(Tổ Quốc) - "Thiên đường thuế" nổi tiếng nhất đối với các công ty trong Fortune 500 là Hà Lan, với hơn một nửa doanh nghiệp cho biết có ít nhất một chi nhánh ở đó.
Tùy theo cách nhìn khác nhau mà hiện nay trên thế giới có khoảng 50 quốc gia, bang hoặc vùng lãnh thổ được coi là "Thiên đường Thuế".
Đây là những nơi không đánh thuế, hay đánh thuế rất thấp đối với các công ty chỉ có đăng ký hoạt động tại đây, mà không hoặc hầu như không có hoạt động kinh doanh và nguồn thu nhập từ chính nơi đó hoặc theo các điều kiện cụ thể khác mà các công ty có thể vận dụng để hưởng lợi nhiều nhất từ việc giảm số thuế phải nộp.
Chẳng hạn, ở Bermuda thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0%. Nghĩa là công ty nào đó sẽ tính tới chuyện đặt công ty mẹ tại Bermuda và mở những công ty con sản xuất ở các quốc gia khác, sau đó thông qua các hoạt động chuyển giá, chuyển nhiều nhất có thể lợi nhuận về đây.
Điều này sắp bị thay đổi bởi tác động của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Quy tắc thuế tối thiểu nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cở sở tính thuế và chuyển lợi nhuận BEPS bắt đầu thực thi.
Đây là một thỏa thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên thế giới với mức thuế thống nhất tối thiểu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên.
Quy tắc ước tính sẽ tạo ra khoảng trên 150 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu hàng năm.
Quy định này là 1 hệ thống phối hợp về thuế nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia phải trả số thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh ở mỗi khu vực pháp lý mà họ hoạt động, chống tình trạng chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế. Chống cạnh tranh đầu tư quốc tế bằng biện pháp đua nhau hạ ưu đãi thuế.
BEPS là hiệp định đa phương giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng thuế quốc tế, giúp ngăn chặn lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến các vùng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế trong khi những nơi này ít có hoặc không có hoạt động kinh tế thực chất.
Việc triển khai BEPS được cho là đảm bảo môi trường phát triển bền vững hơn cho tất cả các quốc gia. BEPS gồm 15 chương trình hành động lớn nhưng Việt Nam chỉ tham gia ở các cam kết tối thiểu, phù hợp với các nước đang phát triển như minh bạch hóa xử lý tranh chấp thuế, trao đổi chia sẻ thông tin và trong thời gian tới, có thể mở rộng với thuế giá trị gia tăng.
Việt Nam tham gia BEPS từ năm 2017.
Tuy được đánh giá giống như cuộc cách mạng để chống lại những hành vi chuyển giá và trốn thuế trên phạm vi toàn cầu, đem lại sự công bằng cho môi trường kinh doanh của các quốc gia và làm lợi hơn cho các chính phủ nhưng việc thực thi không phải đơn giản.
Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 135 quốc gia đã đặt bút ký cuối năm ngoái, nhưng ký chưa phải là đã xong. Từ văn bản nền tảng ấy còn phải cụ thể hóa thành những quy tắc cụ thể, có thể định lượng, được hiểu và được áp dụng như nhau ở tất cả các nước
Liên minh Châu Âu cho đến giờ này vẫn chưa nhất trí được với nhau là sẽ sửa luật lệ như thế nào cho phù hợp với thỏa thuận đã ký ấy. Mỗi chi tiết đều có thể được hiểu khác nhau và từ đó vận dụng cũng khác nhau, vô tình hay cố ý.
Theo ông Robert King - Lãnh đạo dịch vụ tư vấn thuế Phụ trách Ernst & Young Việt Nam, khi đưa quy tắc này vào thực hiện thực tế sẽ xuất hiện những cản trở dẫn đến kế hoạch ban đầu bị trì hoãn, đặc biệt với liên minh Châu Âu.
Dự kiến EU có thể đưa ra những quy định này vào năm 2023 để có thể chính thức có hiệu lực từ năm 2024. Suy cho cùng đây là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, nên một số quốc gia sẽ áp dụng sớm hơn và một số quốc gia cần nhiều thời gian hơn.
Đối với thực tiễn tại Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết đối tượng doanh nghiệp chịu tác động của quy tắc này là những tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên, theo ông Mại, số lượng này ở Việt Nam không nhiều.
"Hiện nay Việt Nam có khoảng 100 tập đoàn lớn đầu tư nhưng theo quan sát của tôi, chỉ có 10 – 15 tập đoàn chịu tác động của quy tắc này, còn đa phần không ảnh hưởng" ông Mại cho biết.
Ông Robert King đánh giá về tác động của quy tắc này với việc cạnh tranh ưu đãi đầu tư. Khi áp dụng quy định này có thể làm giảm tác dụng của việc ưu đãi thuế, không chỉ ở Việt Nam, cả các quốc gia khác ưu đãi thuế cũng phải đối diện với vấn đề này.
Bên cạnh đó, ông Robert đặt ra vấn đề là cần phải nhìn nhận tại sao các công ty lại tìm đến Việt Nam? Họ đến vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó thuế chỉ là 1 lý do. Những nguyên nhân khác chẳng hạn như lực lượng lao động dồi dào, học vấn, cơ sở hạ tầng, ổn định chính trị và các biện pháp hỗ trợ đầu tư ngoài thuế khác... Để quyết định địa điểm đầu tư, các công ty sẽ phải cân nhắc tất cả các yếu tố đó.
Bên cạnh đó, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia cạnh tranh về thu hút đầu tư với Việt Nam cũng sẽ chịu tác động tương tự.
An Vũ