(Tổ Quốc) - Elon Musk liệu có run sợ khi chứng kiến 2 biểu tượng của nước Nhật bắt tay?
Đầu năm 2020, CEO Sony Group là Kenichiro Yoshida đã đứng trên sân khấu Triển lãm Điện tử tiêu dùng tại Las Vegas – sự kiện hàng năm lớn nhất trong ngành công nghiệp. Tại đây, ông tuyên bố về trụ cột mới, quan trọng nhất của công ty trong vòng 1 thập kỷ: Nhà sản xuất điện tử Nhật Bản đang tham gia vào cuộc đua xe điện.
Khi Yoshida kết thúc bài thuyết trình kéo dài 30 phút của mình, ánh sáng trên sân khấu dần mờ lại và một thứ xuất hiện từ trong bóng tối. Vị CEO này đã giơ tay lên khi một chiếc xe ô tô thương hiệu Sony, bóng loáng xuất hiện trên sân khấu. Giống như một chiếc điện thoại di động trong thập kỷ qua, "xu hướng lớn tiếp theo sẽ là xe điện", Yoshida tuyên bố.
Với tuyên bố của Yosshida, công ty công nghệ Nhật Bản 76 năm tuổi đã chính thức gia nhập đường đua vào ngành công nghiệp xe hơi. Khi các phương tiện được điện hóa, tự động, kết nối web, rất nhiều người chơi mới đã tham gia vào – kể cả những cái tên nổi tiếng bậc nhất như Apple với dự án bí mật Apple Car. Tất cả đang đặt cược rằng họ có những công nghệ cần thiết có thể phá vỡ thị trường 3 nghìn tỷ USD.
Trong khi cuộc cạnh tranh của các gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) đã bị đánh bại bởi nhiều nhà sản xuất ô tô đã có tiếng, nỗ lực của Yoshida khi đẩy Sony vào một lĩnh vực mới khiến ông thu hút thêm được một "fan hâm mộ" mới, rất đặc biệt: Toshihiro Mibe – người khi ấy đang phụ trách mảng Tìm kiếm và phát triển tại Honda Motor.
Trong số tất cả những nhà sản xuất xe hơi của Nhật Bản, Honda tỏ ra tham gia tích cực, mạnh mẽ nhất vào lĩnh vực xe điện, nhắm tới việc đạt doanh số toàn là xe điện vào năm 2040. Ngay từ đầu, Honda đã xem tiềm năng hợp tác với Sony trong mảng điện tử tiêu dùng, xe tự lái và phần mềm là cách để khác biệt những mẫu xe mới và tạo thêm giá trị cho một mảng kinh doanh đang tạo ra biên lợi nhuận thấp là làm xe hơi.
Đừng đằng sau hậu trường, Mibe đã dành nhiều năm để "chèo kéo" các lãnh đạo Sony, tìm cách bán cho họ tầm nhìn về tiềm năng hợp tác giữa 2 công ty. Khi Mibe, 60 tuổi trở thành CEO Honda vào năm ngoái, những đàm phán kể trên đã đạt được bước ngoặt mới. Nguồn tin giấu tên cho biết, sau hàng loạt cuộc gặp giữa những cá nhân từ cấp các lãnh đạo cấp cao tới các kỹ sư, các kế hoạch thành lập 1 liên minh bắt đầu được củng cố vào khoảng cuối năm 2021.
Đỉnh điểm là việc tiết lộ 2 kế hoạch về việc tạo ra một công ty mới để phát triển và bán những chiếc xe điện thế hệ tiếp theo. 2 công ty mang tính biểu tưởng, là hình ảnh đại diện cho sự phục hồi kinh tế Nhật Bản chính thức bắt tay cùng nhau.
"Cả 2 công ty đến từ những ngành công nghiệp khác nhau hoàn toàn có văn hóa và nguồn lực giá trị khác nhau. Việc đưa ra ý tưởng như vậy sẽ có thể thể tạo ra phản ứng hóa học giữa 2 doanh nghiệp. Điều này thật sự hấp dẫn và tôi đã gặp Chủ tịch Yoshida và nói: Hãy làm đi", Mibe trả lời khi được hỏi về mối hợp tác giữa 2 công ty.
Với Honda, sự tiếp cận của Mibe thật sự có ý nghĩa. Trong vài năm qua, Tesla – với tính năng xe tự lái và khả năng cải thiện hiệu quả xe thông qua việc update từ xa như một chiếc iPhone, đã cho thấy rõ khoảng cách kiến thức khi họ bước vào lĩnh vực phần mềm với thế hệ những chiếc xe tiếp theo.
