(Tổ Quốc) - Tim là trung tâm cung cấp máu cho tất cả cơ quan trong cơ thể. Hãy lưu ý đến thói quen sinh hoạt để bảo vệ tim thật tốt để có một cơ thể khỏe mạnh, tuổi thọ dài lâu.
Tim là trung tâm cung cấp máu cho tất cả cơ quan trong cơ thể. Một khi tim ngừng đập, toàn bộ cơ quan không nhận được máu và chất dinh dưỡng. Não bộ thiếu oxy trong 5 phút sẽ ngừng hoạt động, dẫn đến tử vong.
Trong sách "Hoàng Đế nội kinh" viết: "Tim là vua của các cơ quan, vua không minh thì mười hai cơ quan sẽ nguy hại. Tim không khỏe sẽ kéo theo toàn thân phát bệnh".
Vậy trong cuộc sống thường ngày, những người mắc bệnh nào cần đặc biệt chú ý vấn đề tim mạch, những vấn đề nào khiến trái tim "nhanh già"? Dưới đây là những điều bạn cần chú ý.
Tim sợ nhất những người "3 cao"
Ai mắc "3 cao" dưới đây, mạch máu sẽ tổn thương, trái tim rất "nhanh già". Trong lúc chúng ta không cảnh giác, tim sẽ dần dần đổ bệnh.
1. Huyết áp cao
Tim cần co bóp và thư giãn để hoàn thành quá trình lưu thông máu. Khi huyết áp tăng cao, mỗi lần bơm máu, tim cần dùng nhiều sức hơn, tần suất cũng nhiều hơn. Tình trạng này tiếp diễn lâu ngày sẽ làm tâm thất dày hơn, khiến tim làm việc quá tải, dẫn đến suy tim.
2. Mỡ máu cao
Mỡ máu cao do cholesterol và chất béo trung tính trong máu tăng cao. Mỡ máu cao lâu ngày làm máu trở nên kết dính, cản trở lưu thông máu, làm tim cung cấp không đủ máu cho cơ thể. Mỡ máu cao còn dễ hình thành các cục máu đông, tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
3. Đường máu cao
Bệnh tim là biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường. Vì tình trạng đường máu cao liên tục tiếp diễn làm mạch máu sinh bệnh, tắc nghẽn, co lại… Điều này ảnh hưởng chức năng cung cấp máu và dinh dưỡng của tim, cuối cùng gây ra bệnh tim.
Chúng ta nên làm gì để bảo vệ tim?
Ngày nay, do công việc bộn bề và các hình thức giải trí đa dạng, con người thường xuyên thức đêm, làm việc quá sức khiến cơ thể kiệt quệ. Tim là bộ phận mệt mỏi nhất khi chúng ta sống gấp gáp mà không nghỉ ngơi lấy sức như vậy.
Thức đêm và kiệt quệ sức lực lâu ngày sẽ kích thích hệ thống thần kinh giao cảm, tăng nguy cơ gây hại mạch máu, sinh ra cảm xúc lo lắng, trầm cảm; dẫn đến các bệnh về tim mạch như tim đập nhanh, huyết áp cao, tim đau thắt,… Vì vậy, chúng ta nên sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc ban đêm và bổ sung dưỡng chất khi cơ thể gặp tình trạng mệt mỏi.
Dưới đây là 9 điều Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã nêu trong bài phát biểu "Kim chỉ nam trong ăn uống để cải thiện sức khỏe tim mạch năm 2021" giúp mọi người điều chỉnh chế độ ăn uống một cách khoa học để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
1. Cân bằng lượng năng lượng nạp vào và tiêu hao, giữ gìn cân nặng hợp lý
Mỗi tuần, chúng ta nên hoạt động thể chất vừa phải ít nhất 150 phút để giúp tối ưu hóa việc cân bằng năng lượng.
