang trên nền tảng web với cộng đồng lên tới 400 triệu người.
Năm 2006, Daniel Ek cùng Martin Lorentzon, đồng sáng lập TradeDoubler đưa ra ý tưởng về Spotify. Họ lấy Napster làm nguồn cảm hứng và tìm cách tránh các vấn đề pháp lý liên quan đến vi phạm bản quyền bằng cách dựa vào công nghệ streaming và đảm bảo đầy đủ thỏa thuận cấp phép với các công ty thu âm. Cách tiếp cận của họ khác với hầu hết các công ty âm nhạc bấy giờ vốn chỉ tập trung ngăn chặn người dùng tải lậu nhạc bản quyền.
Vì lựa chọn hướng đi khác nên nhóm khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Daniel Ek cho biết việc huy động vốn cho Spotify chưa bao giờ dễ dàng. Ông mất rất nhiều thời gian để thuyết phục các nhà đầu tư tin rằng kinh doanh âm nhạc là sự đặt cược an toàn. Có thời điểm, Ek phải ngủ trước cửa một văn phòng cả tháng trời để gặp được nhà đầu tư.
Sau hai năm phát triển và thuyết phục các hãng thu âm cũng như các nghệ sĩ, dịch vụ âm nhạc trực tuyến của Spotify ra mắt người dùng châu Âu vào tháng 10/2008.
Những rào cản về giấy phép khiến Spotify không thể có mặt tại Mỹ cho đến năm 2011. Ngay cả khi đã đặt chân vào thị trường này, công ty của doanh nhân Thụy Điển cũng gặp không ít thách thức khi phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh như Apple hay việc bị Taylor Swift tẩy chay.
Spotify nhận vốn từ những đơn vị tiên phong trong stream nhạc như Sean Parker của Napster và Ludvig Strigeus của uTorrrent vào năm 2011 và đây là những cú hích giúp họ vươn lên nhanh chóng trong thị trường streaming âm nhạc.
Tháng 4/2018, dịch vụ âm nhạc trực tuyến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Thương vụ thành công giúp Daniel Ek - người sở hữu 9,2% cổ phần - trở thành tỷ phú ở tuổi 35.
Mở rộng quy mô và gia tăng trải nghiệm dịch vụ
Kể từ khi được ra mắt vào năm 2008, Spotify đã liên tục phát triển nhanh chóng, từ 1 triệu người đăng ký trả tiền vào năm 2011 lên tới 60 triệu người trả tiền trong tổng số 140 triệu người dùng thường xuyên vào năm 2017 (trong khi Apple Music chỉ có 25 triệu). Đến tháng 4 năm 2020, Spotify chạm mốc 133 triệu người dùng trả phí (premium user) trên toàn thế giới, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Spotify đã có mặt tại hầu hết các nước châu Âu, châu Mỹ, Úc, New Zealand, và nhiều khu vực của châu Á. Các thiết bị hiện đại, bao gồm máy tính chạy hệ điều hành Windows, macOS và Linux, cũng như điện thoại thông minh và máy tính bảng đều có thể tiếp cận kho dữ liệu lên tới hơn 40 triệu bài hát của ứng dụng Spotify.
Sự phát triển nhanh chóng của Spotify đến từ việc công ty đã tận dụng được thời cơ khi thị trường âm nhạc đang ở đau đầu với tình trạng vi phạm bản quyền, người dùng liên tục tải về các bản nhạc lậu vì thiếu các nguồn hợp pháp. Spotify đã cung cấp một nền tảng thích hợp giúp cho việc chi trả bản quyền âm nhạc dễ dàng hơn và đồng thời công nghệ phát triển cũng giúp tăng cường việc xử lý các trang web vi phạm bản quyền trở nên dễ dàng hơn.
Tiếp theo, Spotify giải quyết vấn đề bộ nhớ khi người dùng chỉ cần nghe nhạc trực tiếp từ máy chủ mà không cần tải về máy và điều này cũng giải quyết vấn đề chia sẻ phi pháp. Tuy vậy, việc không tải được bài hát thường khiến người dùng có thể cảm thấy họ mất quyền sở hữu bài hát họ chi trả. Do vậy Spotify giải quyết sự bất tiện đó bằng cách cho phép người dùng chỉ cần "trả một lần" phí thuê bao hàng tháng thay vì phải trả theo từng bài như các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến khác. Từ đó biến việc nghe nhạc giống như xem truyền hình.
Không như các dịch vụ âm nhạc khác luôn áp dụng một mức hoa hồng cố định, Spotify sử dụng các công thức phức tạp để xác định số tiền mà các nghệ sĩ kiếm được từ việc phát nhạc.
Các nhãn hàng lớn có thể nhận được một khoản tiền khá lớn từ Spotify, nhưng không phải tất cả số tiền đó sẽ đến với các nghệ sĩ. Spotify cũng không chi trả doanh thu giống nhau cho các nghệ sĩ mà phụ thuộc vào hợp đồng của họ với công ty hoặc với bên thứ ba. Một số nhạc sĩ, nghệ sĩ chỉ có thể nhận được 15 đến 20% doanh thu trực tuyến mà họ mang lại cho Spotify.
Công ty đang dành khoảng 70% doanh thu để chi trả cho các công ty giữ bản quyền âm nhạc, theo một báo cáo từ CNBC. Mặc dù vậy, Spotify không công bố số tiền trung bình họ chi trả cho công ty/nghệ sĩ mỗi lượt nghe nhạc. Tuy nhiên theo thống kê từ cộng đồng, con số này dao động khoảng $0.006 and $0.0084 mỗi stream.
Hiện Spotify cung cấp miễn phí tính năng nghe nhạc trực tuyến. Song hãng rất khuyến khích người dùng mua gói premium để tận hưởng chất lượng dịch vụ âm nhạc cao cấp. Hai gói preimum là thẻ tháng giá 59.000đ và thẻ năm giá 590.000đ
Ứng Minh