Sony mường tượng ra những chiếc xe ô tô sẽ kết nối với điện toán đám mây và được trang bị những cảm biến sẽ có thể lái tự động cấp 4. Ở giai đoạn đó, những chiếc xe sẽ không yêu cầu tương tác người thật trong hầu hết các tình huống, bởi vậy lái xe sẽ rảnh tay chơi game, hoặc xem các nội dung của Sony. Honda đã xác nhận những công nghệ này đang được cân nhắc cho những mẫu xe tiếp theo được ra đời theo mô hình hợp tác với Sony, có thể là vào năm 2025.
Với Sony, việc hợp tác với Honda giúp họ tiếp cận chuỗi cung ứng, kiến thức sản xuất và kinh nghiệm bán xe hơi. Sự hoạt động của nhà sản xuất xe ô tô đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn và họ cần phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời xe.
Dĩ nhiên quy trình hợp tác giữa nhà sản xuất ô tô với ông lớn công nghệ có thể vẫn tồn tại những thách thức nhưng mô hình kiểu này là "cần thiết" để thu hẹp khoảng cách với sự cải tiến nhanh chóng của xe hơi, theo Olaf Sakkers - từ quỹ RedBlue Capital.
"Có một mục tiêu rõ ràng đó chính là Tesla". Sự hợp tác của Sony và Honda cho thấy "các công ty phải nhận ra đối thủ cạnh tranh chính của họ là ai và họ cần công nghệ, đối tác ở đâu". Tương lai sẽ chứng kiến nhiều mối hợp tác dạng này hơn nữa.
Tuy nhiên, không hẳn mọi chuyện sẽ dễ dàng. Apple đã tìm kiếm rất lâu liên minh để giúp họ phát triển và sản xuất xe nhưng những cuộc đàm phán với Hyundai và Ferrari đều rơi vào bế tắc. Nguyên nhân có thể là các hãng xe đều rất thận trọng khi trở thành đơn vị lắp ráp cho một sản phẩm có thể cuối cùng sẽ phá hỏng luôn doanh nghiệp của họ. Hầu hết các liên minh như vậy đều không muốn ở tỷ lệ 50 – 50 như Sony và Honda.
Khác biệt hoạt động cũng có thể tạo ra khó khăn cho hợp tác trong dài hạn, gồm tốc độ phát triển tương đối chậm và tỉ mỉ của ngành công nghiệp ô tô.
Trong khi Sony tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh từ game tới phim ảnh và âm nhạc, số phận Honda lại gắn liền với sự thu hút của họ với EV. Điều đó có nghĩa là họ chịu gánh nặng tổn thất lớn nếu liên minh chấm dứt sau khi chiếc xe đầu tiên ra mắt. "Câu hỏi thật sự là điều gì xảy ra sau đó".
Tuy nhiên, Honda đã chọn Sony từ một loạt ứng viên là các công ty điện tử tiềm năng và Sony cũng đã tìm kiếm được Honda từ một loạt đối tác sản xuất. Cả hai công ty nói rằng họ chọn lựa lẫn nhau vì một lý do duy nhất.
Trong một buổi nói chuyện ngắn vào tháng 3, Yoshida và Mibe nói rằng văn hóa chung của 2 công ty đều muốn "thách thức điều to lớn tiếp theo" sẽ giúp tạo cầu nối lại những khoảng cách giữa 2 ngành công nghiệp. Để chứng minh cho điều này, CEO Sony đã gợi nhắc về mối hợp tác trong quá khứ của những nhà sáng lập 2 công ty gồm Soichiro Honda và Masaru Ibuka.
Honda và Ibuka nổi tiếng phát triển tình bạn thân thiết khi xây dựng doanh nghiệp của họ. Cả 2 đã lần đầu tiên gặp gỡ vào giữa những năm 1950 khi Honda thăm trụ sở Sony. Sau đó, trong một cuốn sách của mình, Ibuka thậm chí đã viết về nhà sáng lập Honda.
Trên thực tế, trong những mảng kinh doanh riêng của cả 2 công ty, Honda và Sony "đặt tính ưu việt vào thực hiện các nỗ lực – nghĩa là thất bại là chuyện thường tình".
"Thành công và thất bại là 2 mặt của cùng một tờ giấy. Vì ai cũng sợ thất bại nên những trường hợp thành công rất hiếm".
Nguồn: Bloomberg
Vân Đàm