Năng lượng và lượng calo trung bình cần thiết của mỗi người trong một ngày tùy vào các yếu tố như độ tuổi, mức độ vận động, giới tính, thể hình,…mà khác nhau. Mỗi năm, lượng năng lượng người trưởng thành cần cho cơ thể giảm 70-100 calo. Nạp quá nhiều thực phẩm tốt cũng dẫn đến tăng cân, nguy hiểm cho cơ thể.
2. Ăn nhiều rau củ, hoa quả
Có nghiên cứu chứng minh rằng, ăn nhiều loại hoa quả và rau củ có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngoài ra, hoa quả và rau củ tươi cung cấp nhiều chất xơ, mang lại cảm giác no bụng hơn nước ép.
3. Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt
Nghiên cứu cho thấy, thường xuyên ăn ngũ cốc nguyên hạt hoặc các thực phẩm phẩm ngũ cốc nguyên hạt có lợi cho người mắc bệnh động mạch vành, tiêu chảy, hệ vi sinh đường ruột,…
4. Lựa chọn protein có nguồn gốc lành mạnh
Chúng ta nên ưu tiên nạp protein thực vật vào cơ thể, đồ ăn thường ngày lấy protein thực vật làm chủ. Protein trong hạt đậu và thực phẩm từ đậu là protein chất lượng, đậu cũng chứa nhiều chất xơ. Vì vậy, chúng ta nên ưu tiên chọn đậu hạt cho các bữa ăn.
Chúng ta có thể ăn cá và đồ biển để hấp thu protein động vật. Protein động vật có tác dụng quan trọng trong việc cải thiện các bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, chúng ta nên chọn các sản phẩm sữa ít béo hoặc tách béo.
5. Dùng dầu ăn thực vật thay các loại dầu không tốt
Các bác sĩ kiến nghị nên sử dụng dầu thực vật; không khuyên dùng dầu nhiệt đới (dầu dừa, dầu cây cọ, dầu hạt cọ), dầu động vật (bơ, mỡ lợn) và chất béo hydro hóa một phần (dầu thực vật hydro hóa, chủ yếu dùng trong quá trình làm bánh quy, bánh gato, làm bơ,…)
6. Chọn đồ ăn ít chế biến, hạn chế tiêu thụ đồ ăn chế biến nhiều
Nghiên cứu chứng minh rằng thực phẩm tinh chế ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn lưu thông máu, tiểu đường loại 2 và các bệnh về tim mạch.
7. Hạn chế tiêu thụ nước uống và thực phẩm có đường
Đường thêm vào thường gặp gồm đường glucozo, saccarozo, dextroza, xi-rô ngô, xi-rô cây phong và nước ép trái cây cô đặc. Tiêu thụ nhiều loại đường thêm vào này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh động mạch vành và thừa cân.
8. Chọn thực phẩm ít hoặc không chứa muối
Các thực phẩm chứa lượng muối cao có khả năng gây ra huyết áp cao. Thực phẩm ít natri có tác dụng phòng ngừa và khống chế huyết áp tăng. Theo hướng dẫn về chế độ ăn uống cho cư dân Trung Quốc, người trưởng thành không nên tiêu thụ nhiều hơn 6 gam muối ăn một ngày.
9. Kiểm soát lượng rượu
Cồn rượu có ảnh hưởng phức tạp đến sức khỏe tim mạch; tùy vào lượng rượu, loại rượu, độ tuổi, giới tính và loại bệnh tim mạch mắc phải mà gây ra các ảnh hưởng khác nhau. Vì vậy, chúng ta nên uống một lượng rượu vừa phải, hoặc tốt nhất không nên uống rượu.
Tim đập là điều kiện quan trọng để con người duy trì mạng sống. Chỉ khi chúng ta bảo vệ tốt tim mạch, chú ý nghỉ ngơi, kiên trì tập thể dục điều độ, duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, tuổi thọ mới có thể kéo dài.
Lưu Ly